Tư nhân tài trợ lập quy hoạch dẫn đến hậu quả gì?
Một cán bộ quản lý nhà nước ở địa phương vui mừng chia sẻ với tôi: Tỉnh mình dạo này thu hút đầu tư khá lắm, có cả một tập đoàn tư nhân tham gia làm quy hoạch. Tôi giật mình: Thế nghĩa là sao? Anh ta giải thích: Thì nhà đầu tư tài trợ toàn bộ kinh phí cho xây dựng quy hoạch phát triển của tỉnh. Tôi ngạc nhiên: Ồ, thế tức là tư nhân hóa quản lý nhà nước đấy! Anh phản ứng ngay: Không phải, đó là “xã hội hóa”, rất đúng chủ trương!
“Xã hội hóa” mở rộng tới việc tư nhân tài trợ lập quy hoạch
Tìm hiểu kỹ hơn về chuyện này, tôi mới biết khá nhiều tỉnh đã có chủ trương và triển khai như thế. Thậm chí ngay cả ở những thành phố lớn hàng đầu.
Vậy, “xã hội hóa” thật sự là gì mà người ta có thể ưa chuộng để mở rộng nó đến như vậy?
Thuật ngữ này đã từng gây tranh cãi. Các nhà xã hội học gọi đó là quá trình tương tác xã hội của con người, biến mỗi cá nhân thành các thực thể xã hội. Trong khi các nhà quản lý hành chính lại hiểu rằng đó là chủ trương cho người dân tham gia vào các hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công mà trước đó chỉ do Nhà nước làm.
Nhà đầu tư chi tiền sẽ không xuất hiện trong các cuộc họp của hội đồng nhân dân về quy hoạch nhưng hoàn toàn có thể tham gia trong các khâu giới thiệu, lựa chọn và thanh toán chi phí cho nhà tư vấn. Điều gì sẽ xảy ra khi nhà tư vấn trình lên sản phẩm của mình là các dự thảo quy hoạch đã có sự tham gia, chính danh hay từ phía sau, của nhà đầu tư?
|
Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế, trong nhiều việc, Nhà nước vẫn “nắm” về quyền quyết định hoặc ít nhất trên danh nghĩa, nhưng cho tư nhân là các nhà đầu tư cá nhân hay doanh nghiệp (mà không phải cộng đồng người dân) tài trợ 100% hay một phần vốn vào các công trình, dự án cụ thể.
Việc này vừa tiện lại vừa có lợi cho nhiều cấp chính quyền ở địa phương và cơ sở khi giải thoát được các điều kiện và rào cản chặt chẽ của Luật Ngân sách nhà nước.
Hơn nữa, nó giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiều chương trình và dự án, nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt phát triển trên địa bàn. Cuối cùng, trên các báo cáo, đó sẽ là một điểm sáng về thành tích thực hiện chủ trương “xã hội hóa”, được triển khai sáng tạo và thành công.
Câu chuyện “ích nước lợi nhà” ở trên đã diễn ra khá suôn sẻ qua nhiều năm và được mở rộng trên các lĩnh vực, từ y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao cho đến xây dựng cơ sở hạ tầng.
Riêng trong lĩnh vực y tế, gần đây nhất, khi các cơ quan chức năng bắt đầu rà soát các cơ sở, đơn vị công mới thấy mức độ tham gia của tư nhân vào máy móc, thiết bị và cung cấp dịch vụ lớn đến thế nào.
Cái đó, khi được hỏi đánh giá về pháp lý, tôi đã khẳng định chính là một hình thức của đầu tư và kinh doanh theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhưng lại bên ngoài các quy định và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được ban hành.
Tuy nhiên, trên tất cả, một khi “xã hội hóa” mở rộng bằng việc tư nhân tài trợ vốn cho hoạt động lập quy hoạch thì tôi thật sự bất ngờ.
Đi từ gốc: lập quy hoạch là gì?
Đầu tiên phải làm rõ hoạt động lập quy hoạch là gì?
Nếu trong thời kinh tế chỉ huy và bao cấp, mọi hoạt động của Nhà nước đều xoay quanh kế hoạch thì giờ đây, khi chuyển sang “kinh tế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước”, việc đó được thay thế bằng quy hoạch. Về thực chất, kế hoạch là do Nhà nước lập ra và tự thực hiện, còn quy hoạch là một công cụ vừa chính sách, vừa pháp lý do Nhà nước ban hành để cả xã hội phải tuân thủ và thực hiện.
Trong hoạt động quy hoạch, Nhà nước có toàn quyền xác định mục tiêu, chẳng hạn một địa phương hay một ngành sẽ phát triển theo hướng nào, trên cơ sở đó phân bổ không gian và nguồn lực, đặc biệt là đất đai và đầu tư công cho hạ tầng kỹ thuật, để định hướng cho khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án của mình.
Cách thức này phản ánh một logic hợp lý và minh bạch, đó là Nhà nước định hướng sự phát triển và hoàn toàn chủ động cũng như toàn quyền quyết định. Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện lập, ban hành và công bố quy hoạch bằng các nguồn lực của mình là tiền đóng thuế của người dân theo các quy trình và thủ tục do luật định.
Vậy với việc lập các quy hoạch cụ thể, Nhà nước, mà ở đây là chính quyền địa phương thay vì sử dụng ngân sách lại huy động tài trợ của tư nhân, thì điều đó có ý nghĩa gì và hậu quả sẽ như thế nào?
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà lãnh đạo cao nhất của Đảng đang quyết liệt đẩy mạnh sẽ khó khăn hơn rất nhiều bởi cái được các chuyên gia về thể chế gọi là “tham nhũng chính sách” hay trần trụi hơn, đó là “tư nhân hóa quyền lực công”.
|
Có một nguyên lý tự nhiên và căn bản. Đó là ai chi tiền thì người đó chi phối. Ở đây, câu hỏi là tư nhân có thể chi phối định hướng chính sách thông qua tài trợ cho việc lập quy hoạch được không?
Sẽ có người biện hộ rằng, quy hoạch phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chẳng hạn hội đồng nhân dân, thông qua, cho nên “nhà đầu tư” không thể “lái” được.
Về hình thức có vẻ đúng như vậy. Tuy nhiên, bởi quy hoạch là một hoạt động phức tạp, đòi hỏi trình độ và các kỹ năng chuyên môn đa ngành rất cao, do đó vai trò của tư vấn luôn luôn quan trọng và cần thiết. Nhà đầu tư chi tiền sẽ không xuất hiện trong các cuộc họp của hội đồng nhân dân nhưng hoàn toàn có thể tham gia trong các khâu giới thiệu, lựa chọn và thanh toán chi phí cho nhà tư vấn.
Và như một logic thực tế, điều gì sẽ xảy ra khi nhà tư vấn trình lên sản phẩm của mình là các dự thảo quy hoạch đã có sự tham gia, chính danh hay từ phía sau, của nhà đầu tư? Đó là chưa muốn nói rằng, ngay cả trong khâu thảo luận và biểu quyết thông qua thì các tác động bằng “lobby” của nhà đầu tư đối với quan chức cụ thể có quyền quyết định là hoàn toàn có thể.
Sẽ không có bất cứ nhà đầu tư tư nhân nào bỏ tiền ra làm một việc mà không nhằm mục đích gì. Nếu là doanh nghiệp thì đó phải là các dự án thương mại sinh lời dù trực tiếp hay gián tiếp, ngắn hạn hay dài hạn. Chí ít, nếu không thể tác động được ở tầm chi phối thì nhà đầu tư cũng có cơ hội tiếp cận sớm nhất các thông tin về quy hoạch để từ đó hoạch định cho các chương trình và dự án đầu tư của chính mình. Sự đi tắt, đón đầu đó, đương nhiên mở ra các cơ hội kinh doanh vô cùng quý giá trong điều kiện cạnh tranh của kinh tế thị trường.
Có thể nói trong thời gian qua, nếu lắng tai nghe thì nhiều người đã thấy một xu hướng đi theo để ăn theo của các nhà đầu tư nhỏ sau các con “cá mập” (tức tập đoàn kinh tế lớn), để xem họ làm gì và ở đâu, nhằm chuẩn bị cho các kế hoạch của riêng mình.
Hậu quả gì?
Còn bàn về hậu quả. Đương nhiên có thể nhìn nhận một cách đa dạng và đa chiều.
Xét từ góc độ kinh tế, nếu một khi việc lập quy hoạch bị tác động, chi phối bởi tư nhân thì các quy tắc cạnh tranh tự do sẽ bị bóp méo, thậm chí bị triệt tiêu từ trong trứng nước rồi. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không còn cơ hội để chủ động và tham gia bình đẳng vào cuộc chơi.
Về xã hội, một khi quy hoạch trở thành “cuộc chơi” do tư nhân thao túng, nó sẽ không còn hướng đến sự hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan (stakeholders) hay đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, mà thay vào đó sẽ là lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Nhiều cộng đồng dân cư, là người sử dụng đất, sẽ phải gánh chịu các hậu quả của quy hoạch treo hoặc bị thu hồi đất để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương theo quy hoạch. Đương nhiên đi theo đó là các khó khăn và thách thức về việc làm, sinh kế cũng như toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của họ.
Nhưng có lẽ tác động đáng quan ngại nhất chính là sự biến đổi theo hướng tinh vi hóa mối quan hệ móc ngoặc giữa cơ quan chính quyền và tư nhân (còn được gọi là chủ nghĩa tư bản thân hữu), làm phân hóa, tiêu cực hóa cả nhân sự và sự vận hành của bộ máy nhà nước. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà lãnh đạo cao nhất của Đảng đang quyết liệt đẩy mạnh sẽ khó khăn hơn rất nhiều bởi cái được các chuyên gia về thể chế gọi là “tham nhũng chính sách” hay trần trụi hơn, đó là “tư nhân hóa quyền lực công”.
LS. Nguyễn Tiến Lập
TBKTSG
|