Chưa có giải pháp sau cuộc họp doanh nghiệp BĐS với Chính phủ
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho biết cuộc họp chủ yếu để lãnh đạo Chính phủ nắm vững tình hình, hiện chưa có kết luận và giải pháp cụ thể.
Trao đổi với chúng tôi tối 8/11, ông Lê Hoàng Châu đã có thông tin liên quan cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản ngày 8/11 tại TP.HCM do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cùng Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh và đại diện Văn phòng Chính phủ.
Phía doanh nghiệp có ông Châu đại diện HoREA và 19 chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản của TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
"Cuộc họp ở TP.HCM và Hà Nội chỉ là khởi động, mục đích để lãnh đạo Chính phủ nắm vững tình hình và tìm nguyên nhân cốt lõi, cũng như lắng nghe các đề xuất. Đến nay chưa thể có kết luận và giải pháp cụ thể từ phía lãnh đạo Chính phủ", ông Châu thông tin.
Vị Chủ tịch HoREA cho biết thêm nội dung hai cuộc họp này sẽ được tổng hợp lại, báo cáo Thủ tướng sau khi Thủ tướng từ Campuchia về, sau đó khả năng có thêm một số cuộc họp nữa rồi mới có thể đưa ra giải pháp.
Cuộc họp sáng 8/11 chủ yếu để lãnh đạo Chính phủ lắng nghe khó khăn và đề xuất của doanh nghiệp. Ảnh: Quỳnh Danh.
|
Tại cuộc họp, mỗi đơn vị có 10 phút trình bày với Phó thủ tướng về các vấn đề cần tháo gỡ. Nhìn chung 2 khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp bất động sản hiện nay là nguồn vốn và pháp lý.
"Tình hình hiện nay rất khó khăn. Tôi không dám dùng những từ quá nghiêm trọng nhưng tôi đã báo động trong các văn bản gửi Chính phủ. Vấn đề là các lãnh đạo phải tiếp tục tìm hiểu để ra quyết sách hợp lý", ông Châu chia sẻ thêm.
Tại cuộc họp, ông Châu cũng đại diện các doanh nghiệp TP.HCM khẳng định giải pháp lớn nhất, bao quát nhất và có tính quyết định nhất là hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Tuy nhiên, quá trình này dự kiến đến 2023 mới hoàn tất. Do đó, trong lúc này, cần có các giải pháp cấp bách hơn. HoREA đề nghị Chính phủ lựa chọn để tập trung tháo gỡ cho khoảng 10 tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang có nhiều dự án bị vướng mắc pháp lý phải dừng thực hiện, nhằm tạo niềm tin và cú hích cho thị trường.
Còn với nguồn vốn, ông cho rằng nguồn vốn từ tín dụng lẫn trái phiếu đều cần được khơi thông.
Lãnh đạo Novaland cũng từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn mới đây về mong muốn Ngân hàng Nhà nước có sự nghiên cứu, chỉ đạo cụ thể để khách hàng, nhà đầu tư, nhà phát triển bất động sản tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
"Một trong những giải pháp hiện nay là tạo điều kiện cho những chủ đầu tư lớn, những dự án đã được thẩm định, được duyệt thì cần có sự cởi mở hơn trong việc tiếp cận tín dụng, giúp cho thị trường bất động sản ấm hơn", đại diện Novaland nói.
Lan Anh
ZING
|