Nguyên nhân EVN muốn tăng giá điện
Do biến động khó kiểm soát về giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chi phí mua điện, EVN đề nghị cho phép điều chỉnh giá điện kịp thời.
Bộ Công Thương cũng đang lấy ý kiến dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Ảnh: Lê Hiếu.
|
Tại hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát biểu bền vững của quốc gia" do Ủy ban đối ngoại của Quốc hội vừa tổ chức, ông Ngô Sơn Hải - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - kiến nghị nhiều giải pháp để đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Theo đó, ông Hải đề nghị cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện kịp thời theo đúng quy định của Quyết định 24/2017 của Thủ tướng trên cơ sở các thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện tác động trực tiếp đến chi phí mua điện mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát, bao gồm giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát và chi phí mua điện trên thị trường.
Giá phát điện tăng quá cao
Ngay trong năm nay, EVN đang gặp khó khăn rất lớn vì mức tăng đột biến giá nhiên liệu thế giới kể từ đầu năm. Trong 8 tháng đầu năm, giá thành khâu phát điện (chiếm tỷ trọng 82,5% trong cơ cấu giá) tăng quá cao do giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào leo thang.
"Dù đơn vị đã và đang nỗ lực tiết kiệm chi phí, huy động tối ưu các nguồn điện... nhưng khó có thể thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao so với kế hoạch đầu năm", ông Hải nói.
Hiện, giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) duy trì từ tháng 3/2019 đến nay. Theo tính toán của EVN hồi tháng 6, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 tăng lên mức 1.915,59 đồng/kWh (không gồm khoản chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua bán điện còn lại 2019-2021 của các đơn vị phát điện). Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng.
Ông Đào Nhật Đình, chuyên gia năng lượng, cũng cho rằng giải pháp tốt nhất và dài hạn là điều chỉnh tăng giá điện bán lẻ. Tuy nhiên, việc này ngoài thẩm quyền của EVN và Bộ Công Thương.
"Tăng giá 5-10% sẽ đủ bù đắp chi phí hiện tại và khuyến khích cho nguồn điện tương lai", ông nhận định.
Theo vị chuyên gia, với giải pháp nguồn điện, nếu EVN chọn khuyến khích tăng các nguồn có giá thành thấp như thủy điện hiện nay cũng không dễ dàng bởi các nguồn thủy điện Việt Nam gần như đã hết. "EVN cần giảm các nguồn điện có giá thành cao nhưng trong điều kiện thiếu nguồn phát vào giờ cao điểm và thừa nguồn giờ thấp điểm thì EVN cũng ít có lựa chọn", ông đánh giá.
Hiện Bộ Công Thương cũng đang lấy ý kiến dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, Bộ này đề xuất EVN sẽ được điều chỉnh tăng giá điện khi các chi phí đầu vào biến động, làm giá bán lẻ bình quân tăng 1% trở lên so với hiện hành thay vì từ 3% theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng.
EVN muốn đầu tư thêm dự án nguồn điện
Bên cạnh đó, lãnh đạo EVN cũng làm rõ nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác vận hành hệ thống điện, do việc phát triển không đồng đều giữa nguồn điện năng lượng tái tạo và lưới điện truyền tải; việc thu xếp đủ vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư trong bối cảnh nhu cầu đầu tư vào ngành điện cần trung bình 13 tỷ USD/năm cho giai đoạn 2021-2030.
Đồng thời, công tác đầu tư xây dựng các dự án điện nói chung trong thời gian qua gặp khó khăn về thủ tục đầu tư và đặc biệt là công tác bồi thường, đền bù, giải phóng mặt bằng, chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng...
Giai đoạn 2023-2030, hệ thống điện khu vực miền Bắc có thể gặp nhiều thách thức vào một số giờ cao điểm. Ảnh: EVN.
|
"Ngoài ra, theo tính toán của EVN, giai đoạn 2023-2030, hệ thống điện khu vực miền Bắc có thể gặp nhiều thách thức vào một số giờ cao điểm khi thời tiết nắng nóng cực đoan. Do đó, cần các giải pháp cấp bách để bổ sung nguồn cung trong các năm tới", ông Hải nói.
Tập đoàn này đề xuất có cơ chế để tư nhân đầu tư các hệ thống pin tích trữ năng lượng với quy mô công suất phù hợp (khoảng 20-25% công suất) tại các nhà máy điện gió, mặt trời để duy trì vận hành công suất ổn định cho các nhà máy này, hạn chế quá tải cục bộ lưới điện.
Về nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện, EVN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo và tạo điều kiện để các đơn vị khai thác than trong nước phát triển thêm các mỏ than mới, để tăng thêm khối lượng than sản xuất trong nước cung cấp cho phát điện, đồng thời duy trì và giữ ổn định giá than bán cho sản xuất điện.
"Đối với các nguồn năng lượng tái tạo, tiếp tục có cơ chế phát triển với tỷ lệ, quy mô công suất phù hợp với tiềm năng tự nhiên, khả năng đáp ứng của hạ tầng lưới điện theo từng khu vực và giá thành điện năng hợp lý. Bên cạnh đó, tăng cường nhập khẩu điện từ các nước láng giềng để đa dạng hóa nguồn năng lượng nhập khẩu", lãnh đạo EVN đề xuất.
Tập đoàn này cũng kiến nghị Chính phủ giao các tập đoàn kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo về năng lượng, trong đó giao EVN đầu tư các dự án nguồn điện trọng điểm quốc gia, nguồn điện đa mục tiêu, lưới điện truyền tải đường trục, xương sống, cấp điện cho phụ tải, an sinh xã hội...
Thanh Thương
Zing.vn
|