Phía sau quyết định nới biên độ tỷ giá
Động thái nới rộng biên độ tỷ giá của nhà điều hành khá bất ngờ, tuy nhiên nếu nhìn vào sức ép của tỷ giá liên tục gia tăng trong thời gian qua, cũng như hàng loạt chính sách đã triển khai trước đó nhằm bình ổn thị trường, việc sử dụng công cụ điều chỉnh này trong thời điểm hiện nay dường như là tất yếu.
Thị trường đồng loạt phản ứng
Ngày 17/10/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ (USD) từ ±3% lên ±5%. Điều này đồng nghĩa với mức chênh lệch giữa giá sàn hoặc giá trần mà các ngân hàng được phép niêm yết là ±5% so với mức tỷ giá trung tâm. Cụ thể, với mức tỷ giá trung tâm ngày 17/10 tại 23,580, các ngân hàng được phép giao dịch giá đô la Mỹ trong khoảng từ 22,407 đến 24,765.
Song song với động thái này, NHNN cũng tăng tỷ giá trung tâm thêm 45 đồng lên 23,586, đồng thời nâng giá bán đô la Mỹ tại Sở giao dịch NHNN lên 24,380, tăng mạnh thêm 455 đồng, tương đương tăng đến 1.9% so với ngày trước đó. Đây là mức tăng khá mạnh tại một thời điểm, khi so với tổng 4 lần tăng trước đó là 875 đồng. Theo đó so với đầu năm giá bán USD của NHNN đã tăng đến 1,230 đồng, tương đương tăng 5.3% so với đầu năm.
Các ngân hàng cũng nhanh chóng phản ứng sau chính sách của NHNN. Vietcombank trong ngày 17/10 tăng đồng loạt giá mua và bán USD thêm 210 đồng, lên mức tương ứng 24,160 và 24,440. So với cuối tháng trước, giá niêm yết mua bán USD của ngân hàng này cũng đã tăng thêm 440 đồng, còn so với đầu năm tăng 1,520 đồng, tương ứng tăng hơn 6.6%. Đây là mức điều chỉnh khá lớn trong nhiều năm trở lại đây.
Trên thị trường tự do, giá mua và bán USD cũng tăng lần lượt 170 đồng ở chiều mua vào và 190 đồng ở chiều bán ra trong ngày 17/10, lên mức 24,420 và 24,520 đồng. So với cuối tháng trước giá mua và bán đều tăng thêm 320 đồng, còn nếu so với đầu năm tăng tương ứng 900 đồng và 970 đồng. Với mức tăng khiêm tốn hơn so với giá giao dịch tại các ngân hàng, giá niêm yết trên thị trường tự do đã thu hẹp khoảng cách đáng kể so với giá niêm yết tại các nhà băng.
Linh hoạt chính sách và công cụ triển khai
Động thái nới rộng biên độ tỷ giá của nhà điều hành khá bất ngờ, tuy nhiên nếu nhìn vào sức ép của tỷ giá liên tục gia tăng trong thời gian qua, cũng như hàng loạt chính sách đã triển khai trước đó nhằm bình ổn thị trường, việc sử dụng công cụ điều chỉnh này trong thời điểm hiện nay dường như là tất yếu.
Trước tình hình hiện nay, nếu quá “gồng gánh” với câu chuyện tỷ giá, không chỉ tiếp tục làm hao tổn nguồn lực dự trữ ngoại hối, mà còn có thể kích thích hoạt động nhập khẩu một số mặt hàng từ các đối tác có đồng tiền giảm giá mạnh hơn so với tiền đồng, nhất là khi càng về gần giai đoạn cuối năm. Về lâu dài nếu xu hướng này duy trì có thể dẫn đến sự mất cân bằng và mang đến những rủi ro tiềm ẩn.
|
Tính từ tháng 5 đến cuối tháng 9, NHNN đã có đến 4 lần tăng giá bán USD ra, bên cạnh việc sử dụng dự trữ ngoại hối để tăng nguồn cung ngoại tệ cho thị trường như là giải pháp can thiệp và bình ổn tỷ giá, với nguồn lực đã sử dụng ước tính lên tới hơn 21 tỷ USD. Gần đây nhất nhà điều hành quyết định nâng lãi suất điều hành để tăng thêm sức hấp dẫn VNĐ.
Dù vậy, trước xu hướng đồng USD đi lên mạnh mẽ trên thị trường quốc tế do Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày càng “diều hâu” hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ, sức ép mất giá đồng bản tệ của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ngày càng lớn. Thực tế đồng tiền của nhiều quốc gia, ngay cả các nền kinh tế phát triển mạnh như Nhật, Anh hay Liên minh châu Âu đã rớt về mức đáy lịch sử so với đô la Mỹ trong thời gian gần đây.
Có thể nói những động thái can thiệp thời gian qua dù đã hóa giải phần nào áp lực của tỷ giá, nhưng đồng nghĩa với việc nhà điều hành đã phải chấp nhận hao tổn một nguồn lực đáng kể từ dự trữ ngoại hối, cũng như tạm hy sinh mục tiêu giữ lãi suất. Trong khi đó, nếu so với mức độ lao dốc của nhiều đồng tiền khác trong khu vực so với đô la Mỹ, sự mất giá của tiền đồng là khiêm tốn hơn nhiều, tức tiền đồng vô hình chung đã tăng giá so với đồng tiền của nhiều đối tác thương mại chính cũng như các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay, nếu quá “gồng gánh” với câu chuyện tỷ giá, không chỉ tiếp tục làm hao tổn nguồn lực dự trữ ngoại hối, mà còn có thể kích thích hoạt động nhập khẩu một số mặt hàng từ các đối tác có đồng tiền giảm giá mạnh hơn so với tiền đồng, nhất là khi càng về gần giai đoạn cuối năm. Về lâu dài nếu xu hướng này duy trì có thể dẫn đến sự mất cân bằng và mang đến những rủi ro tiềm ẩn.
Ngoài ra, nếu buộc phải giữ sức hấp dẫn của tiền đồng lại phải “vời” đến chính sách tăng lãi suất, mà thực tế một số dự báo gần đây đã cho rằng Việt Nam có thể tăng thêm lãi suất điều hành trong thời gian còn lại năm nay, như là một trong những cách để giữ ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, với hoạt động của các doanh nghiệp vẫn đầy khó khăn, xu hướng lãi suất tăng quá nhanh có thể đem đến những bất ổn khó lường cho các doanh nghiệp này, cũng như các kênh đầu tư, tài sản khác đã thâm dụng vốn vay lớn trong giai đoạn “tiền rẻ” vừa qua.
Chính vì vậy, việc chấp nhận để tiền đồng mất giá thêm là quyết định có thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay, thông qua việc không chỉ nâng tỷ giá trung tâm, giá bán USD ra mà còn nới rộng biên độ tỷ giá giao ngay thêm 2%, để các ngân hàng có không gian rộng rãi hơn trong cơ chế niêm yết tỷ giá bám sát thực tế và nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, với dư địa của chính sách can thiệp bằng dự trữ ngoại hối hay nâng lãi suất đang bị hạn chế như đã nói, việc sử dụng thêm công cụ nới lỏng biên độ được đánh giá là khá linh hoạt.
Thực tế cơ chế biên độ tỷ giá ở mức ±3% đã được duy trì từ tháng 8/2015 cho đến trước ngày 17/10 vừa qua, tức hơn 7 năm không được điều chỉnh. Trong khi đó, với tình hình thị trường tiền tệ toàn cầu đang biến động rất nhanh và mạnh trong thời gian qua, những biện pháp can thiệp mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương toàn cầu để ứng phó với sự biến động của các đồng tiền so với đô la Mỹ, những rủi ro và nguy cơ trong nền kinh tế thế giới ngày càng gia tăng, việc mở rộng biên độ cho tỷ giá USD/VNĐ trong nước có lẽ là điều cần thiết để kịp phản ứng với thực tiễn thị trường ngoại hối trong giai đoạn hiện nay.
Phan Thụy
FILI
|