Vì đâu giá phân bón toàn cầu quay đầu giảm?
Giá phân bón thế giới đang giảm trong bối cảnh giá cao trước đó khiến nhu cầu suy yếu, nông dân ngừng mua, gây nên tình trạng dư cung.
Nông dân đang quay lưng lại với phân bón?
Đầu năm nay, giá phân bón lên cao kỷ lục sau khi các lệnh trừng phạt Belarus – quốc gia sản xuất phân bón lớn của thế giới – có hiệu lực và xung đột Nga – Ukraine leo thang. Các công ty phân bón toàn cầu khi đó đã tăng cường mua và vận chuyển một lượng lớn sản phẩm để tránh gặp phải vấn đề về chuỗi cung ứng cũng như quy định hạn chế thương mại tại các thị trường xuất khẩu như Nga.
Những động thái như trên dẫn đến tình trạng tồn kho phân bón ở một số khu vực trọng điểm và người dân ngừng mua vì giá quá đắt đỏ – một diễn biến đang đè nặng lên thị trường này. Tình trạng này cũng diễn ra ở cả Mỹ - quốc gia tiêu thụ phân bón lớn và xuất khẩu ngô hàng đầu thế giới, và Brazil – cường quốc nông nghiệp và là nguồn cung đậu tương lớn nhất.
“Nông dân đang quay lưng lại với phân bón. Nhu cầu ammonia, phốt phát và kali toàn cầu đều đang giảm”, chuyên gia phân tích Alexis Maxwell của Bloomberg Intelligence cho biết.
Giá nhiều loại phân vẫn còn cao
Chỉ số theo dõi giá phân đạm urê hàng tuần tại New Orleans giảm 3.2% trong phiên 14/10. Xu hướng giảm này đã kéo dài một tháng do nông dân Mỹ chờ xem giá giảm thêm. Nông dân Brazil cũng đang ngừng mua, khiến giá giảm và tồn kho tăng mạnh.
Tuy nhiên, theo Bloomberg Intelligence, giá phân đạm vẫn đang gấp gần 5 lần mức giá trung bình trong lịch sử.
Các chuyên gia trong ngành phân bón trước đó đặt cược rằng nông dân sẽ vẫn mua vì giá ngũ cốc đang tăng lên trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, khi giá ngũ cốc giảm xuống, nông dân chuyển sang hạn chế chi tiêu, xem xét lại việc bón phân, đặt mua phân bón và tác động đến năng suất của các vụ thu hoạch trong tương lai. Ví dụ, nông dân trồng ngô thường phải bón phân đạm hàng năm, thì những người ở Mỹ thường không cần bón vào mùa thu.
Josh Linville, giám đốc mảng phân bón tại StoneX, cho hay thời điểm bắt đầu bón phân vào mùa thu ở Mỹ không được tốt vì nhiều người dân không mua phân để bón như mọi năm. Tuy nhiên, rất nhiều người có thể sẽ tìm mua phân đạm vào mùa xuân và khi đó, thị trường có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu.
Brazil – quốc gia nhập khẩu phân bón lớn nhất thế giới, cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự. Nước này đã nhập khẩu lượng phân bón kỷ lục trong năm nay nhằm đảm bảo nông dân có đủ nguồn cung để mở rộng diện tích trồng trọt.
Maisa Romanello, chuyên gia phân tích mảng phân bón của công ty Safras & Mercado, cho biết: “Tốc độ nhập khẩu kỷ lục trong năm nay đã lấp đầy các kho hàng, khiến Brazil phải tái xuất lượng thặng dư. Hành động này gây sức ép lên giá cả trong nước và quốc tế, vì Brazil nhập khẩu khối lượng nhỏ hơn trong nửa cuối năm nay”.
Theo Hiệp hội Phân bón Quốc gia Brazil, lượng giao phân bón ở Brazil trong 7 tháng đầu năm nay giảm 8.7% so với cùng kỳ năm trước. Hiệp hội dự báo giao hàng giảm từ 5-7% trong cả năm nay.
Trong khi đó, giá phân bón ở Brazil đã giảm gần một nửa so với mức cao nhất được ghi nhận hồi tháng 4. “Tuy nhiên, giá một số loại phân bón vẫn cao hơn nhiều so với những năm trước. Nông dân cho rằng giá sẽ giảm nữa nên họ tiếp tục chờ giá xuống để mua vào”, Jeferson Souza, chuyên gia phân tích mảng phân bón của Agrinvest Commodities ở Brazil, nói.
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
|