Kinh doanh khởi sắc, TCM lãi gần 92 tỷ đồng quý 3
CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2022 với kết quả kinh doanh khởi sắc, lãi ròng gần 92 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 2.85 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh hợp nhất của TCM. Đvt: Tỷ đồng
|
Quý 3, TCM ghi nhận doanh thu thuần gần 1,230 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng cũng tăng 44%. Kết quả, lợi nhuận gộp tăng đột biến 183%, lên gần 215 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 9.7% lên 17.5%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 30%, lên hơn 22.6 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng mạnh, gấp 2.7 lần cùng kỳ, lên hơn 34 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện và đã thực hiện.
Các chi phí khác như chi phi bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 2% và 10%, đạt gần 44 tỷ đồng và hơn 45 tỷ đồng.
Sau cùng, TCM lãi sau thuế gần 92.5 tỷ đồng, cải thiện vượt bậc so với mức lỗ 2.5 tỷ đồng cùng kỳ và ghi nhận lãi ròng gần 92 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, TCM tăng trưởng so cùng kỳ ở cả 3 mục doanh thu (3,400 tỷ đồng, tăng 26%), lãi sau thuế (hơn 221 tỷ đồng, tăng 87%) và lãi ròng (gần 220 tỷ đồng, tăng 86%)
Năm 2022, TCM đặt kế hoạch đem về 4,183 tỷ đồng doanh thu và 253.8 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 18% và 76% so với năm trước. So với kế hoạch, Công ty đã thực hiện được hơn 87% mục tiêu lợi nhuận năm sau 9 tháng.
Tình hình kinh doanh của TCM qua các năm và kế hoạch 2022. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: TCM, Vietstock tổng hợp
|
Tại ngày 30/09/2022, tổng tài sản của TCM gần 3,527 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Trong đó, các khoản tương đương tiền tăng gần 15% (236.5 tỷ đồng); đầu tư tài chính ngắn hạn tăng gần 19% (gần 340.5 tỷ đồng); phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng gần 20% (gần 299 tỷ đồng).
Hàng tồn kho giảm hơn 8%, còn 1,340 tỷ đồng. Nguyên liệu, vật liệu và thành phẩm chiếm hơn 66% cơ cấu (đạt gần 918 tỷ đồng), trong đó trích lập dự phòng hơn 37 tỷ đồng thành phẩm (tăng hơn 45%).
Nguồn: TCM
|
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả cuối kỳ giảm hơn 15%, còn gần 1,608 tỷ đồng, chủ yếu do giảm phải trả người bán ngắn hạn (giảm 66%, còn hơn 185 tỷ đồng); vay nợ thuê ngắn hạn hơn 905 tỷ đồng, gần như đi ngang.
Nợ dài hạn tăng gần 55%, lên hơn 217 tỷ đồng, chủ yếu tăng từ khoản vay nợ thuê dài hạn (tăng hơn 78%).
Mặt khác, vốn chủ sở hữu tăng hơn 12%, lên gần 1,920 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt gần 655 tỷ đồng (tăng hơn 40%).
Thế Mạnh
FILI
|