Thị trường vàng lạc điệu với lạm phát và chiến tranh
Giá vàng đã giảm 20% so với mức đỉnh hồi tháng Ba rồi, gây thất vọng lớn cho nhiều nhà đầu tư vì đáng lẽ, đây là thời điểm hoàn hảo để nắm giữ vàng khi lạm phát tăng cao và các căng thẳng địa chính trị từ cuộc xung đột Nga-Ukraine gia tăng.
Tuy nhiên, thị trường vàng đang bị cản trở bởi chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ của Mỹ cùng với đà tăng giá không ngừng nghỉ của đô la Mỹ.
Hiệu ứng thắt chắt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã cản trở thị trường vàng, bất chấp lạm phát và chiến tranh, hai yếu tố thường thúc đẩy giá kim loại quí này trong lịch sử. Ảnh: Top 1 Markets
|
Trong lịch sử, vàng thường tăng giá khi lạm phát cao vì đó là một khoản đầu tư tài sản vật chất có thể đóng vai trò như một nơi bảo tồn giá trị. Kim loại quí này cũng thường được yêu thích như là nơi trú ẩn tài sản trong những thời kỳ bất ổn chính trị.
Với lạm phát ở phương Tây đang ở mức cao chưa từng thấy trong nhiều thập niên và cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục leo thang, giá vàng vẫn không tăng. Thậm chí, giá vàng đã giảm gần 20% so với mức đỉnh gần đây hồi tháng Ba, tức sắp bước vào thời kỳ thị trường con gấu (giảm giá) theo các định nghĩa tài chính.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá vàng giao trên thị trường quốc tế giảm 1,6%, xuống còn 1.643,94 đô la/ounce, đánh dấu hai tuần giảm liên tiếp. Giá vàng giao tháng 12 trên sàn giao dịch Comex ở New York giảm 1,5%, xuống còn 1.655,6 đô la/ounce. Giá vàng hiện đã giảm về mức ở thời kỳ ban đầu của đại dịch Covid-19.
“Các nhà đầu tư không có nhiều hứng thú để nắm giữ vàng trong môi trường hiện tại”, Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng ING nói.
Giá vàng tăng vọt vào đầu tháng Ba rồi do lo ngại về các hậu quả của cuộc chiến tranh ở Ukraine. Tuy nhiên, kể từ đó, các động lực thị trường khác đã xuất hiện, đặc biệt là hiệu ứng từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Fed đã quyết liệt tăng lãi suất trong nỗ lực kiểm soát lạm phát ở mức cao trong 40 năm ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, đặc biệt là khi chiến sự Ukraine đẩy giá thực phẩm và năng lượng tăng.
Hôm 21-9 vừa qua, Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp, một động thái chưa từng có trong lịch sử. Fed cũng báo hiệu rằng có thể tăng lãi suất đáng kể trong tháng 11 và tháng 12 tới.
Hành động đó đã đẩy đồng đô la Mỹ lên mức cao mới trong hai thập niên. Trong năm nay, đồng bạc xanh đã tăng giá 16% so với rổ tiền tệ chính.
Những diễn biến đó tác động tiêu cực đến thị trường cổ phiếu và cũng ảnh hưởng đến vàng, một phần là do các giao dịch hàng hóa, bao gồm vàng và các kim loại quý khác thường diễn ra bằng đô la. Đồng đô la mạnh hơn khiến chi phí mua vàng của các nhà đầu tư nước ngoài đắt hơn, làm giảm nhu cầu và đẩy giá đi xuống.
Một yếu tố khác là ảnh hưởng của chu kỳ tăng lại suất mạnh mẽ của Fed đối với trái phiếu chính phủ Mỹ. Lợi tức của các trái phiếu này đã tăng vọt khi Fed thắt chặt chính sách. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đang ở mức 3,77%, so với mức 1,5% vào hồi đầu năm.
Được xem là kênh đầu tư trú ẩn an toàn, trái phiếu chính phủ Mỹ cũng cạnh tranh với vàng và khi các nhà đầu tư có thể thu được lợi nhuận tốt hơn từ trái phiếu thì vàng có vẻ trở nên kém hấp dẫn hơn.
“Nếu lãi suất tăng, bạn muốn nắm giữ thứ gì, vàng hay tài sản nào đó sẽ mang lại cho bạn lợi suất?”, Patterson nói.
Trong tuần này, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã phát tín cho thấy là chưa có kế hoạch sớm thay đổi chiến lược tiền tệ vì nhiệm vụ kiểm soát lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Sau khi Fed công bố đợt tăng lãi suất mới nhất, các ngân hàng trung ương khác cũng hành động. Ngân hàng trung ương Anh đã đẩy lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Thụy Điển, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Na Uy và Thụy Sĩ cũng tăng lãi suất.
Điều đó có nghĩa là vàng khó có khả năng tăng trở lại trong thời gian tới. Theo Patterson, để điều đó xảy ra, bức tranh về lạm phát sẽ cần phải thay đổi.
Gnanasekar Thiagarajan, Giám đốc Công ty Commtrendz Risk Management Services, cho biết sự suy yếu của vàng rất có thể sẽ tiếp diễn khi chính sách thắt chặt tiền tệ khiến chi phí nắm giữ vàng đắt hơn.
Tuy nhiên, lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái và bất kỳ sự leo thang nào trong xung đột Nga và Ukraine cũng có thể hỗ trợ giá vàng, ông nhận định.
Lê Linh
TBKTSG
|