Tranh cãi Công ty Quốc Cường Gia Lai được Công ty Tân Thuận bán rẻ KDC Ven Sông
Liên quan sai phạm tại KDC Ven Sông (phường Tân Phong, quận 7, TP HCM) gây thất thoát của nhà số tiền 532,6 tỉ đồng, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận một mực phủ nhận việc chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Ngày 11-10, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM), Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận - gọi tắt là Công ty Tân Thuận) và 8 đồng phạm trong vụ bán rẻ 2 dự án khu dân cư (KDC) Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện nhà Bè) và KDC Ven Sông (phường Tân Phong, quận 7), gây thiệt hại cho nhà nước hơn 735 tỉ đồng.
Tại phiên xét xử trước đó, cựu Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận cho rằng bản chất của các sai phạm xảy ra do vốn điều lệ của công ty ít trong khi bị cáo muốn mang lại lợi nhuận cho công ty.
Liên quan sai phạm ở dự án KDC Ven Sông, VKSND TP HCM cho rằng hợp đồng hợp tác giữa Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai là bán chứ không phải hợp tác góp vốn.
Các bị cáo trong vụ án gây thất thoát hơn 735 tỉ đồng của nhà nước.
|
Cáo trạng nêu năm 2001, UBND TP HCM giao 269.229 m2 đất (chia thành 4 khu) cho Công ty Tân Thuận (thuộc sở hữu của Văn phòng Thành ủy TP HCM) để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KDC Ven Sông.
Năm 2008, Công ty Tân Thuận ký hợp tác kinh doanh số 22 với Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai với tỉ lệ 55% và 45% để đầu tư xây dựng dự án Khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông tại Khu IV thuộc KDC Ven Sông. Đến cuối năm 2015, 45% vốn góp của Công ty Hoàng Anh Gia Lai được bán lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Để triển khai dự án theo hợp đồng, tháng 12-2015, Công ty Quốc Cường Gia Lai đề nghị Công ty Tân Thuận chuẩn bị tài sản thế chấp để vay vốn hoặc chuyển nhượng tiếp cho Công ty Quốc Cường Gia Lai 55% vốn góp còn lại.
Cáo trạng thể hiện tháng 1-2016, Thiện thuê Công ty Thương Tín thẩm định giá Khu IV - KDC Ven Sông là 17,7 triệu đồng/m2, mục đích để "hợp tác đầu tư" nhưng sau đó hội đồng xây dựng giá của Công ty Tân Thuận lại sử dụng chứng thư thẩm định giá này để bán vốn góp (đồng thời thực hiện không đúng quy chế xây dựng giá bất động sản của Công ty Tân Thuận cũng như Luật Giá năm 2012).
Cụ thể, sau khi được Văn phòng Thành ủy duyệt chủ trương chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, Thiện lại ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 50 (thay thế số 22) có nội dung khác. Hợp đồng số 50 thể hiện Công ty Tân Thuận chuyển nhượng 90% giá trị khu đất tại dự án KDC Ven Sông cho Công ty Quốc Cường Gia Lai (giá 186,3 tỉ đồng), giữ lại 10%.
Trả lời xét hỏi của đại diện VKSND TP HCM, bị cáo Thiện khai khi thay đổi nội dung hợp đồng bị cáo không báo cáo chủ sở hữu là Văn phòng Thành ủy TP cũng như hội đồng thành viên công ty. Lý do, bị cáo nghĩ bản thân làm đúng luật, không đi ngược lại chủ trương của chủ sở hữu. Bị cáo Thiện lý giải thay vì ký thêm 1 hợp đồng chuyển nhượng 45% vốn góp nữa thì bị cáo gom lại thành 1 hợp đồng chuyển nhượng 90% vốn góp.
"Tuy nhiên, bị cáo nhận trách nhiệm là trong kỹ thuật văn bản của Phòng Kinh tế tại hợp đồng số 50 lại thiếu câu "kế thừa" hợp đồng 22. Khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng 90% dự án, công ty đã chuyển nhượng lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, bị cáo có hỏi phòng kế hoạch nội dung này có ảnh hưởng gì đến hợp đồng của mình không thì phòng này nói không. Vì bị cáo chưa rành về hợp đồng vốn góp này lắm nên bị cáo nghĩ rằng nó không ảnh hưởng, bản chất của nó vẫn là hợp đồng góp vốn" – bị cáo Thiện nói.
Tuy nhiên, VKS cho rằng nội dung hợp đồng này chỉ đơn thuần là Công ty Tân Thuận góp vay vốn và nhận lại một số tiền nhất định. Mặt khác, khi chuyển nhượng 90% vốn góp đã được hiểu bán toàn bộ đất dự án.
"Nếu góp vốn thì 2 bên phải cùng góp vào để thực hiện một nội dung và phân chia lợi nhuận nhưng hợp đồng của bị cáo có phân chia lợi nhuận không?" - đại diện VKS hỏi. Bị cáo một mực cho rằng có lợi nhuận.
Đến năm 2017, bị cáo Thiện ký tiếp hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn góp còn lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai giá 47,3 tỉ đồng. Bị cáo khai trước tòa, số tiền 47,3 tỉ Công ty Quốc Cường Gia Lai chưa chuyển cho Công ty Tân Thuận.
Ở dự án KDC Ven Sông, Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự cấp TP xác định giá trị dự án này ở thời điểm Công ty Tân Thuận chuyển nhượng 45% vốn góp (tháng 3-2016) là 486,4 tỉ đồng. Đến khi hoán đổi 10% vốn góp (tháng 9-2017), KDC Ven Sông có giá 661,8 tỉ đồng.
Tháng 3-2016, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng 90% giá trị dự án KDC Tân Phong cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (không còn là hoạt động góp vốn đầu tư). Sau đó, Công ty Tân Thuận tiếp tục làm thủ tục chuyển nhượng 10% còn lại cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Do vậy, thiệt hại tại dự án KDC Ven Sông được xác định là 532,6 tỉ đồng.
VKSND TP HCM cáo buộc các cá nhân thuộc Văn phòng Thành ủy, Công ty Tân Thuận trong vụ án này đã đồng ý chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án KDC Ven Sông mà không thực hiện thẩm định giá để xác định lại giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng (năm 2017) và không thực hiện việc đấu giá theo quy định, gây thất thoát, thiệt hại cho nhà nước 532,6 tỉ đồng.
|
Ý Linh Ảnh: Huế Xuân
Người lao động
|