Thứ Hai, 17/10/2022 08:44

Đề xuất bỏ 5 dự án điện than khỏi Quy hoạch điện 8

Bộ Công thương vừa có tờ trình 6328 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8).

Theo đó, Bộ đã không đưa 6.800 MW nhiệt điện than của 5 dự án nhiệt điện vào cân đối.

Đây là những dự án có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn, bao gồm Công Thanh (600 MW), Quảng Trị (1.200 MW), Sông Hậu II (2.000 MW), Nam Định 1 (1.200 MW), Vĩnh Tân III (1.800 MW).

Đề xuất bỏ 5 dự án điện than khỏi Quy hoạch điện 8 - ảnh 1

Có ít nhất 5 dự án điện than đang chuẩn bị đầu tư, nhưng có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn, bị bỏ ra ngoài dự thảo Quy hoạch điện 8 mới nhất. NG.NG

Trong đó với 2 dự án Công Thanh và Quảng Trị, chủ đầu tư đã thông báo không thể thực hiện tiếp nhiệt điện than. 3 dự án còn lại có Sông Hậu II chưa vay được vốn, đã vi phạm hợp đồng BOT; dự án Nam Định I và Vĩnh Tân III chưa tìm được cổ đông thay thế và chưa vay được vốn. Bộ cũng đã yêu cầu chủ đầu tư các dự án nếu không dừng dự án phải cung cấp được cam kết cụ thể bằng văn bản của chủ thể cho vay vốn, chậm nhất đến ngày 30.10.2022.

Tuy nhiên, để tuyệt đối tránh rủi ro pháp lý và đền bù nhà nước, các dự án này vẫn để trong danh mục cho đến khi hoàn tất chính thức các thủ tục dừng/chấm dứt các dự án. Bộ Công thương sẽ tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, rà soát các qui định của pháp luật, các cam kết, thỏa thuận giữa các bên, xử lý cương quyết, chặt chẽ.

Trong kế hoạch thay thế điện than bằng nguồn điện khí, Quy hoạch điện 8 “xác định ưu tiên tối đa phát triển các dự án nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí tự nhiên trong nước”. Từ nay đến năm 2030, tập trung phát triển 2 chuỗi dự án khí điện lô B và Cá Voi Xanh với tổng công suất 6.900 MW.

Bên cạnh đó, theo Bộ Công thương, hiện nay trên thế giới đang thử nghiệm công nghệ đốt kèm sinh khối/amoniac với than, đốt kèm hydro với khí thiên nhiên nhằm giảm phát thải của các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí và tiến tới sản xuất điện hoàn toàn bằng nhiên liệu không phát thải. Chính vì vậy, Quy hoạch điện 8 đã định hướng quá trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện chạy than, khí tại Việt Nam đến năm 2050.

Cụ thể, lộ trình thực hiện đối với các nhà máy nhiệt điện than dự kiến đốt kèm nhiên liệu sinh khối hoặc amoniac sau 20 năm vận hành với tỷ bắt đầu từ 20%, tăng dần dần lên 100%. Định hướng tới năm 2050 sẽ không còn nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong hệ thống điện. Các nhà máy điện khí dự kiến đốt kèm hydro từ sau năm 2030, bắt đầu từ tỷ lệ 20%, tăng dần lên 100%.

Ước tính nhu cầu hydro để thay thế khí và sản xuất amoniac thay thế than khoảng 40 triệu tấn vào năm 2050, trong đó dự kiến 33 triệu tấn hydro xanh được sản xuất từ các nguồn điện gió và điện mặt trời. Quy hoạch điện 8 đã xác định các dự án điện gió, điện mặt trời phục vụ sản xuất hydro, không bán điện lên lưới điện quốc gia thuộc nhóm ưu tiên phát triển.

Chấp thuận nguyên tắc cho phép tiếp tục triển khai các dự án điện mặt trời đã chấp thuận đầu tư đến 2030

Trong phần đề xuất mới tại Tờ trình 6328, Bộ Công thương đề nghị chấp thuận nguyên tắc cho phép tiếp tục triển khai các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư đến năm 2030 với tổng công suất 2.360,42 MW. Điều kiện được tiếp tục triển khai là các dự án đó phải tuyệt đối tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng… Nếu vi phạm, sẽ bị rút giấy phép, đình chỉ dự án theo quy định pháp luật. Đồng thời, các dự án này cũng chỉ được phép triển khai phù hợp hạ tầng lưới điện khu vực và khả năng hấp thụ chung của toàn hệ thống điện quốc gia (Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tính toán kiểm tra từng dự án).

Nguyên Nga

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Giá lúa tăng, nông dân vẫn lỗ (17/10/2022)

>   Lỗ vượt vốn chủ sở hữu, 4 ông lớn thương mại điện tử cố tìm lợi nhuận (15/10/2022)

>   Năng lượng tái tạo thừa trong Nam và miền Trung, EVN muốn phát triển điện gió ở vịnh Bắc Bộ (14/10/2022)

>   Thanh tra Chính phủ thanh tra 19 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (14/10/2022)

>   Đề xuất điều chỉnh thuế xuất khẩu phân bón (14/10/2022)

>   Bộ Công an báo cáo Quốc hội loạt đại án về chứng khoán, đất đai, y tế (14/10/2022)

>   Bộ trưởng Tài chính nói về tình hình lỗ, lãi của các doanh nghiệp 'ông lớn' (13/10/2022)

>   Phó Thủ tướng yêu cầu điều hành xăng dầu phải tính toán giải pháp lâu dài, không để bị động (13/10/2022)

>   Bộ GTVT nêu nguyên nhân hàng loạt dự án đường sắt đô thị liên tục đội vốn, lùi tiến độ (13/10/2022)

>   "Việt Nam đã thành công khi mở cửa trở lại du lịch quốc tế" (13/10/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật