Bộ Công Thương: Thu gọn từ 30 xuống còn 28 đơn vị
Cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương được sắp xếp thu gọn, giảm từ 30 đơn vị xuống còn 28 đơn vị.
Ngày 29-11, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký ban hành Nghị định số 96/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức ngành của Bộ Công Thương.
Điểm đáng chú ý trong Nghị định 96 là các đơn vị hành chính, sự nghiệp trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương được sắp xếp thu gọn, giảm từ 30 đơn vị xuống còn 28 đơn vị.
Theo đó, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp sáp nhập lại thành Vụ Kế hoạch - Tài chính. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng được thay thế bằng Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian chờ Chính phủ ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia thì Cục này vẫn tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định pháp luật hiện hành. Ngoài ra, Cục Công tác phía Nam cũng không được giữ lại.
Theo Nghị định 96, cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương gồm: Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Thị trường châu Á - Châu Phi, Vụ Thị trường Châu Âu - châu Mỹ, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Dầu khí và Than, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Điều tiết điện lực.
Ngoài ra còn có Cục Công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Phòng vệ thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Công thương địa phương, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Hoá chất.
Theo Nghị định 96 của Chính phủ, Bộ Công Thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành và lĩnh vực: điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp cơ khí, luyện kim, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp môi trường, công nghiệp công nghệ cao (không bao gồm công nghiệp công nghệ thông tin); cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khuyến công; thương mại trong nước.
Bộ Công Thương còn phụ trách xuất nhập khẩu, thương mại biên giới; dịch vụ logistics, phát triển thị trường ngoài nước; quản lý thị trường; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng vệ thương mại; các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2022, thay thế cho Nghị định số 98/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức ngành của Bộ Công Thương.
A.HIỀN - T.NGUYỆT
Pháp luật TPHCM
|