TS.Trương Văn Phước: Việt Nam phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá
Tại phiên thảo luận tổng thể Diễn đàn Kinh tế xã hội 2022, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, đã có những đánh giá về chính sách tiền tệ thời gian qua của Việt Nam.
TS.Trương Văn Phước nhấn mạnh, Việt Nam phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá. Đây là “phòng tuyến sông Cầu”, nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào.
|
Theo TS. Phước, lạm phát toàn cầu là một hiện tượng rất phổ biến thời gian qua. Đối với Việt Nam, yếu tố lạm phát chưa quá đáng ngại bởi tỷ giá, lãi suất, cung tiền đang được điều hành tốt.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt việc để tỷ giá trung tâm chỉ tăng khoảng 0.6% từ đầu năm đến nay và cho thị trường dao động trong biên độ cộng trừ 3%. Như vậy, sự lan truyền của lạm phát vào Việt Nam đã bị ngừng lại bởi phòng tuyến tỷ giá.
“Việt Nam phải giữ bằng được ổn định tỷ giá. Đây là “phòng tuyến sông Cầu”, nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào”, ông Phước nói.
Về lãi suất, TS. Phước cho rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới điều chỉnh tăng lãi suất với 3 mục tiêu chính.
Thứ nhất, khi lãi suất tăng lên, tức giá tiền tệ tăng lên thì cầu giảm. Điều này giúp thực hiện mong muốn hạ bớt cầu về tín dụng ở các quốc gia đang có lạm phát cao.
Thứ hai, làm dịu bớt thị trường lao động hết sức nóng. Bởi lẽ, sau đại dịch Covid-19, các nước sử dụng biện pháp tăng tiền lương để kéo lao động, đồng thời chống được lạm phát thì lại rơi vào một hiệu ứng nan giải. Đó là, giá tăng khiến tiền lương tăng, tiền lương tăng làm cho giá tăng.
Thứ ba, tăng lãi suất suy cho cùng là làm cho đồng nội tệ tăng lên. Hay hiểu đơn giản, tăng lãi suất làm cho tỷ giá giảm xuống.
Hiện tại, lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát kỳ vọng thì ra lãi suất thực dương của Việt Nam vẫn rất cao. Trong khi đó, nếu Mỹ tăng lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước vẫn để trần lãi suất huy động 6 tháng ở mức 4%/năm thì ông Phước đánh giá “không ổn”.
“Ngân hàng Nhà nước nên tăng trần lãi suất huy động để tạo nên một điểm hoán đổi tiền tệ giữa đồng USD và VND”, ông Phước khuyến nghị.
Về cung tiền, TS. Phước cho rằng ở Việt Nam đang chưa phải tăng lãi suất do công cụ hạn mức tín dụng vẫn phát huy được hiệu quả. Do đó, hạn mức tín dụng cần phải duy trì trong một thời gian nữa. “Chừng nào lạm phát tại Việt Nam và thế giới thật sự ổn định thì hãy tính đến việc bỏ hạn mức tín dụng”, ông Phước nói.
Trong khi đó TS Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cảnh báo, dòng vốn tháo chạy sẽ mạnh mẽ, nếu nới lỏng hơn nữa tỷ giá.
Trước khuyến nghị của các chuyên gia, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà khẳng định, cơ quan này sẽ điều hành linh hoạt đảm bảo tăng trưởng chung của hệ thống ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Chuyên gia chính xếp hạng tín nhiệm Quốc gia Việt Nam thuộc Moody’s đánh giá cao hiệu quả của chính sách tài khóa của Việt Nam
Phát biểu tại Diễn đàn, Chuyên gia chính xếp hạng tín nhiệm Quốc gia Việt Nam thuộc Moody’s Nishad Majmudar cho biết, Việt Nam cần tính toán kĩ về dự trữ ngoại hối Đánh giá về triển vọng phát triển kinh tế ổn định của Việt Nam, Chuyên gia chính xếp hạng tín nhiệm Quốc gia Việt Nam thuộc Moody’s Nishad Majmudar nhận thấy, nền kinh tế Việt Nam cũng như xuất khẩu quốc gia đang ngày càng trở nên mạnh mẽ dù thế giới đã và đang phải trải qua nhiều cú sốc về kinh tế như đại dịch COVID-19, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, gần đây nhất là xung đột quân sự giữa giữa Nga và Ukraine, FDI vẫn liên tục chảy vào nhiều ngành nghề của Việt Nam bất chấp sự kiện nêu trên, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất. Chuyên gia Nishad Majmudar kỳ vọng rằng đà tăng trưởng của Việt Nam vẫn sẽ tiếp diễn bất chấp thế giới và nền tài chính toàn cầu đang trải qua giai đoạn suy giảm.
Bên cạnh đó, Chuyên gia chính xếp hạng tín nhiệm Quốc gia Việt Nam cũng đánh giá cao hiệu quả của chính sách tài khóa của Việt Nam, đặc biệt là chính sách quản lý nợ mang tầm nhìn xa của Chính phủ. Điều này bao gồm việc giảm tỷ trọng các khoản vay nước ngoài và chuyển dịch sang vay thương mại nội địa sử dụng Việt Nam đồng. Qua đó góp phần làm giảm áp lực tổng vay nợ cho Chính phủ, đồng thời làm giảm rủi ro tái cấp vốn theo thời gian. Cụ thể, khi Việt Nam đang tác hại trong tăng thu nhập quốc gia đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có ít quyền tiếp cận hơn đối với các khoản vay ưu đãi từ các quốc gia có quan hệ song phương hoặc đa phương.
Ngoài ra, nhắc đến sức mạnh tài khoá, Chuyên gia Nishad Majmudar chỉ ra rằng, bất chấp những sự kiện không có lợi diễn ra trên toàn thế giới, bao gồm đại dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam vẫn có thể duy trì một lập trường tài khóa khôn khéo, bao gồm duy trì thâm hụt tài khóa ở mức vừa phải cũng như duy trì mức độ nợ định. So với các quốc gia khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, không gian tài khoá của Việt Nam còn khá lớn nên trong trường hợp các cú sốc kinh tế bất ngờ xảy đến, Chính phủ vẫn có dư địa để đưa ra các gói kích thích kinh tế. Nhìn về tương lai có thể thấy vẫn còn nhiều sự kiện không thuận lợi liên quan đến vấn đề suy giảm kinh tế toàn cầu. Chuyên gia Nishad Majmudar cho biết hiện tại đang đánh giá lại mức tăng trưởng cho năm 2022 và cả năm 2023 của thị trường Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế lớn thuộc châu Âu.
Trên phương diện đây là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Chuyên gia Nishad Majmudar nhận định rằng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng một mức độ nhất định, đặc biệt là trong khối lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, thị trường nội địa của Việt Nam đã mở cửa trở lại và các du khách đã bắt đầu đến Việt Nam. Chính vì vậy, thâm hụt về xuất khẩu của Việt Nam có thể được bù đắp bởi các ngành dịch vụ và sự phục hồi của kinh tế nội địa. Điều này vô hình trung sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nhật Quang
FILI
|