Lộc Trời được cấp hạn mức tín dụng lên đến 100 triệu USD
Gói tín dụng này sẽ được CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) dùng để bổ sung nguồn vốn lưu động trong các hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao, đảm bảo nguồn cung cả về số lượng và chất lượng cho các đơn hàng trong thời gian tới.
Tập đoàn Lộc Trời cho biết, việc ký kết gói gói tín dụng 100 triệu USD, để bổ sung nguồn vốn lưu động trong các hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao.
|
Sáng ngày 24/10/2022, Tập đoàn Lộc Trời tổ chức lễ ký kết Hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn với 7 ngân hàng gồm 1 ngân hàng trong nước (Ngân hàng TMCP Quân Đội) và 6 ngân hàng nước ngoài (Kasikornbank, First Commercial Bank, Agricultural Bank of China Limited – chi nhánh Hà Nội, China Construction Bank Corporation – chi nhánh TP HCM, CTBC Bank Co., Ltd., E.SUN Commercial Bank, Ltd. – chi nhánh Đồng Nai) với hạn mức 100 triệu USD (hơn 2,450 tỷ đồng) trong thời gian 3 năm.
Gói tín dụng hợp đồng vốn này được giải ngân thông qua việc cấp giống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp của LTG và bà con nông dân đang liên kết với LTG. Việc giải ngân được thực hiện theo tiến độ mùa vụ và được số hóa toàn bộ thông qua các ứng dụng công nghệ, giúp bà con nông dân theo dõi tiến độ sản xuất trong suốt thời gian canh tác.
Theo ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT LTG, ngành nông nghiệp Việt Nam đang thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế, trong bối cảnh an ninh lương thực đang được nhiều nước đặt lên hàng đầu. Đây cũng chính là câu trả lời cho lý do tại sao ngân hàng của Thái Lan là Kasikornbank quyết định tài trợ vốn cho chiến lược phát triển lúa bền vững của LTG.
Chia sẻ thêm về cơ hội tiếp cận được nguồn vốn tài trợ từ các ngân hàng, ông Lê Thanh Hạo Nhiên - Giám đốc Tài chính LTG cho biết: “Hiện tại Lộc Trời có tầm ảnh hưởng đến khoảng 1 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy, với 1 triệu ha đất nông nghiệp thì chúng tôi sẽ cần nhu cầu vốn để tài trợ cho việc sản xuất lúa bao gồm vật tư nông nghiệp đầu vào như là giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Kế đến là chi phí, lợi nhuận cho người nông dân. Với ước tính của chúng tôi thì 1 triệu ha đất sẽ cần nhu cầu vật tư cho sản xuất tương ứng khoảng tầm 1 tỷ USD.”
Ông Nhiên cũng nói thêm, sau sự kiện gạo “Cơm Việt Nam Rice” của Tập đoàn Lộc Trời được lên kệ tại 2 hệ thống đại siêu thị hàng đầu châu Âu là Carrefour và Leclerc đầu tháng 9, Tập đoàn đã nhận được liên tiếp các đơn hàng với số lượng lên đến 400,000 tấn gạo. Đây là cơ sở vững chắc để doanh nghiệp đẩy mạnh việc mở rộng sản xuất lớn, tổ chức các vùng trồng lúa theo các yêu cầu của từng thị trường.
Cũng tại sự kiện, bà Hồ Thị Thanh Nguyên, Giám đốc MB, chi nhánh TP HCM chia sẻ: “Việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng Việt Nam cũng như các ngân hàng nước ngoài. Do đó, chúng tôi đã cam kết sẽ thu xếp đủ các nguồn nhằm hỗ trợ tối đa để Lộc Trời có thể đưa đến những sản phẩm chất lượng của Việt Nam ra thế giới.”
Khang Di
FILI
|