Nghị định 65: Bảo vệ hay loại nhà đầu tư nhỏ lẻ?
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây, trong khi khung pháp lý cũng liên tục thay đổi để xử lý các vấn đề nảy sinh.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây
|
Liệu Nghị định 65/2022/NĐ-CP (NĐ65) sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ trong nước và quốc tế có “trám” được hết rủi ro đã từng diễn ra. Nhưng có thể thấy trước mắt nhà đầu tư (NĐT) nhỏ lẻ khó “có cửa” với đầu tư TPDN.
Năm 2019 và 8 tháng năm 2020, thị trường TPDN rất sôi động do NĐ163/2018/NĐ-CP áp dụng nhiều điều kiện mang tính “cởi trói” cho thị trường. Đến đầu tháng 9-2020, NĐ81/2020 sửa đổi bổ sung NĐ163 có hiệu lực khiến thị trường TPDN giảm bớt sức nóng, do việc thắt chặt các quy định về điều kiện phát hành TPDN. Nhưng chỉ 4 tháng sau, tức từ ngày 1-1-2021, NĐ153/2020 thay thế NĐ81 lại “cởi trói” thị trường.
Có thể nói, NĐ153 đã trở thành “đường băng” cho TPDN cất cánh. Năm 2021, khối lượng phát hành TPDN bằng cả giai đoạn 2011-2018, trong đó 95% là phát hành riêng lẻ, 5% phát hành ra công chúng. Song phát triển nóng luôn đi kèm rủi ro cao. Và sự cố Tân Hoàng Minh đã khiến hoạt động phát hành TPDN “đứng hình”, sau đó có hồi phục nhưng tốc độ phát hành chậm lại đáng kể.
Từ ngày 16-9-2022, NĐ65 chính thức có hiệu lực thi hành, được cho sẽ khơi thông thị trường. Song NĐ65 lại điều chỉnh tăng mệnh giá TPDN phát hành lên mức 100 triệu đồng thay vì 100.000 đồng như trước đây. Như vậy, NĐT ít vốn sẽ bị loại khỏi kênh này. NĐ65 bổ sung quy định NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, tức bên cạnh việc nắm giữ danh mục ít nhất 2 tỷ đồng phải duy trì con số này bình quân trong 180 ngày liền kề. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới cơ cấu nhà đầu tư TPDN hiện nay. Đứng ở góc nhìn khác, bà Dương Kim Anh, đồng Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), cho biết có NĐT có nhiều hơn 2 tỷ đồng nhưng chưa từng đầu tư chứng khoán, nên việc chứng minh NĐT chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định hiện tại chưa thực chất.
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường TPDN nên ưu tiên khuyến khích các DN chào bán ra công chúng, thay vì tập trung vào hình thức phát hành riêng lẻ. Song theo TS. Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol (Anh), ở Anh phần lớn NĐT được mua TP phát hành ra đại chúng, các đơn vị môi giới cũng bán TP phát hành đại chúng vì đáp ứng nhu cầu lãi suất cao, độ minh bạch cao. Tuy nhiên, việc phát triển TP công chúng niêm yết ở nước ngoài thông qua các quỹ đầu tư. Vì thế, Việt Nam cần phát triển kênh quỹ đầu tư TP cho NĐT nhỏ lẻ được quản lý bởi những người chuyên nghiệp.
Như vậy sân chơi chính của NĐT nhỏ lẻ là những TP được phát hành ra công chúng vẫn chưa được thiết lập. Tạm thời, họ sẽ đứng sang một bên. Kênh TPDN chỉ còn kỳ vọng lớn vào nhóm NĐT chứng khoán chuyên nghiệp và NĐT tổ chức. Song với NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, thời điểm này có lẽ sẽ cân nhắc chọn kênh đầu tư. Vì vấn đề hàng đầu những người có nguồn tiền nhàn rỗi muốn đầu tư sinh lợi quan tâm là lãi suất cao. Hiện lãi suất huy động đang tăng rất mạnh vì các ngân hàng (NH) đang bị lệch pha đáng kể giữa tăng trưởng tín dụng và huy động. Khảo sát của ĐTTC cho thấy, ở một số NH, lãi huy động kỳ hạn 6 tháng đã lên mức 7,1-7,3%/năm, kỳ hạn 18 tháng trở lên 7,45-7,65%/năm… Lãi suất tiền gửi đang rất hấp dẫn, TPDN muốn cạnh tranh phải có lãi suất cao hơn vì TPDN rủi ro hơn.
Với NĐ65, cơ quan quản lý nói hoàn thiện quy định, nhưng không có nghĩa mọi kẽ hở sẽ được bịt kín, bởi thị trường có nhiều đối tượng tham gia và khó khẳng định trong tương lai sẽ không có đối tượng có thể lách luật. Theo dữ liệu của thị trường thứ cấp các cá nhân nắm giữ 32,6% số lượng TPDN đã phát hành, nhưng số lượng NĐT cá nhân chuyên nghiệp chỉ chiếm 10,11% tổng giá trị mua. Sắp tới, các giao dịch mua trung gian với công ty chứng khoán của NĐT không chuyên sẽ bị hạn chế. Cùng với lãi suất NH tăng đáng kể, số lượng NĐT cá nhân tham gia thị trường có thể càng ít hơn.
ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|