VEC đề xuất tự bỏ tiền để mở rộng cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây
Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây nếu được đầu tư, mở rộng thêm làn đường sẽ giúp kết nối lưu thông và phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Nam.
Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
|
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải giao nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.
Theo báo cáo của VEC, dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây được hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 6/2016 với chiều dài khoảng 54km. Từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến liên tục tăng cao, trung bình khoảng 10,45%/năm.
Tính toán của tư vấn cho thấy hiện trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (Km0-Km25+920) quy mô 4 làn xe đã mãn tải, nhu cầu thông qua hiện vượt 25% so với năng lực thông hành của tuyến và đến năm 2025 (dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành đi vào khai thác) vẫn mãn tải và không đáp ứng được nhu cầu vận tải trên tuyến.
Đặc biệt, đến năm 2025, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác sử dụng, dự án sẽ không thể đáp ứng khả năng thông hành. Do đó, VEC nhấn mạnh việc nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đoạn Km0-Km25+920 là cấp bách để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cho cả vùng Đông Nam Bộ.
Đối với phạm vi được đánh giá cần thiết mở rộng, VEC kiến nghị nghiên cứu đầu tư mở rộng đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (Km4+000-Km25+920) tổng chiều dài khoảng 21,92km.
Trong đó, đoạn tuyến từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 (Km4+000-Km8+770) đề xuất mở rộng quy mô lên 8 làn xe theo quy định tại Quyết định số 334 ngày 13/2/2007 của Bộ Giao thông Vận tải.
Đoạn tuyến từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hò-Vũng Tàu (Km8+770-Km25+920) đề xuất mở rộng quy mô 10 làn xe theo quy hoạch tại Quyết định số 1454 ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Khái toán sơ bộ, tổng mức đầu tư mở rộng đoạn tuyến Km4+000-Km25+920 khoảng hơn 14.786 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng). Trong đó, chi phí xây dựng ước gần 10.800 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng gần 800 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác khoảng hơn 1.000 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 2.100 tỷ đồng.
Cho rằng việc đầu tư công sẽ có ưu điểm là triển khai ngay được dự án, đẩy nhanh được tiến độ, tuy nhiên, phía VEC nhìn nhận việc sử dụng ngân sách Nhà nước sẽ làm tăng trần nợ công trong khi lại đang tập trung nguồn lực để thực hiện dự án cao tốc Bắc-Nam và một số dự án trọng điểm khác nên khả năng bố trí ngân sách là rất khó.
“Nếu được bổ sung vốn ngân sách Nhà nước cho dự án, thời gian hoàn thành dự án dự kiến vào quý 3/2027, không đáp ứng được nhu cầu cấp bách là phải hoàn thiện đồng bộ với dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án cao tốc Bắc-Nam,” lãnh đạo VEC thông tin thêm.
Đối với phương án đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT hoặc BOO), VEC cũng phân tích những khó khăn đòi hỏi bố trí nguồn vốn đầu tư công.
Trên cơ sở đó, VEC kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho VEC được nghiên cứu đầu tư mở rộng dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây theo hình thức tự huy động vốn để thực hiện bởi vốn điều lệ của VEC dự kiến tăng lên hơn 49.562 tỷ đồng đảm bảo khả năng tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện đầu tư các dự án. Phương án này cũng không phải báo cáo Quốc hội về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, rút ngắn được thời gian thực hiện dự án
Việt Hùng
Vietnam+
|