CEO Kakao từ chức sau sự cố gây rúng động Hàn Quốc
Ông Namkoong Whon, đồng CEO Kakao, sẽ từ chức sau sự cố gây gián đoạn ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội phổ biến nhất tại Hàn Quốc.
Sự cố kéo dài nhiều ngày của Kakao đã gây gián đoạn hàng loạt dịch vụ, từ ngân hàng cho tới giao hàng trực tuyến. Điều này làm dấy lên tranh cãi giữa các nhà làm luật và người tiêu dùng, rằng liệu một công ty có nên nắm giữ quá nhiều sức ảnh hưởng tới nền kinh tế hay không.
Trong ngày 15/10, một đám cháy ở trung tâm dữ liệu gây ra gián đoạn dịch vụ nghiêm trọng, khiến ứng dụng KakaoTalk ngừng hoạt động và ảnh hưởng đến 53 triệu người dùng toàn cầu.
“Chúng tôi xin lỗi vì gây bất tiện trong một khoảng thời gian dài như thế”, ông Namkoong cho biết tại cuộc họp báo ngày 19/10. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để khôi phục niềm tin của mọi người vào Kakao và đảm bảo các tai nạn tương tự không bao giờ xảy ra”.
“Tôi cảm thấy trách nhiệm nặng nề vì vụ việc và sẽ từ chức CEO, phụ trách lực lượng thảm họa khẩn cấp giám sát hậu quả của sự cố”, ông Namkoong cho biết.
Ông Namkoong Whon, đồng CEO Kakao
|
Trong khi đó, Hong Eun Taek, CEO còn lại, vẫn ở lại công ty và sẽ trở thành CEO duy nhất tại Kakao. “Chúng tôi chân thành xin lỗi tất cả những người đã bị ảnh hưởng từ sự cố gián đoạn”, ông Hong nói khi gập đầu xin lỗi cạnh ông Namkoong
Kakao dự định bồi thường cho người dùng và đối tác kinh doanh bị ảnh hưởng bởi sự cố lần này. Tuy nhiên, ông Nam Koong cho biết sẽ cần thời gian để đánh giá Kakao sẽ cần phải bồi thường bao nhiêu. Tới ngày 19/10, hầu hết các dịch vụ của Kakao đã được khôi phục.
“Trung tâm dữ liệu lẽ ra phải được bảo vệ trước hỏa hoạn và các thảm họa khác. Đó là điều cơ bản”, Shin Jin-Ho, đồng CEO tại Midas International Asset Management, cho hay. Quỹ quản lý 9 tỷ USD tài sản này cho biết sẽ giảm bớt tỷ trọng nắm giữ Kakao.
Kakao và các công ty con bị chỉ trích nặng nề vì mất nhiều giờ để đưa dịch vụ trở lại bình thường. KakaoTalk được nhiều chính trị gia, doanh nghiệp sử dụng. Các dịch vụ của Kakao bao gồm thanh toán, ngân hàng, game… và đều bị gián đoạn trong thời gian này.
Trong ngày 15/10, người dùng đột nhiên không thể đặt xe, hoặc nếu đặt được thì họ cũng không thể thanh toán dịch vụ được. Hàng triệu người không thể mua hàng, trong khi nhiều người ở nước ngoài không thể trò chuyện với người thân qua ứng dụng.
Sự cố lần này cho thấy Hàn Quốc phụ thuộc vào Kakao đến nhường nào. Kakao trước đây đã từng là mục tiêu của các cuộc điều tra chống độc quyền do có sức ảnh hưởng quá lớn. Sự cố nghiêm trọng tới mức các nhà lập pháp Hàn Quốc dự định bàn bạc về việc sửa đổi luật truyền thông phát sóng để các trung tâm dữ liệu tư nhân như của Kakao, Naver phải chịu quy định giống với các cơ sở quản trị thảm họa quốc gia khác trong các trường hợp khẩn cấp.
Các thay đổi có thể bao gồm yêu cầu doanh nghiệp tư nhân báo cáo cho Chính phủ khi có gián đoạn dịch vụ và phạt tối đa 3% doanh thu nếu không làm như vậy.
Trả lời phóng viên ngày 17/10, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khẳng định: “Dù mạng lưới do một công ty tư nhân vận hành, nó thực tế là hạ tầng liên lạc quốc gia. Nếu một tổ chức độc quyền gây biến dạng thị trường và hoạt động như một hạ tầng quốc gia, tôi cho rằng chính phủ nên hành động”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|