Thứ Hai, 14/11/2022 09:00

Doanh nghiệp bất động sản nhà ở ảm đạm sau 9 tháng

9 tháng đầu năm 2022, ngành bất động sản liên tiếp đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt liên quan đến dòng tiền. Trong bối cảnh chung của ngành không thuận lợi, các doanh nghiệp phát triển bất động sản dân dụng cũng chịu không ít ảnh hưởng, dẫn đến kết quả kinh doanh kém khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng lợi nhuận ròng giảm

Thống kê từ VietstockFinance, tổng doanh thu thuần và lãi ròng 9 tháng đầu năm của 76 doanh nghiệp phát triển bất động sản nhà ở trên sàn chứng khoán lần lượt giảm 29% và 12% so với cùng kỳ, còn gần 156 ngàn tỷ đồng và hơn 36 ngàn tỷ đồng. Có 34 doanh nghiệp lãi tăng, 25 doanh nghiệp giảm lãi và 10 doanh nghiệp báo lỗ.

Nhóm doanh nghiệp lãi giảm ghi nhận nhiều tên tuổi lớn trong ngành như Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG), Vinhomes (HOSE: VHM), CTCP Đầu tư Hải Phát (HOSE: HPX), Đầu tư LDG (HOSE: LDG), CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HOSE: NBB), Phát triển Nhà Thủ Đức (HOSE: TDH).

Đối với DXG, dù kết quả kinh doanh quý 3 của Công ty đạt lãi ròng gấp gần 3 lần cùng kỳ nhưng do tình hình nửa đầu năm kém khả quan vì chưa kịp bàn giao và ghi nhận doanh thu từ các dự án, doanh thu và lãi ròng 9 tháng đầu năm của Công ty đều đồng loạt giảm 37%, về 4,597 tỷ và 556 tỷ đồng.

Tương tự, lãi ròng quý 3 của VHM tăng 30% nhờ chuyển nhượng khoản đầu tư vào công ty đang sở hữu một phần dự án bất động sản, qua đó doanh thu tài chính đạt gần 11 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, do hoạt động chuyển nhượng bất động sản trong nửa đầu năm kém khả quan, doanh thu và lãi ròng 9 tháng giảm lần lượt 49% và 27% so với cùng kỳ, còn khoảng 31 ngàn tỷ và 20 ngàn tỷ đồng.

Các doanh nghiệp lãi giảm sau 9 tháng đầu năm
Nguồn: VietstockFinance

Bên cạnh các doanh nghiệp giảm lãi, một số doanh nghiệp thậm chí lỗ sau 9 tháng đầu năm. Trong đó, đáng chú ý nhất là Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) khi lỗ ròng gần 1.9 ngàn tỷ đồng.

Doanh thu bán hàng hóa và kinh doanh bất động sản của FLC lần lượt giảm 80% và 63%, còn 621.8 tỷ và 567 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 40% lên hơn 950 tỷ đồng. Tuy vậy, giá vốn cung cấp dịch vụ lên tới gần 1.2 ngàn tỷ đồng là nguyên nhân chủ yếu khiến FLC lỗ gộp trong 9 tháng đầu năm. Ngoài ra, Công ty còn tăng mạnh chi phí dự phòng và chi phí dịch vụ mua ngoài.

Một doanh nghiệp khác cũng có mức lỗ lớn là Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (HNX: NDN) khi lỗ ròng 124 tỷ đồng sau 9 tháng. Công ty gần như không ghi nhận doanh thu từ mảng nhà ở trong năm 2022. Dù là một doanh nghiệp bất động sản nhưng NDN lại tập trung vào đầu tư tài chính (đầu tư cổ phiếu), đặc biệt là sau khi Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Trung bị bắt tạm giam vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, với việc thị trường chứng khoán lao dốc mạnh trong phần lớn thời gian của năm 2022, NDN đã phải ngậm trái đắng khi danh mục đầu tư tại thời điểm cuối tháng 9 lỗ 31%, tương đương 123 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp báo lỗ sau 9 tháng đầu năm
Nguồn: VietstockFinance

Tuy bối cảnh ngành có nhiều khó khăn nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp lãi 9 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ.

Chẳng hạn Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) ghi nhận lãi ròng 9 tháng hơn 1.4 ngàn tỷ đồng (tăng 27%) dù doanh thu thuần chỉ đạt gần 1.5 ngàn tỷ đồng (giảm 38%). Nguyên nhân là do trong quý 3, doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến với hơn 1,249 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thương vụ chuyển nhượng 46% vốn chủ sở hữu tại công ty con - CTCP Địa ốc Sài Gòn KL cho đối tác.

Hay Đầu tư Văn Phú - INVEST (HOSE: VPI), lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu và lãi sau thuế của VPI đạt lần lượt 1,3940 tỷ đồng và 358 tỷ đồng, gấp 2.2 lần và 3.3 lần so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng đến từ việc Công ty bắt đầu ghi nhận doanh thu từ một số sản phẩm thấp tầng thuộc dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu biệt thự Hùng Sơn (Thanh Hóa) trong 9 tháng đầu năm.

Các doanh nghiệp báo lãi tăng sau 9 tháng đầu năm
Nguồn: VietstockFinance

Với kết quả kinh doanh 9 tháng suy giảm so với cùng kỳ, không quá khó hiểu khi mặt bằng chung tiến độ thực hiện kế hoạch năm của các doanh nghiệp ở mức thấp, nhiều doanh nghiệp còn chưa đạt được 50% kế hoạch lợi nhuận.

Tiến độ thực hiện kế hoạch kinh doanh 2022 của các doanh nghiệp bất động sản
* Doanh nghiệp lỗ trong cùng kỳ nhưng lãi ròng 9 tháng đầu năm 2022
Nguồn: VietstockFinance

Tổng vay nợ tăng 34%

Về tình hình tài chính, dù đã bị siết chặt các kênh huy động vốn nhưng tổng vay nợ của 76 doanh nghiệp bất động sản nhà ở tại thời điểm 30/09/2022 vẫn tăng 34% so với đầu năm, lên gần 384 ngàn tỷ đồng.

Tập đoàn VINGROUP (HOSE: VIC) là doanh nghiệp có dư nợ lớn nhất ngành với gần 173 ngàn tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu của VIC tại thời điểm cuối tháng 9 là gần 79 ngàn tỷ đồng, trong đó hơn 21 ngàn tỷ đồng là các trái phiếu đến hạn trả. Được biết, riêng CTCP Sản xuất và Kinh doanh Vinfast - công ty con của VIC đã huy động được gần 9 ngàn tỷ đồng từ trái phiếu trong 9 tháng đầu năm 2022.

Top 20 doanh nghiệp bất động sản có vay nợ lớn nhất tại thời điểm 30/09/2022
Nguồn: VietstockFinance

Mặt khác, lượng tiền mặt và của để dành (người mua trả tiền trước + doanh thu chưa thực hiện) cũng tăng không kém cạnh gì vay nợ. Cụ thể, tổng lượng tiền mặt và của để dành của 76 doanh nghiệp lần lượt tăng 18% và gấp 2.3 lần so với đầu năm, đạt gần 95 ngàn tỷ và 198 ngàn tỷ đồng.

Doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn nhất cũng như có của để dành nhiều nhất vẫn là VIC với lần lượt gần 29 ngàn tỷ và gần 81 tỷ đồng.

Top 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng tiền mặt lớn nhất tại thời điểm 30/09/2022
Top 20 doanh nghiệp bất động sản có của để dành nhiều nhất tại thời điểm 30/09/2022
Nguồn: VietstockFinance

Đối với triển vọng của ngành bất động sản nói chung và mảng căn hộ nói riêng, bộ phận Nghiên cứu và Phát triển - DKRA Group, nhận định sức cung căn hộ tại TPHCM và các tỉnh lân cận sẽ gia tăng trong quý cuối năm 2022. Tuy nhiên, sức cầu chung cũng như thanh khoản thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp vẫn sẽ duy trì ở mức thấp do ảnh hưởng động thái tăng lãi suất, tăng cường kiểm soát tín dụng cũng như tình hình vĩ mô thời điểm cuối năm 2022.

Hà Lễ

FILI

Các tin tức khác

>   HNX: Số liệu Quản lý Sở hữu của Nhà đầu tư nước ngoài tại ngày 14/11/2022 (14/11/2022)

>   CLW: BCTC Quý 02.2021 (16/08/2021)

>   CLL: BCTC Quý 04.2020 (20/01/2021)

>   CLC: BCTC Quý 01.2019 (17/04/2019)

>   CKG: BCTC Quý 04.2020 (01/02/2021)

>   CKG: BCTC Quý 04.2020 (01/02/2021)

>   CKG: BCTC Quý 02.2021 (02/08/2021)

>   CKG: BCTC Quý 02.2021 (02/08/2021)

>   CKG: BCTC Quý 02.2021 (28/09/2021)

>   CKG: BCTC Quý 02.2021 (28/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật