SLS: Ưu tiên sản xuất đường RS, kế hoạch lãi sau thuế giảm 60%
CTCP Mía Đường Sơn La (HNX: SLS) vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 vào ngày 21/09. Tại đại hội, Công ty cho biết sẽ ưu tiên sản xuất đường RS. Niên độ 2022-2023, Công ty lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế đi lùi 60% so với niên độ trước.
* Niên độ của SLS tính từ 01/07 tới 30/06 năm sau
Ưu tiên sản xuất đường RS
Chia sẻ về khả năng tăng trưởng vùng nguyên liệu và công suất trong tương lai, Công ty cho biết diện tích mía nguyên liệu được đặt mục tiêu ổn định song hành cùng công suất ép. Cụ thể, dự kiến công suất ép 5,200-5,500 tấn mía/ngày và diện tích vùng nguyên liệu trong tương lai đạt khoảng 10,000-11,000 ha.
Về giá thu mua mía, Công ty cho biết hiện chưa có giá mía chính thức của niên vụ 2022-2023 nhưng giá sàn đã thông báo với chính quyền địa phương và bà con là 980 đồng/kg mua tại ruộng.
SLS cho biết kế hoạch sản lượng đường sẽ phụ thuộc vào sản lượng mía và nhiều yếu tố khác. Do đó, khi gần vào vụ mới, Công ty có kế hoạch sản lượng đường dao động từ 60,000-70,000 tấn đường.
Trong phiên thảo luận tại cuộc họp ĐHĐCĐ, SLS cho biết Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất đường RE công suất 500 tấn mía/ngày nhưng 3 năm gần đây, Công ty không sản xuất đường RE, mặc dù đã được nhiều khách hàng công nghiệp kiểm tra và đánh giá đường đạt tiêu chuẩn cao (Công ty TNHH Nestle Hưng Yên…).
Nguyên nhân do sản lượng và giá bán đường RE thời gian gần đây không mang lại hiệu quả bằng đường RS nên Công ty ưu tiên sản xuất đường RS để đem lại lợi nhuận cao nhất. Công ty sẽ sẵn sàng sản xuất đường RE khi đường RE mang lại lợi nhuận cao hơn.
Kế hoạch lợi nhuận sau thuế giảm 60%
Niên độ 2022-2023, Công ty dự báo ngành mía đường tiếp tục gặp khó khăn do nạn buôn lậu, gian lận thương mại chưa được kiểm soát triệt để, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao làm giảm thu nhập của người trồng mía, vùng nguyên liệu của Công ty ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt với các loại cây trồng khác.
Cuối cùng, Công ty lên kế hoạch doanh thu niên độ này tăng hơn 25% so với niên độ 2021-2022, tương đương hơn 1,110 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 60%, đạt 75 tỷ đồng.
Mới đây, SLS thông báo 10/10 là ngày cuối cùng lập danh sách cổ đông trả cổ tức niên độ 2021-2022 bằng tiền mặt tỷ lệ 100% (cổ đông sở hữu 1 cp sẽ được nhận 10,000 đồng). Với gần 10 triệu cp đang lưu hành, ước tính SLS cần chi gần 98 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này, ngày thanh toán dự kiến là 25/10.
Tỷ lệ cổ tức của SLS gia tăng trong những năm trở lại đây. Năm 2021, tỷ lệ cổ tức là 80%. Ba năm liền trước đó, tỷ lệ cổ tức lần lượt là 70%, 50% và 30%.
Đối với phương án sử dụng lợi nhuận chưa phân phối, SLS cho biết lợi nhuận chưa phân phối sau khi chia cổ tức lần này còn khoảng 500 tỷ đồng nhưng phần lớn nguồn vốn này nằm trong máy móc, thiết bị… không phải là tiền mặt. Nếu chia thêm cổ tức bằng tiền hoặc cổ phiếu thưởng sẽ ảnh hưởng không tốt đến tình hình tài chính của Công ty (mất cân đối giữa tài sản ngắn hạn và nguồn vốn ngắn hạn, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm...).
Dự báo sản lượng mía niên độ 2021-2022 sẽ sát thực tế hơn
Niên vụ 2021-2022, diện tích mía của SLS tăng 1,513 ha so với niên vụ trước nhưng sản lượng đường chỉ đạt 91.7% kế hoạch. Lý giải nguyên nhân, SLS cho biết diện tích mía tăng nên đã nâng lượng kế hoạch tăng lên so với các vụ trước. Do đó, sản lượng mía niên vụ vừa qua được kỳ vọng cao hơn thực tế. Trong niên vụ tới, Công ty sẽ đưa dự báo sản lượng mía về sát thực tế hơn.
Ngoài ra, nguyên nhân chính khiến sản lượng mía giảm là do năng suất giảm (thời tiết ít mưa, khô hạn kéo dài) và nguyên nhân nữa là do thất thoát mía vào các lò thủ công. Ban điều hành Công ty đã thực hiện các biện pháp tối ưu để kiểm soát chặt chẽ vấn đề thất thoát mía nguyên liệu.
Đối với việc giá thành vụ 2021-2022 tăng so với vụ 2020-2021, SLS chỉ ra 4 nguyên nhân chính ảnh hưởng bao gồm:
Thứ nhất, tăng giá thu mua mía so với vụ trước.
Thứ hai, giá phân bón, chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển mía đều tăng so với vụ trước.
Thứ ba, chi phí hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu tăng. Cụ thể, trong 5 năm qua, vùng nguyên liệu của SLS gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh của các cây trồng khác, diện tích vùng nguyên liệu hiện đạt 9,500 ha. Vì vậy, Công ty phải dịch chuyển vùng nguyên liệu xa hơn, chi phí vận chuyển nhiều hơn, do đó phải tăng hỗ trợ cho bà con để phát triển vùng nguyên liệu.
Cuối cùng, sản lượng đường ít hơn vụ trước dẫn đến định phí phân bổ/một đơn vị sản phẩm cao hơn, làm giá thành cao hơn vụ 2020-2021.
Thế Mạnh
FILI
|