Nhịp đập Thị trường 18/10: Khối ngoại quay đầu bán ròng
Kết phiên VN-Index tăng 12.08 điểm, dừng ở mức 1,063 điểm với 514 triệu cổ phiếu trao tay, giá trị giao dịch đạt 10,165 tỷ. Sàn HNX tăng 2.66 điểm (1.17%) lên mức 229.12 điểm. Đáng chú ý trong 138 cổ phiếu tăng giá trên sàn HNX có tới 21 cổ phiếu trần. UPCoM tăng 0.31 điểm (0.39%) dừng ở 80.32 điểm.
Toàn sàn HOSE có 306 cổ phiếu tăng giá (14 trần)/144 cổ phiếu giảm giá (3 sàn). Ngành chứng khoán sau khi tăng mạnh, có lúc dẫn đầu bảng xếp hạng cuối phiên đã -0.41%. VHM có một sự đảo chiều ngoạn mục khi tăng từ mức giá 48.35 lên 50.5 .
Điều đáng buồn nhà đầu tư đã quay qua bán ròng 65 tỷ cắt đứt 7 phiên mua ròng liên tiếp trên HOSE.
14h15: Hạ nhiệt
Trong rổ VN30 VIC và VHM đang ở hai đầu của bảng giá, VIC với đứa con cưng bóng nhoáng Vinfast đang phô diễn ở Paris Motor Show hoành tráng và theo đó cổ phiếu VIC tăng 4.5%.
Đầu bên kia VHM đang rớt gần 2%, mặc dù mới được VMI hứa hẹn quyền trợ giúp, nhưng thực tế sức ép kinh khủng từ thực tế hiện tại của ngành bất động sản đã khiến VHM liên tục dò đáy. Khó khăn ngành bất động sản e rằng còn trong nhiều năm nữa.
Thị trường đang có dấu hiệu hạ nhiệt, VN-Index chỉ còn tăng 9 điểm. Ngành vật liệu xây dựng đang dẫn đầu đà giảm với mức giảm 1.06%. Các cổ phiếu ngành thép có thể có một báo cáo tài chính quý 3 khá tồi. HPG giảm 1.82%, HSG giảm 0.71%, NKG giảm 0.29%, cổ phiếu nhỏ KKC đang giảm sàn.
Thực phẩm và nông lâm ngư vẫn là hai nhóm ngành dẫn đầu đà tăng. HAG đang tăng tới 3.71% trong khi HNG tăng 3.21%. HNG chỉ còn mưc giá 4,800 đồng/cp. Việc tái cấu trúc HNG có vẻ khó khăn hơn Thaco nghĩ. Thời thế có vẻ có chút khó khăn.
Hơn 9,000 tỷ đã được rót vào thị trường. Tuy nhiên đã có 164 cổ phiếu giảm giá trên HOSE. Có vẻ bên bán đang chiếm dần ưu thế.
Phiên sáng: Thanh khoản thấp
Kết phiên sáng VN-Index tăng 16.43 điểm nhưng chỉ có 264 triệu cổ phiếu với giá trị 5,200 tỷ trao tay. Một mức tăng do tạm cạn cung nhiều hơn do nhu cầu mua mạnh.
Hôm nay cổ phiếu cơ bản lên ngôi với MSN tăng mạnh nhất trong VN30 (5.1%), VNM thứ ba (3.9%), cổ phiếu tăng mạnh thứ hai còn lại là VIC (4.5%). VIC, VNM, MSN cũng là 3 trong 4 cổ phiếu có tác động tốt nhất tới VN-Index với số điểm 2.47, 1.56, 1.48 điểm. Cổ phiếu còn lại chen chân vào top 4 tác động tốt nhất là VCB với 1.56 điểm.
Ngân hàng đang có 16 cổ phiếu xanh/ 20 cổ phiếu. EIB và MSB là 2 cổ phiếu ngân hàng duy nhất giảm giá với mức 0.41% và 1.72%.
Bất động sản tăng mạnh 1.92% DIG đã tham gia vào những cổ phiếu bất động sản có mức giá trần. Ngành bất động sản vẫn đối diện với những khó khăn ai cũng biết, cầu hẹp lại, cung khó khăn, tiền cả hai đầu bị siết. Tuy nhiên cái gì cũng có giá của nó. Giá chứng khoán vốn là một cái cầu bệp bênh chẳng mấy khi tìm được điểm cân bằng.
Nhà đầu tư nước ngoài đang mua ròng 173 tỷ trên sàn HOSE. Nếu cuối phiên họ tiếp tục mua ròng đây là phiên mua ròng thứ 8 liên tiếp của họ.
11h: Cổ phiếu thực phẩm, đồ uống bứt tốc
Hôm qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%. Chiều ngày 17/10 giá USD trên thị trường tự do là 24,420 -24,520. Một số ngân hàng thương mại để mức giá 23,920-24,230.
Việc tăng tỷ giá là điều bất khả kháng trong tình trạng lãi suất đồng USD liên tục được đẩy cao. Điều này có thể có lợi cho ngành xuất khẩu, tuy nhiên bất lợi cho nhập khẩu, làm gia tăng lạm phát, nợ công. Tuy nhiên đồng VNĐ vẫn là đồng tiền có mức giảm giá so với USD thuộc loại thấp nhất thế giới.
Về cơ bản việc tăng lãi suất VNĐ không có nhiều lợi ích cho kinh tế vĩ mộ, tuy nhiên thị trường là thị trường và chúng ta buộc phải tuân theo một số quy luật của nó.
Một số cổ phiếu có doanh số xuất khẩu lớn có thể được nghiên cứu như ngành dệt may, thuỷ hải sản, gỗ, sắt thép , gạo, rau quả…Tuy nhiên cũng cần chú ý, khi lạm phát tăng cao có thể tiêu dùng sẽ bị xiết lại, các doanh nghiệp này có thể gặp khó khăn nhất định.
Trong những giai đoạn này, cổ phiếu phòng thủ trông có vẻ an toàn hơn, ngành thực phẩm đồ uống đã tăng tới 2.83% dẫn đầu thị trường với sự đóng góp của BHN (3.41%), DBC (2.36%), LSS (2.58%), MSN (4.43%), SAB (2.22%), SBT (2.93%), VNM (3.24%).
Chứng khoán tăng mạnh 2.28% với 22/25 cổ phiếu tăng giá. VND tăng mạnh 3.79%, SSI (2.22%) đóng góp nhiều nhất cho ngành.
Và hôm nay bất động sản cũng tăng khá 1.84%, một số cổ phiếu tím như DXG, HUT, SCR. Đặc biệt DXG vừa có thông tin cổ đông lớn nhóm quỹ thuộc Dragon Capital đã bán ra tổng cộng 7.3 triệu cp trong khoảng thời gian từ ngày 07-11/10/2022.
Mở cửa: Bật tăng mạnh
VIC đóng góp lớn nhất vào đà tăng của chỉ số chính sàn HOSE.
VN-Index mở cửa đã trong trạng thái tích cực. Ngoài VIC đang tăng 3.39%, đóng góp gần 2 điểm vào đà tăng chỉ số thì nhóm ngân hàng cũng chính là trụ cột lúc này.
Chỉ số phái sinh VN30F2210 mở phiên ATO tăng mạnh 5.1 điểm từ 1,050 điểm tăng lên 1055.1 điểm.
VN-Index đang tăng mạnh 14.98 điểm (1.42%) lên 1,066.56 điểm. VN30 tăng 16.97 điểm (1.62%) lên 1,064.17điểm. HNX-Index tăng 3.3 điểm (1.46%) lên 229.76 điểm, UPCoM tăng 0.48 điểm (0.6%) lên 80.49 điểm. Trên sàn HOSE tỷ lệ số cổ phiếu tăng giá/số cổ phiếu giảm giá là 346 (4 cổ phiếu trần)/68 (2 cổ phiếu sàn).
Rổ VN30 có 28 cổ phiếu tăng giá 2 cổ phiếu giảm giá. Ba cổ phiếu tăng mạnh nhất VIC, MBB, CTG với tỷ lệ tăng 3.6%, 2.9%, 2.7%. Hai cổ phiếu giảm giá là PDR và NVL giảm 0.4%, và 0.5%
Theo Vietstock Finance chứng khoán và ngân hàng đang giữ vị trí số 1 và số 3 trong nhóm ngành tăng giá nhất với mức tăng 2.02% và 1.66%. Một mở đầu đầy hứa hẹn cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Báo cáo tài chính quý 3 đã hé lộ. Và có vẻ cũng không đến nỗi nào.
Đêm qua Thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến một phiên tăng khá mạnh. Down Jones tăng 1.86%, vượt lên trên 30,000 điểm, S&P 500 tăng 2.65%, Nasdaq tăng 3.43%.
Hôm nay, thị trường Châu Á cũng tăng nhẹ Nikkei 225 tăng 0.83%, ShangHai giảm 0.15%, Taiwan Weighted tăng 0.26%, trong khi KOSPI tăng 0.13%, IDX Composite tăng 0.63%, S&P/ASX200 tăng 1.25%.
Kiên Cường
FILI
|