Lý do vàng thỏi chảy từ phương Tây sang châu Á
Giới đầu tư phương Tây bán tháo vàng vì lãi suất tăng cao. Nhưng các khách hàng ở những thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ đang tranh thủ mua vào với giá rẻ.
Theo Bloomberg, thị trường vàng toàn cầu đang chứng kiến một cuộc chuyển dịch. Các nhà đầu tư phương Tây ồ ạt bán vàng miếng. Trong khi đó, khách hàng châu Á tranh thủ mua vàng trang sức và vàng miếng giá rẻ.
Lãi suất tăng cao khiến vàng - tài sản được coi là kênh trú ẩn an toàn - trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư phương Tây. Một lượng lớn kim loại quý đang bị rút khỏi những trung tâm tài chính như New York, và hướng tới phía đông để đáp ứng nhu cầu tại thị trường Thượng Hải, Grand Bazaar (Thổ Nhĩ Kỳ).
Chảy sang châu Á
Nhưng các vấn đề hậu cần khiến nhiều nhà giao dịch vàng không thể mua đủ số kim loại quý mong muốn. Điều này dẫn đến việc ở một số thị trường châu Á, vàng và bạc được giao dịch với mức giá cao hơn nhiều chuẩn toàn cầu.
Hiện tượng này đã xảy ra trong nhiều giai đoạn suốt những thập kỷ qua. Khi các nhà đầu tư phương Tây có xu hướng bán tháo dẫn đến giá giảm, lực mua của những khách hàng châu Á sẽ tăng lên. Kim loại quý do đó chảy về phía đông và giúp giá phục hồi phần nào.
Sau đó, khi giá vàng tăng trở lại, phần lớn kim loại quý sẽ quay về các hầm chứa dưới lòng New York, London và Zurich.
Tính từ mức đỉnh được thiết lập vào tháng 3, giá vàng đã giảm 18% do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát.
Lượng lớn vàng thỏi đang được đưa từ phương Tây sang các thị trường châu Á. Ảnh: Reuters.
|
Trong cuộc họp tháng 9, Fed đã quyết định nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3-3,25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008. Trước đó, Fed tăng lãi suất 2,25 điểm phần trăm trong năm nay, trong đó có hai lần tăng 0,75 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 6 và tháng 7.
Lãi suất chuẩn tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của vàng thỏi, vốn không được trả lãi, và thúc đẩy đồng USD. Điều này đồng nghĩa rằng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng tăng lên, khiến lực bán lấn át lực mua trên thị trường kim loại quý.
Theo dữ liệu từ CME Group và Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London, hơn 527 tấn vàng đã rời khỏi các hầm chứa ở New York và London.
Chênh lệch giá
Vàng được chuyển tới các nước tiêu thụ vàng lớn ở châu Á như Trung Quốc. Trong tháng 8, nhập khẩu của đất nước 1,4 tỷ dân đã đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm.
Lượng vàng được chuyển tới châu Á đang tăng cao, nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu. Theo MKS PAMP, mức chênh lệch của giá vàng thỏi ở Dubai, Istanbul và Thượng Hải so với London đã tăng lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm. Điều này cho thấy lực mua đang lấn át mức nhập khẩu.
Người mua muốn mua vào kim loại quý với mức giá thấp, nhưng các thị trường địa phương có thể không đủ nguồn cung vàng thỏi. Điều này khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tăng lên.
Ông Philip Klapwijk - Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Precious Metals Insights
|
"Nhu cầu thường tăng lên khi giá giảm", ông Philip Klapwijk - Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Precious Metals Insights (có trụ sở ở Hong Kong) - bình luận.
"Người mua muốn mua vào kim loại quý với mức giá thấp, nhưng các thị trường địa phương có thể không đủ nguồn cung vàng thỏi. Điều này khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tăng lên", ông nói thêm.
Theo ông Jitti Tangsithpakdi - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Thái Lan, kim loại quý tại Thái Lan cũng đang được giao dịch với mức giá cao hơn ở London. Nguyên nhân là thiếu nguồn cung và đồng nội tệ suy yếu.
Còn theo công ty tư vấn Metals Focus, giá vàng thỏi ở Ấn Độ đang chênh so với giá vàng London tới 1 USD, cao hơn gấp 3 lần mức thông thường.
Thảo Phương
ZING
|