Bị tự doanh nhấn chìm, Chứng khoán EVS lỗ sau thuế hơn 146 tỷ đồng
CTCP Chứng khoán Everest (HNX: EVS) vừa công bố BCTC quý 3/2022 với kết quả lỗ sau thuế hơn 146 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 27 tỷ đồng.
Tự doanh lỗ hơn 185 tỷ đồng
Nguyên nhân chính khiến EVS bị lỗ đến từ hoạt động tự doanh tiêu cực. Trong quý 3, lãi từ các tài sản tài chính qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm mạnh 81% so với cùng kỳ, xuống gần 40.5 tỷ đồng. Trong khi đó, lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL gần 225 tỷ đồng, tăng 25%.
Quý này, chi phí hoạt động tự doanh gần như không biến động nhiều. Kết quả, mảng tự doanh Công ty lỗ hơn 185 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 30/09/2022, danh mục tài sản FVTPL của EVS có giá trị 1,011 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ. Cổ phiếu niêm yết chiếm gần 45% tỷ trọng danh mục với giá thị trường hơn 436 tỷ đồng (giảm 55%).
Trong đó, EVS nắm giữ giá trị lớn NVB và ACB tại danh mục đầu tư. Cuối kỳ, cổ phiếu NVB lãi 10%, còn ACB lỗ 48%. So với đầu năm, Công ty đã bán toàn bộ các mã VHM, HPG, FPT, VIB, SSI, MSB, PVT và VIC.
Danh mục đầu tư cổ phiếu niêm yết tại ngày 30/09/2022 của EVS. Đvt: Tỷ đồng
|
Bên cạnh đó, các chứng khoán khác tăng vọt lên 519 tỷ đồng, gấp 5.6 lần đầu năm. Danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) đạt hơn 30 tỷ đồng (đầu năm không ghi nhận).
Các mảng khác cũng kém sắc
Không chỉ mảng tự doanh kém sắc, các nguồn thu khác cũng đồng loạt giảm như doanh thu hoạt động môi giới giảm 54%, còn 16.7 tỷ đồng; thu từ hoạt động tư vấn giảm 21%. Ngoài ra, EVS không còn ghi nhận doanh thu từ nghiệp vụ bão lãnh trong quý 3 (cùng kỳ thu hơn 4.6 tỷ đồng) và thu nhập hoạt động khác (cùng kỳ 6.42 tỷ đồng). Sau cùng, EVS chỉ thu về hơn 87.5 tỷ đồng tổng doanh thu hoạt động, giảm 69% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh của EVS. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Ngược lại, tổng chi phí hoạt động tăng 15%, lên 259 tỷ đồng. Trong đó, chi phí tư vấn tăng vọt, gấp 5 lần cùng kỳ, đạt 7.6 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng tăng mạnh 91%. Trong khi đó, chi phí tài chính và chi phí môi giới giảm lần lượt 37% và 39%.
Điểm sáng trong quý này là doanh thu tài chính gấp hơn 21 lần cùng kỳ, đạt hơn 10.2 tỷ đồng. Tuy nhiên, không thể bù vào khoản lỗ đậm từ mảng tự doanh.
Kết quả, EVS báo lỗ quý 3 hơn 147 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 27 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty đem về 372 tỷ đồng tổng doanh thu, giảm 9% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế hơn 4.3 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 205 tỷ đồng).
Năm 2022, EVS đặt mục tiêu doanh thu 1,815 tỷ đồng và lãi sau thuế 458 tỷ đồng, lần lượt tăng 63% và 9% so với thực hiện năm 2021. Tuy nhiên, sau 9 tháng, Công ty vẫn chưa thể có lãi.
Tổng tài sản tại ngày 30/09/2022 hơn 2,483 tỷ đồng, giảm gần 23% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 64% (còn gần 74 tỷ đồng); các khoản cho vay giảm 64% (hơn 623 tỷ đồng), chủ yếu do cho vay hoạt động chứng khoán giảm. Ngược lại, các khoản phải thu gấp 17 lần đầu năm, đạt hơn 463 tỷ đồng.
Nợ phải trả giảm hơn 52%, xuống 642 tỷ đồng, chủ yếu là nợ phải trả ngắn hạn. Trong đó, trái phiếu phát hành ngắn hạn giảm gần 74%, còn gần 239 tỷ đồng. Vay nợ thuê ngắn hạn gấp hơn 2.6 lần, đạt hơn 315 tỷ đồng.
Nợ phải trả dài hạn giảm hơn 95%, còn hơn 2.4 tỷ đồng, là khoản thuế thu nhập hoãn lại phải trả.
Thế Mạnh
FILI
|