Bộ Tài nguyên chỉ đạo thanh tra, xử lý các dự án 'treo'
Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn bộ các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm. Đồng thời, xử lý nghiêm các dự án có vi phạm và kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án đã hết thời hạn cho gia hạn sử dụng đất nhưng vẫn chưa hoàn thành đầu tư đưa đất vào sử dụng.
Các địa phương chưa kiên quyết xử lý dự án “ôm” đất bỏ hoang
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất.
Theo Bộ TN&MT, trong thời gian qua tại các địa phương, tại các tỉnh, thành phố lớn còn tồn tại nhiều dự án, công trình đã được Nhà nước giao, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm nhưng chưa được kiểm tra, rà soát, xử lý theo quy định của pháp luật, gây lãng phí đất đai, bức xúc trong dư luận xã hội.
Nhiều địa phương còn chưa kiên quyết xử lý vi phạm, thu hồi các dự án chậm đưa đất vào sử dụng. Trong ảnh: Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) do Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng - Licogi làm chủ đầu tư sau 18 năm vẫn "ôm" đất bỏ hoang.
|
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã có các văn bản hướng các địa phương thực hiện. Tuy nhiên việc thực hiện của nhiều địa phương còn chưa kiên quyết, chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định và chưa xử lý hết các vi phạm theo thẩm quyền.
Để tiếp tục tăng cường xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất, kiên quyết thu hồi đất của các dự án vi phạm nhằm đẩy nhanh việc đưa đất vào sử dụng có hiệu quả cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước, tránh lãng phí đất đai, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc rà soát, lập danh sách, hồ sơ quản lý đối với các dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng đất 12 tháng liên tục hoặc tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng theo quy định của pháp luật đất đai.
Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn bộ các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm; xử lý nghiêm, triệt để, đúng pháp luật đối với các dự án, công trình có vi phạm; kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án, công trình đã chấm dứt dự án đầu tư, đã hết thời hạn cho gia hạn sử dụng đất nhưng vẫn chưa hoàn thành đầu tư đưa đất vào sử dụng.
Tổng hợp, lập danh sách các dự án, công trình có vi phạm để đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và gửi thông tin để đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT và Tổng cục quản lý đất đai.
Lập đoàn thanh kiểm tra các tỉnh có nhiều dự án “treo”
Bộ TN&MT cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cần rà soát, tổng hợp các khó khăn vướng mắc, đánh giá nguyên nhân (khách quan, chủ quan) của việc không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm; tập trung nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục hành chính (đầu tư, đất đai, xây dựng...) để đôn đốc chủ đầu tư các dự án khẩn trương thực hiện đầu tư, đưa đất vào sử dụng.
Đề nghị UBND các tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ trước ngày 30/11 hàng năm để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng giao Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đối với các tỉnh, thành phố có nhiều dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất mà chưa được xử lý; các dự án sử dụng nhiều diện tích đất nhưng chậm đầu tư đưa đất vào sử dụng, các dự án vi phạm chậm tiến độ đã quá lâu nhưng chưa xử dứt điểm, để hoang hóa, lãng phí đất đai...
Bộ TN&MT yêu cầu lập đoàn thanh kiểm tra các tỉnh có nhiều dự án “treo”. Trong ảnh: Dự án Khu đô thị Tiến Xuân Sudico rộng hơn 1.200 ha thuộc huyện Quốc Oai và huyện Thạch Thất gần 15 năm nay vẫn trong tình trạng "treo".
|
Thực tế, trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng trăm dự án quy hoạch cả thập kỷ nhưng chậm triển khai, "ôm" đất bỏ hoang lãng phí. Tuy nhiên, công tác xử lý, thu hồi các dự án này vẫn còn chậm.
Đơn cử như dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) do Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng - Licogi làm chủ đầu tư sau gần 20 năm vẫn ì ạch triển khai, nhiều khu đất trong dự án bỏ hoang cho cỏ mọc gây bức xúc cho người dân.
Được biết, năm 2004, UBND TP Hà Nội quyết định thu hồi khoảng 35ha đất tại các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai và giao cho Licogi làm chủ đầu tư, để tổ chức điều tra, lập phương án giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt. Theo kế hoạch, dự án sẽ kết thúc vào năm 2011. Tuy nhiên, sau 18 năm dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt vẫn "án binh bất động", với nguyên nhân là chậm giải phóng mặt bằng, khiến hàng trăm hộ dân trong diện bị thu hồi đất phải sống trong điều kiện "3 không" - không điện, không nước sạch, không hộ khẩu.
Hay Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp nằm trên ô đất rộng hơn 12.000m2, thuộc khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) được UBND TP Hà Nội giao đất cho Công ty CP Tập đoàn đầu tư Long Giang vào ngày 8/11/2011. Dự án này chậm tiến độ tới 66 tháng, tức hơn 5 năm. Năm 2019, dự án này đã được Hà Nội gia hạn 24 tháng (theo quyết định số 4260/QĐ-UBND ngày 9/8/2019). Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”.
Thậm chí, có những dự án sau hàng thập kỷ cấp phép đầu tư vẫn chỉ nằm “trên giấy”, ôm đất chậm triển khai như dự án Sông Hồng City và dự án khu nhà ở văn phòng IDC đều thuộc địa bàn quận Tây Hồ ảnh hưởng đến đời sống của người dân gây bức xúc mà cử tri đã kiến nghị nhiều lần.
Tương tự, dự án Khu đô thị Tiến Xuân Sudico rộng hơn 1.200 ha nằm trên địa bàn các xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) và xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) - vốn thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình trước khi các xã này sáp nhập về Hà Nội tháng 8/2008) do Công ty TNHH MTV Sudico Tiến Xuân làm chủ đầu tư với vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Dự án khởi công từ năm 2007, tuy nhiên đến nay gần 15 năm dự án vẫn nằm trong tình trạng “treo” khiến cuộc sống người dân có đất nằm trong quy hoạch dự án gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Đình Phong
Tiền phong
|