Điều gì sẽ xảy ra nếu lãi suất tiếp tục tăng cao?
Các ngân hàng trung ương đang cố gắng kiểm soát lạm phát bằng công cụ chính sách tiền tệ phổ biến nhất là tăng lãi suất. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất liên tục và xảy ra trên diện rộng sẽ kéo theo một số mặt trái ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào ngày 21/09, nâng lãi suất lên khoảng 3 - 3.25%, kéo theo hàng loạt các ngân hàng trung ương các nước cũng công bố tăng lãi suất cơ bản theo để kiềm chế lạm phát.
Chiều 22/09, ngân hàng trung ương Philippines và Indonesia đồng loạt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất cơ bản lên 4.25%.
Còn tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương Na Uy cũng thông báo tăng lãi suất từ 1.75% lên 2.25%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) thông báo điều chỉnh tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên 0.5%.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng tăng lãi suất thêm 0.5 điểm phần trăm lên 2.25% để kiểm soát lạm phát.
Ngày 29/09, Ngân hàng Trung ương Mexico (Banxico) cũng đã tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp, nâng lãi suất của nước này lên 9.25% và cũng là mức cao nhất trong lịch sử.
Mới đây, ngày 30/09, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cũng đã tăng lãi suất lần thứ 4 trong vòng 5 tháng qua với triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm. RBI đã tăng lãi suất cho vay chủ chốt thêm 50 điểm cơ bản lên 5.9%. Và như vậy lãi suất cho vay chủ chốt đã tăng gần 2 điểm phần trăm kể từ khi Ấn Độ thắt chặt tiền tệ hồi tháng 5.
Trước đó, hồi 08/09, ECB đã tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản, lên mức 1.25%, mức tăng cao nhất kể từ khi đồng tiền chung châu Âu được đưa vào sử dụng. Đây cũng là lần tăng lãi suất thứ 2 chỉ trong vài tuần qua nhằm đối phó với lạm phát đang ở mức cao kỷ lục.
Và ngày 28/09 vừa mới đây, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cho biết có thể tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 10 và 12 tới đây nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát tiếp tục leo thang. Các chuyên gia dự báo ECB có thể sẽ tăng 75 điểm cơ bản lãi suất tiền gửi lên tới 2% vào cuối năm nay và lên tới 3% vào mùa xuân tới. Dự báo, lạm phát trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ vẫn ở mức cao hơn so với mục tiêu lãi suất mà ECB đề ra cho đến năm 2024 là 2%.
Áp dụng chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ có thể dẫn đến suy thoái kinh tế
Có thể thấy thắt chặt chính sách tiền tệ là một trong những công cụ giúp Chính phủ các nước kiểm soát giá cả trong tình trạng lạm phát tăng cao.
Khi lãi suất tăng thì lãi suất tín dụng, chi phí vay mua nhà, mua xe… cũng sẽ tăng theo, người đi vay sẽ hạn chế hơn.
Tương tự, khi chi phí vay tăng, đương nhiên chi phí vốn vay cao hơn khiến các doanh nghiệp phải e dè trong việc vay nợ vì khó có thể trả lãi vay hoặc phải trả vốn vay với mức lãi đắt đỏ hơn. Từ đó làm giảm nguồn cung tiền trên thị trường, tiêu dùng sẽ đình trệ, cầu tiêu dùng giảm, kéo giá cả hàng hóa giảm theo.
Và mục tiêu chính các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để giảm chi tiêu của mọi cá thể để giảm lạm phát. Nhưng chính sách tiền tệ thường phải mất một khoảng thời gian mới thấy được kết quả. Và thêm nữa, chính sách tiền tệ thường không ảnh hưởng quá nhiều lên các mặt hàng thiết yếu, vì thông thường các mặt hàng thiết yếu dù điều kiện kinh tế thế nào cũng đều không thể thiếu. Việc áp dụng chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.
Đầu tiên, đồng USD tăng giá sẽ dẫn đến giá trị đồng nội tệ của các nước mất giá tương ứng, cùng với mức lạm phát nội địa tăng cao, lại khiến các nước tiếp tục xoay vòng trong vòng xoáy tăng lãi suất.
Thêm nữa, khi lãi suất USD tăng đồng nghĩa với việc nghĩa vụ trả nợ bằng USD của nhiều quốc gia bị tăng lên, nhất là trong bối cảnh vay nợ của nhiều nước tăng nhanh, do trong dịch COVID-19, các nước vay nợ nhiều trong bối cảnh lãi suất thấp do phải tăng chi tiêu cho phòng chống dịch bệnh và kích thích phục hồi kinh tế. Do đó, những doanh nghiệp nếu vay ngoại tệ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trong tình hình trả lãi vay tăng.
Khi lãi suất tăng lên, đồng USD tăng giá, thì dòng vốn đầu tư từ các nước, nhất là thị trường mới nổi sẽ quay ngược về nơi lãi suất đang tăng như Mỹ hoặc EU… để trú ẩn.
Ngoài ra, đồng USD tăng giá so với hầu hết các loại tiền tệ khác cũng sẽ đẩy lạm phát nhập khẩu ở các thị trường mới nổi lên.
Nếu lạm phát tiếp tục tăng cao, có xảy ra suy thoái không?
Ông Hoàng Công Tuấn – Trưởng bộ phận Nghiên cứu vĩ mô CTCK MB (MBS) nhận định, suy thoái chắc chắn sẽ xảy ra cục bộ tại một số nền kinh tế trên thế giới. Có thể nhìn thấy Anh trong quý tới sẽ tăng trưởng âm, tuy nhiên mức độ cũng nhẹ âm khoảng 0.1 - 0.2%.
Các nền kinh tế tại châu Âu, nhất là các nước đang phụ thuộc khá nhiều vào lượng khí đốt từ Nga, việc giá năng lượng tăng lên cũng sẽ khiến họ gặp khó khăn. Chưa kể nền kinh tế hiện nay đang phụ thuộc khá nhiều vào sức cầu của Trung Quốc. Trung Quốc là nước xuất khẩu rất nhiều, trong khi năng lượng thiếu và khả năng sản xuất duy trì thấp, lãi suất lại tăng, nên sẽ khiến một số quốc gia thuộc khu vực EU như Hungary, Đức khả năng cao sẽ ở trạng thái tăng trưởng cực kỳ chậm. Có thể thấy đang có sự suy thoái của nền kinh tế.
Còn đối với Mỹ, suy thoái cũng xảy ra nhưng không đáng kể so với mức tăng trưởng GDP dự kiến trong năm nay chỉ ở mức 0.2%.
Việc giá năng lượng và các chi phí đầu vào đều tăng mà thậm chí còn thiếu hụt, trong khi lãi suất tiếp tục tăng, rõ ràng tăng trưởng sẽ bị suy giảm, chắc chắn suy thoái sẽ xảy ra ở các quốc gia hàng đầu.
Quay về câu chuyện của Việt Nam, ông Tuấn cho rằng đang có 3 lợi thế.
“Thứ nhất, trong thời gian thế giới hạ lãi suất một cách điên cuồng, áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng thì Việt Nam rất thận trọng, cho thấy tầm nhìn xa của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trong năm 2020-2021, NHNN đã giảm lãi suất 3 lần, thì việc tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm vào chiều ngày 22/09 mới đây không gây rủi ro lên nền kinh tế vĩ mô Việt Nam, mức lãi suất bây giờ còn thấp hơn mức ở thời điểm trước COVID-19.
Kể cả khi lãi suất có tăng lên thì nền kinh tế Việt Nam vẫn thích ứng được, và mức lãi suất này còn thấp hơn mức năm 2019.
Thứ hai, năm ngoái có quý 3 tồi tệ do bị giãn cách thì năm nay hoạt động kinh doanh trở lại bình thường, xung lực tăng trưởng của Việt Nam còn nhiều, trong khi các quốc gia khác đã mở cửa trước thì xung lực của họ đã hết đà.
Thứ ba, NHNN đã điều hành thận trọng từ năm ngoái, cộng thêm giá các loại hàng hóa cơ bản đã giảm, kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản ổn định, do đó không có gì đáng quan ngại về lạm phát cả.
Tất cả yếu tố này tạo thành môi trường không đáng quan ngại cho Việt Nam dù Việt Nam cũng chịu sức ép về tỷ giá”.
Cát Lam
FILI
|