Hãy giải quyết công bằng về giá điện trước
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ, ngành về biểu giá điện mới, trong đó có khung giá điện sinh hoạt. Đây là bước đi chuẩn bị cho việc tăng giá điện, điều có lẽ là không thể tránh khỏi sau khi tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng do đang phải bán điện dưới giá thành.
Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết trước tiên không phải là chuyện tăng giá điện, mà là xóa bỏ bất công trong cơ chế xác định giá bán điện thương phẩm, vì EVN lỗ không phải vì bán điện cho sinh hoạt dưới giá thành mà là do phần lãi từ bán điện sinh hoạt, và cả điện cho ngành kinh doanh dịch vụ, không đủ bù chéo cho phần lỗ từ khách hàng ngành sản xuất công nghiệp, vốn đã được mua điện thấp hơn giá thành từ nhiều năm nay.
Bất cập trong vấn đề bù chéo giá điện đã được nêu ra từ hàng chục năm nay. Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của bộ môn Kinh tế năng lượng thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội công bố hồi năm 2019 đã cho thấy biểu giá điện thiếu công bằng với người sử dụng điện sinh hoạt đến mức nào.
Theo kết quả nghiên cứu này, giá bán lẻ điện bình quân cho sản xuất công nghiệp chỉ bằng 90,85% giá thành, và tương tự giá điện bán cho khu vực hành chính sự nghiệp cũng chỉ bằng 98%. Trong khi đó, giá bán điện bình quân cho nhu cầu sinh hoạt là 110,23% giá thành và kinh doanh dịch vụ bằng 150,47%. Đây là số liệu của năm 2018, và dù giá điện đã có một lần điều chỉnh vào năm 2019 nhưng bức tranh chung của vấn đề thì hầu như không thay đổi nhiều.
Khu vực sản xuất tiêu thụ tới 59,08% tổng sản lượng điện thương phẩm của EVN, lại được mua điện với giá thấp hơn giá thành khá sâu, nên mấy năm qua tiền lãi EVN thu được từ khách hàng mua điện sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ phải dành để bù lỗ cho nhóm khách hàng này. Đó là sự thiếu công bằng.
Hiện nay, chi phí đầu vào của ngành điện đã tăng lên nhiều, nên khoảng cách giữa giá điện bán cho khu vực sản xuất và giá thành còn rộng hơn nữa. Do vậy, phần lãi thu được từ hai nhóm khách hàng kia, vốn cũng đã bị co lại vì giá thành tăng, không còn bù đắp nổi cho khoản lỗ khổng lồ từ nhóm khách hàng sản xuất nữa. Khoản lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh là sau thuế trong sáu tháng đầu năm 2022 của EVN lên đến 22.215 tỉ đồng là từ bất cập này mà ra.
Đề án nghiên cứu còn chỉ ra một bất công khác, đó là những bệnh viện tư nhân, trường tư thục hoặc trường quốc tế dù có mức viện phí, học phí rất cao nhưng vẫn được mua điện dưới giá vốn như các đơn vị sự nghiệp công khác.
Hơn ai hết, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính là những cơ quan hiểu rõ những hệ quả xấu khi áp dụng chính sách bán điện dưới giá thành cho khu vực sản xuất. Nó không chỉ bất công với người mua điện sinh hoạt, mà còn góp phần khuyến khích các doanh nghiệp đưa vào Việt Nam những thiết bị và công nghệ rẻ tiền nhưng tiêu tốn nhiều năng lượng.
Người dùng điện sinh hoạt trong nước đã chịu đựng sự thiếu công bằng từ hàng chục năm nay, vì vậy trước khi tăng giá điện sinh hoạt, hãy tính lại giá điện bán cho sản xuất trước, ít nhất cũng phải bằng giá thành vì không thể kéo dài tình trạng này nữa.
TBKTSG
|