Thứ Hai, 17/10/2022 14:58

Các startup bảo hiểm công nghệ gặp thách thức gì tại Đông Nam Á?

Cứ 10 lần nạp tiền điện thoại thì 3 lần Thu thấy cửa sổ quảng cáo bật lên với nội dung bán bảo hiểm trên ứng dụng thanh toán MoMo. Nhưng cô không mấy quan tâm.

Phản ứng của Thu cho thấy thách thức mà các công ty phải đối mặt khi họ cố gắng kích thích thị trường bảo hiểm ở Đông Nam Á. Mức độ thâm nhập thị trường bảo hiểm vẫn còn thấp ở tất cả quốc gia trong khu vực Đông Nam Á trừ Singapore. Mạng lưới bán hàng ở khắp nơi, từ Thái Lan đến Việt Nam, đều theo mô hình truyền thống, tức là nhân viên bán bảo hiểm ngồi dọc đường cao tốc, rao bán hợp đồng bảo hiểm xe máy có giá chỉ khoảng 1 USD một năm.

Một người ngồi vỉa hè bán bảo hiểm. Nguồn: Asia Nikkei.

Mô hình kinh doanh nào cho startup về công nghệ bảo hiểm?

Các startup fintech đang cố gắng giành lấy khách hàng bằng việc ra mắt các sản phẩm mới và cách bán hàng mới, bao gồm cả cách thông qua các nền tảng như Thu và hàng triệu người như cô ấy sử dụng mỗi ngày. Tuy nhiên, nó cũng mang đến những cuộc tranh luận về quyền riêng tư và các vấn đề khác.

Câu hỏi đặt ra là liệu lĩnh vực công nghệ bảo hiểm (insurtech) mới nổi này có lựa chọn được mô hình kinh doanh phù hợp cho khu vực Đông Nam Á hay không.

PasarPolis, startup về công nghệ bảo hiểm, của Indonesia cho là có.

Công ty này cho biết phần lớn doanh thu đến từ gói bảo hiểm nhỏ được bán trong các giao dịch được thực hiện trên nền tảng của bên thứ ba. Ví dụ, khi mọi người đặt cuốc xe của Gojek hay đặt mua ba lô trên Shopee, họ có thể thêm tuỳ chọn mua bảo hiểm bằng một cú nhấp chuột. Nếu có vấn đề xảy ra với đơn hàng, họ sẽ được hoàn tiền chỉ trong vài phút.

Để khách hàng mua bảo hiểm đó nhiều lần, điều quan trọng là công ty phải nhanh chóng thực hiện các yêu cầu bồi thường, theo CEO của PasarPolis Cleosent Randing. Các hãng bảo hiểm thường có suy nghĩ không muốn thực hiện những khoản thanh toán như vậy vì nó ảnh hưởng tới lợi nhuận, nhưng đó lại là suy nghĩ thiển cận, theo Randing.

“Từ bảo hiểm và tình yêu thương đã bị tách biệt quá xa. Chúng tôi muốn làm cho bảo hiểm trở thành một sản phẩm tiêu dùng được yêu thích”, Randing nói với Nikkei Asia.

Nhờ những nhà đầu tư như hãng sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi hay công ty cung cấp dịch vụ gọi xe Gojek, PasarPolis đã mở rộng phạm vi kinh doanh sang Thái Lan và Việt Nam. Họ sẽ ra mắt một ứng dụng di động để mọi người có thể mua các gói bảo hiểm phù hợp với nhiều nhu cầu hơn.

Ngoài PasarPolis còn có một số hãng bảo hiểm công nghệ hoạt động ở khu vực Đông Nam Á như Qoala, Grab và Coverfox, cũng như các công ty bảo hiểm lâu đời hơn.

Sự mở rộng của PasarPolis diễn ra vào thời điểm ngành bảo hiểm đang có sự thay đổi sâu sắc, khiến công việc tính toán gói bảo hiểm ngày càng trở nên phức tạp. Một câu hỏi khác là liệu các công ty có thể kiếm được lợi nhuận bằng cách bán các gói bảo hiểm nhỏ hay không. PasarPolis cho biết họ có cơ sở dữ liệu của 20 triệu khách hàng và kỳ vọng rằng chừng đó sẽ giúp họ có lãi.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích ngành bảo hiểm Christian Konig cho rằng dù việc bán gói bảo hiểm nhỏ có thể hiệu quả với một số công ty, song các gói lớn hơn vẫn có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn. Ông Konig, cũng là CEO của Fintech News Network, đưa ra một ví dụ về chuyến bay chặng Singapore – Dubai mà ông đã đặt có cung cấp gói bảo hiểm bay trị giá 200 USD.

Một số công ty bảo hiểm công nghệ của châu Á đã tìm ra hình mẫu cho việc bán bảo hiểm qua các nền tảng thứ ba, từ các ứng dụng thanh toán tới kênh thương mại điện tử như Lazada hay Tiki, giới phân tích cho biết. Điều này cho phép họ tiết kiệm chi phí phân phối cũng như tiếp cận và khai thác được tệp người dùng khổng lồ.

Thị trường châu Á đầy tiềm năng

“Ở một số khía cạnh, châu Á đang dẫn đầu về không gian hệ sinh thái. Điều này là nhờ Trung Quốc và một số quốc gia ở Đông Nam Á. Họ là những nước có lượng người dùng hàng ngày lớn, mọi người sử dụng các nền tảng này 7 – 10 lần mỗi ngày”, chuyên gia Alex Kimura của McKinsey cho hay.

Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 50% tăng trưởng toàn cầu của thị trường bảo hiểm, theo McKinsey ước tính hồi tháng 3.

Công nghệ mới có thể tạo ra các vùng xám

Swiss Re, công ty tái bảo hiểm có trụ sở tại Zurich, Thuỵ Sĩ và là hãng tái bảo hiểm lớn nhất thế giới, cũng coi các siêu ứng dụng là một con đường để thúc đẩy tăng trưởng. Trong một báo cáo về thị trường bảo hiểm thế giới năm 2021, Swiss Re cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng các nền tảng trực tuyến liên kết với những nguồn lực rộng lớn như mạng xã hội (Facebook, WeChat ở Trung Quốc và Grab ở Đông Nam Á) hoặc các ứng dụng theo dõi sức khoẻ sẽ trở thành nguồn chính để bán bảo hiểm nhân thọ. Bởi, những người sử dụng các kênh kỹ thuật số để mua bảo hiểm có khả năng cao sẽ sử dụng lại chúng sau này”.

Nhưng mặt hạn chế là nhiều công ty bảo hiểm đang bị phụ thuộc vào các nền tảng này, ông Kimura nói.

Một cách phổ biến khác mà các công ty bảo hiểm công nghệ sử dụng để tiết kiệm tiền là sử dụng máy học để xử lý rủi ro. Nếu có những dự đoán chính xác hơn, các công ty có thể điều chỉnh chi phí và doanh thu. Nhưng cũng giống như việc dựa vào nền tảng của bên thứ ba, dựa vào thuật toán và big data cũng có thể có cạm bẫy.

Với tệp dữ liệu người dùng lớn, các công ty bảo hiểm có thể xây dựng hồ sơ khách hàng với hàng trăm đặc điểm. Họ có thể tính chiết khấu cao hơn cho những người thường xuyên lui tới một nhà hàng nào đó hoặc có một cấu trúc gen nhất định, theo giới phân tích.

David Tuffley, giảng viên công nghệ cao cấp tại Đại học Griffith của Úc, cho rằng có khả năng rất lớn các công ty bảo hiểm sẽ lạm dụng dữ liệu người dùng. Một số mối quan tâm liên quan tới ngành bảo hiểm nói chung là phân biệt đối xử, định giá cơ hội và mất quyền riêng tư cá nhân.

Công nghệ mới có thể tạo ra các vùng xám. Ví dụ, những người sử dụng ứng dụng đếm số bước chân của họ hoặc đo lường các chỉ số sức khoẻ khác có thể đủ điều kiện nhận phí bảo hiểm y tế thấp hơn. Các công ty bảo hiểm y tế xem đây là một khoản giảm giá với người dùng, song với những người không thể hoặc không sử dụng ứng dụng đó, đây có thể coi là một bất lợi.

“Không có ranh giới rõ ràng giữa việc hét giá cắt cổ với việc để thị trường quyết định giá”, ông Tuffley cho hay. Ông khuyến nghị các công ty bảo hiểm nên viết các điều khoản sử dụng bằng ngôn ngữ đơn giản để mọi người biết điều gì sẽ xảy ra với dữ liệu của họ. “Một số người không bận tâm, song có những người nghĩ đó là một sự xâm phạm”.

Kim Dung (Theo Nikkei Asia)

FILI

Các tin tức khác

>   Quyền lợi người mua bảo hiểm còn bỏ ngỏ? (14/10/2022)

>   Bộ Tài chính yêu cầu công khai và rõ ràng các điều khoản, biểu phí của sản phẩm bảo hiểm (13/10/2022)

>   Bổ nhiệm 2 Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam (11/10/2022)

>   Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người mất việc làm (07/10/2022)

>   Doanh nghiệp bảo hiểm không được tự đặt thêm điều kiện bồi thường (05/10/2022)

>   Bán bảo hiểm qua ngân hàng: Sắp có thêm quy định ngăn tình trạng “bán bia kèm lạc” (04/10/2022)

>   Sắp hết thời ngân hàng bán bảo hiểm kiểu ‘bia kèm lạc’? (01/10/2022)

>   Từ 1/10 mức đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ quay về mức 1% quỹ tiền lương (29/09/2022)

>   Bộ Tài chính nêu lý do không cho công ty bảo hiểm đầu tư bất động sản (15/09/2022)

>   'Cò' bảo hiểm ăn chặn tiền của người thất nghiệp (12/09/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật