Thứ Tư, 14/09/2022 09:00

Tín hiệu nào phát đi từ chính sách tỷ giá?

Việc nâng mạnh giá bán ra USD thêm 300 đồng của Ngân hàng Nhà nước gần đây đã ít nhiều gây bất ngờ cho thị trường, khi mà nguồn cung ngoại tệ trong nước có dấu hiệu cải thiện. Liệu nhà điều hành còn đang muốn nhắm đến mục tiêu gì?

Ảnh minh họa

Định hướng của nhà điều hành

Ngày 07/9/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại một lần nữa nâng giá bán USD thêm 300 đồng, lên mức 23,700, đánh dấu điều chỉnh lần thứ 4 từ đầu năm đến nay và là lần thứ 3 tăng trong năm nay. Trước đó vào những ngày đầu năm (19/01), cơ quan này giảm 100 đồng ở cả giá mua vào và bán ra, đến ngày 11/5, tăng thêm 200 đồng giá bán ra, ngày 04/7 tăng 150 đồng giá bán ra.

Theo đó, so với đầu năm giá bán ra USD tại Sở giao dịch NHNN đã tăng ròng 550 đồng, tương đương tăng gần 2.4%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 0.4% của tỷ giá trung tâm cập nhật đến ngày 13/9, dù thấp hơn mức điều chỉnh của các ngân hàng nhưng lại đang xấp xỉ mức tăng của thị trường tự do. Có thể thấy, nếu như tỷ giá trung tâm chỉ mang tính tham khảo thì giá mua bán tại Sở giao dịch NHNN có ý nghĩa định hướng và sát với thực tiễn hơn rất nhiều, khi phản ánh được cung cầu ngoại tệ của các nhà băng nói riêng và rộng hơn là bức tranh thị trường nói chung.

Đáng lưu ý là trong đợt điều chỉnh tăng giá bán ra USD ngày 07/9 vừa qua, NHNN lại để trống giá mua vào, cho thấy cơ quan này hiện tại không có nhu cầu mua vào USD hoặc đang theo cơ chế giá mua vào linh hoạt. Dù vậy, việc duy trì để trống giá mua vào vẫn kéo dài cho đến tuần này (cập nhật ngày 13/9/2022). Nếu lấy tham chiếu giá mua vào trước đợt điều chỉnh tại 22,500, chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào tại Sở giao dịch NHNN đã mở rộng lên đến 1.150 đồng, chỉ xếp sau mức 1,160 đồng vào ngày 06/12/2021 và mức 1,206 đồng vào ngày 07/12/2021.

Điều gây ngạc nhiên là động thái điều chỉnh giá bán ra USD của nhà điều hành lại diễn ra sau khi nguồn cung ngoại tệ có sự cải thiện đáng kể, với số liệu xuất siêu tháng 8 công bố đạt 2.4 tỷ USD, đưa lũy kế xuất siêu 8 tháng đầu năm lên con số gần 4 tỷ USD. Ở hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 12.8 tỷ USD, tăng 10.5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua. Vậy điều gì thúc đẩy NHNN bất ngờ tăng giá bán ra như vậy?

Triệt tiêu tâm lý đầu cơ, hỗ trợ hoạt động thương mại?

Trong bối cảnh cung cầu ngoại tệ trong nền kinh tế chưa đến nỗi thật sự mất cân bằng, sức ép tỷ giá những ngày gần đây dường như đến từ tâm lý đầu cơ nhiều hơn. Thứ nhất, cuộc họp chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra vào ngày 22/9 tới với dự báo cơ quan này sẽ tiếp tục tăng lãi suất, đưa đến kỳ vọng đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá. Dù các chuyên gia kinh tế dự báo mức tăng thêm chỉ ở 0.5% lên 3%, nhưng giới giao dịch lại đang đặt cược vào khả năng tăng 0.75% với xác suất đã lên tới 90% trong những ngày gần đây.

Chính vì vậy, không loại trừ khả năng một số tổ chức đang muốn găm ngoại tệ và mua thêm để đầu cơ lướt sóng trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi mức tăng của đồng USD ở thị trường trong nước kể từ đầu năm đến nay là khá khiêm tốn so với sự tăng giá của đồng USD trên thị trường quốc tế, dẫn đến kỳ vọng mức độ mất giá VNĐ có thể buộc phải mạnh hơn trong thời gian tới.

Vì lẽ đó, động thái tăng mạnh giá bán ra của NHNN có thể vừa nhằm giảm bớt cầu mua ngoại tệ từ các tổ chức muốn lướt sóng, vừa để giảm bớt kỳ vọng tiền đồng buộc phải mất giá mạnh hơn trong tương lai từ đó triệt tiêu động lực đầu cơ tỷ giá, góp phần giải tỏa sức ép cho giai đoạn tới. Nhìn lại quá khứ nhiều năm trước đây, có những thời điểm thị trường ngoại hối chịu nhiều áp lực, tỷ giá luôn trong tình trạng căng cứng nhưng nhà điều hành lúc đó vẫn “cứng nhắc” gồng gánh, để rồi khi không thể chịu nổi buộc phải điều chỉnh thì mức độ phá giá có lúc lên tới 5% hoặc thậm chí hơn 9% như vào ngày 11/02/2011.

Về sau này, việc niêm yết, điều chỉnh tỷ giá hằng ngày linh hoạt hơn và bám sát theo diễn biến của thị trường, có tăng có giảm theo từng giai đoạn, thời điểm nên cũng đã góp phần giảm bớt các hoạt động đầu cơ ngoại tệ trên thị trường. Chính sách linh hoạt này cho đến hiện tại vẫn được xem là thành công, thể hiện qua sự ổn định giá trị của VNĐ so với USD nếu so sánh trong mối tương quan với các đồng tiền khác trong khu vực ở những năm gần đây.

Ngoài ra, việc tăng mạnh giá bán ra USD khi bước về gần thời điểm cuối năm có lẽ cũng phát đi tín hiệu nhà điều hành có thể chấp nhận để VNĐ mất giá nhiều hơn, như là một trong những giải pháp hỗ trợ cho hoạt động thương mại, cải thiện lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Diễn biến từ đầu năm đến nay cho thấy, cùng với sự tăng giá của USD là sự lao dốc mạnh mẽ của nhiều đồng tiền các nước khác, trong đó không ít là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, do đó đã làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.

Có thể kể đến như đồng EUR đã giảm gần 20% so với USD từ đầu năm đến nay, đồng bảng Anh giảm gần 17%, đồng Yên Nhật giảm hơn 25%, đồng won Hàn Quốc giảm 17%, nhân dân tệ Trung Quốc giảm hơn 10%,…Với các đồng tiền khác trong khu vực Đông Nam Á, đồng Bath Thái giảm 13%, đồng Ringgit Malaysia giảm 8%,…Hệ quả là tiền đồng đã tăng giá đáng kể so với các đồng tiền khác.

 Việc tăng mạnh giá bán ra USD khi bước về gần thời điểm cuối năm có lẽ cũng phát đi tín hiệu nhà điều hành có thể chấp nhận để VNĐ mất giá nhiều hơn, như là một trong những giải pháp hỗ trợ cho hoạt động thương mại, cải thiện lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm nay, các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam xếp theo thứ tự là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, ASEAN, EU và Nhật Bản, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77.7 tỷ USD, còn Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 82.1 tỷ USD bất chấp nền kinh tế nước này những tháng qua bị ảnh hưởng không nhỏ do chính sách phong tỏa, cách ly ở các trung tâm sản xuất, thành phố lớn.

Còn nếu so với cùng kỳ năm trước, ngoại trừ Hoa Kỳ và EU có tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam giảm, các đối tác còn lại đều tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó tăng cao nhất là Hàn Quốc với 24.6%. Vì vậy, chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt và nới lỏng hơn có lẽ cũng được kỳ vọng là điều cần thiết để góp phần hỗ trợ cho hoạt động thương mại tăng trưởng tốt hơn, khi đang chuẩn bị bước vào giai đoạn cao điểm cuối năm, đặc biệt là ở hoạt động xuất khẩu nhằm tiếp tục giúp cải thiện nguồn cung ngoại tệ.

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   Nới room tín dụng ít, cần khơi thông gấp thị trường trái phiếu (14/09/2022)

>   Agribank đấu giá nhiều tài sản đảm bảo, giá khởi điểm đến hàng trăm tỷ đồng (13/09/2022)

>   Gói hỗ trợ lãi suất 2% giải "cơn khát vốn" cho doanh nghiệp (13/09/2022)

>   Room tín dụng, vì sao nới ít? (13/09/2022)

>   Công ty mẹ khu du lịch Hòn Tằm nợ nần chồng chất (13/09/2022)

>   Eximbank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên mức 14,814 tỷ đồng  (12/09/2022)

>   NCB bổ nhiệm nhân sự cấp cao (12/09/2022)

>   Moody’s nâng đánh giá xếp hạng của SeABank lên mức Ba3 (12/09/2022)

>   CASA tăng thêm hơn 35,200 tỷ đồng sau 6 tháng (13/09/2022)

>   Trải nghiệm đặc biệt thú vị cho khách bay, nhất là khi hoãn chuyến (12/09/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật