Hơn 79 triệu cp tiếp tục được sang tay, ai theo chân nhóm cổ đông Eximbank lần lượt thoái vốn?
Trong 2 tháng trở lại đây, nhiều cổ đông đăng ký bán thỏa thuận cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB). Thị trường ghi nhận lượng giao dịch thỏa thuận khủng của cổ phiếu này.
Gần đây nhất, CTCP Phúc Thịnh thông báo đã bán xong gần 12.4 triệu cp EIB theo phương thức thỏa thuận, tương đương 1.005% vốn, theo phương thức thỏa thuận trong ngày 10/10/2022.
Người quản lý Phúc Thịnh (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc - ông Nguyễn Toàn Thắng) là em rể của bà Lê Hồng Anh - Thành viên HĐQT Eximbank.
Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc - con gái bà Lê Hồng Anh - thông báo đã bán hết gần 11.1 triệu cp EIB hiện có, chiếm tỷ lệ 0.899% vốn của Ngân hàng.
Trong ngày 10/10/2022, thị trường ghi nhận gần 80 triệu cp EIB được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị 3,172 tỷ đồng, tương đương 39,757 đồng/cp. Chiếu theo mức giá thỏa thuận này, ước tính Phúc Thịnh đã thu về hơn 491 tỷ đồng và con gái bà Lê Hồng Anh thu về gần 440 tỷ đồng sau khi thoái sạch vốn tại Eximbank.
Trước đó, 2 tổ chức khác liên quan đến Thành Công Group đăng ký thoái sạch vốn tại Eximbank bằng phương thức thỏa thuận là CTCP Tập đoàn Thành Công và Hợp tác xã cổ phần Thành Công, thời gian từ 07-31/10/2022. Tổng số cổ phần nhóm Thành Công Group đăng ký bán hơn 117.6 triệu cp.
Giao dịch thỏa thuận tại EIB từ đầu tháng 10 đến nay
|
Không chỉ phiên 10/10 mà từ đầu tháng 9 đến nay, cổ phiếu EIB liên tiếp ghi nhận khối lượng giao dịch khủng.
Chỉ tính từ đầu tháng 10 đến nay, gần 211 triệu cp EIB đã được sang tay với tổng giá trị 8,254 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 39,145 đồng/cp.
Riêng phiên 14/10, đã có hơn 79.4 triệu cp EIB được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị 3,197 tỷ đồng, tương đương 40,236 đồng/cp.
Trong khi đó, thị giá EIB chốt phiên 14/10 dừng ở mức 36,900 đồng/cp, tăng 8% so với đầu tháng 10, trong khi giá cổ phiếu các ngân hàng khác theo đà giảm chung của thị trường.
Diễn biến giá cổ phiếu EIB từ đầu tháng 9 đến nay |
|
Trong tháng 9, EIB cũng ghi nhận gần 108.5 triệu cp được giao dịch thỏa thuận, tổng giá trị hơn 3,932 tỷ đồng, tương đương mức giá bình quân 36,253 đồng/cp.
Trước đó, hồi cuối tháng 3, thị trường ghi nhận giao dịch thoả thuận khủng với 25 triệu cp EIB được sang tay ở mức 40,000 đồng/cp, tổng trị giá 1,000 tỷ đồng. Tổng cộng, trong tháng 3/2022, hơn 48 triệu cp EIB được mua bán thỏa thuận, chiếm 3.9% vốn điều lệ của Eximbank.
Có thể thấy, sau khi tạm ổn định khi đã có được HĐQT nhiệm kỳ mới với Chủ tịch là bà Lương Thị Cẩm Tú, hàng loạt cổ đông bắt đầu thoái vốn khỏi Eximbank.
Vào đầu tháng 3/2022, VOF đã bán ra toàn bộ số cổ phiếu EIB đang nắm giữ, tương đương 4.93% vốn cổ phần.
Sau đó, đến lượt SMBC - nắm 15% vốn cổ phần của EIB cũng thông báo chính thức chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank. Dù SMBC chưa chính thức thoái vốn khỏi Eximbank nhưng sau đó, ông Võ Quang Hiển - đại diện tại Eximbank theo ủy quyền của SBMC - thông báo không còn là thành viên HĐQT tại nhà băng này.
Trước đó, nhóm cổ đông Âu Lạc với đại diện là bà Ngô Thị Thúy đã bán gần 4 triệu cp EIB trong nửa đầu năm 2022 và thu về 79 tỷ đồng lãi. Tính đến thời điểm 30/06/2022, Âu Lạc chỉ còn nắm 319,700 cp EIB với giá gốc gần 10 tỷ đồng (bình quân gần 30,860 đồng/cp), chiếm tỷ lệ 0.026% vốn cổ phần của Eximbank.
Và gần đây nhất là động thái thoái vốn của nhóm Thành Công Group. Đơn vị sẽ thay thế các nhóm cổ đông kể trên tại Eximbank vẫn luôn là dấu hỏi lớn được đặt ra giữa bối cảnh hàng loạt giao dịch thỏa thuận với số lượng khủng vẫn tiếp diễn tại cổ phiếu ngân hàng này.
* Gần 80 triệu cp EIB được sang tay, giá 39,757 đồng/cp
* Sóng ngầm tại Eximbank lại cuộn?
Hàn Đông
FILI
|