Giá trị M&A tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 đã bằng cả năm 2021
Bất chấp những khó khăn về địa chính trị và tài chính, hoạt động M&A đã phục hồi tích cực trên phạm vi toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2022, theo phân tích của EY.
Thị trường toàn cầu ghi nhận 2,274 thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), với tổng giá trị 2.02 ngàn tỷ USD, giảm 18% về thương vụ và 27% về giá trị và so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với giai đoạn trước, hoạt động này vẫn đang đi lên với mức tăng 13% về thương vụ và 35% về giá trị.
Chuyển dịch trong xu hướng M&A
Theo phân tích của EY, bản chất các thương vụ M&A xuyên biên giới đang thay đổi nhằm phản ánh mức độ căng thẳng địa chính trị trên toàn thế giới. Trong khi số lượng giao dịch M&A xuyên biên giới sụt giảm xuống 24% trong nửa đầu năm 2022 so với 30% giai đoạn 2015-2019, số thương vụ xuyên biên giới giữa các quốc gia liên thuộc lại chứng kiến mức tăng trưởng đáng kể lên 51% năm 2022 so với tỷ lệ trung bình 42% trong giai đoạn 2015-2019.
Phân tích của EY cũng cho thấy, vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm từ con số kỷ lục 27 tỷ USD trong nửa đầu năm 2016 xuống chỉ còn 1.9 tỷ USD, trong khi đầu tư của Bắc Mỹ vào châu Âu lại tăng từ 60 tỷ USD lên 149 tỷ USD trong cùng giai đoạn.
Ông Andrea Guerzoni, Phó Chủ tịch EY Toàn cầu – Lãnh đạo bộ phận Chiến lược và Giao dịch Tài chính, nói: “Nếu loại bỏ các thương vụ M&A theo kiểu mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) diễn ra tương đối sôi động trong nửa đầu năm 2021, hoạt động M&A luôn phải trải qua giai đoạn điều chỉnh trước diễn biến thị trường. Không giống như khi COVID-19 bùng phát, chúng tôi nhận thấy, thời điểm này đa phần các doanh nghiệp vẫn có tâm thế lạc quan, tiếp tục tìm kiếm cơ hội tăng trưởng thông qua các thương vụ M&A.
Trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu thực hiện các giao dịch M&A xuyên quốc gia vẫn rất lớn, nhưng các CEO ngày càng thận trọng hơn khi lựa chọn đối tác cho các thương vụ. Họ ưu tiên mở rộng hoạt động sản xuất và theo đuổi các giao dịch tài chính trong biên phí thấp hơn, thay vì thực hiện chiến lược mở rộng toàn cầu một cách thuần túy”.
Giá trị M&A tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 đã bằng cả năm 2021
Trong khi đó, ông Trần Vinh Dự, Lãnh đạo bộ phận Chiến lược và Giao dịch Tài chính, EY Đông Dương cho biết: “Tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy hoạt động đầu tư từ quỹ đầu tư tư nhân (PE) và quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm, bất chấp những bất ổn trên thị trường vốn và thị trường nợ. Theo nghiên cứu của EY, tổng giá trị thương vụ giao dịch nửa đầu năm 2022 gần bằng cả năm 2021 (4.97 tỷ USD).
Tuy nhiên, hoạt động M&A có thể sẽ giảm nhiệt trong 6 tháng cuối năm 2022 do các nhà đầu tư thận trọng hơn trước các xu hướng vĩ mô, có tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Dù có nhiều lợi thế, Việt Nam khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực khi vốn đầu tư từ các nước phát triển vào các thị trường mới nổi suy giảm, căng thẳng địa chính trị và lạm phát cao. Đây là những yếu tố làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam”.
Ấn Độ và lĩnh vực công nghệ chiếm ưu thế
Ấn Độ đã khởi đầu năm 2022 vô cùng sôi động, và chỉ xếp sau Mỹ (900 tỷ USD) và Trung Quốc (175 tỷ USD), hai quốc gia thường dẫn đầu các thị trường M&A sôi động nhất.
Tổng giá trị các thương vụ M&A từ Ấn Độ ra nước ngoài, từ nước ngoài vào Ấn Độ, và các thương vụ M&A trong nước lên đến 128 tỷ USD, ghi nhận mức tăng mạnh 215% so với mức trung bình trong giai đoạn 2015-2019.
Tính theo ngành, một lần nữa lĩnh vực Công nghệ đã dẫn dắt hoạt động M&A toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2022. Hoạt động M&A trong lĩnh vực Công nghệ dù giảm 20% so với mức kỷ lục năm 2021 (789 tỷ USD), nhưng vẫn chiếm gần một phần ba (31%) tổng giá trị M&A trên toàn cầu. Các thương vụ tập trung vào các công ty công nghệ hiện đang ở mức gấp đôi so với các giai đoạn trước (tăng 95% so với mức trung bình 322 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2019).
Tại Việt Nam, hoạt động M&A trong lĩnh vực Công nghệ chưa được như kỳ vọng dù đây vẫn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Ông Dự cho biết: “Chỉ có 4 thương vụ M&A liên quan đến công nghệ trong nửa đầu năm, so với bảy thương vụ của cùng kỳ năm 2021, theo Mergermarket. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận một thương vụ khá lớn: OnPoint, đơn vị cung cấp các giải pháp thương mại điện tử tại Việt Nam, công bố gọi vốn thành công 50 triệu USD từ một quỹ đầu tư thành viên của Temasek Holdings.
Trong những năm gần đây, những lĩnh vực công nghệ thu hút được lượng vốn đầu tư lớn tại Việt Nam gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ giáo dục (Ed-tech), Logistics và tự động hóa kinh doanh”.
Cẩn trọng trước các cú sốc
Bất chấp sự bất ổn lan rộng, nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn dễ đổ gãy, và sự gia tăng của các quy định pháp lý, hoạt động M&A vẫn đang tiếp tục diễn ra và được thúc đẩy bởi dòng chảy của nguồn vốn tư nhân. Dù các điều kiện trên thị trường vốn bị thắt chặt trong 6 tháng đầu năm 2022, các quỹ đầu tư tư nhân (PE) vẫn nắm trong tay lượng tiền mặt lớn cần được giải ngân trong nửa cuối năm nay.
Ông Guerzoni kết luận: “Tôi kỳ vọng nguồn vốn tư nhân sẽ là động lực chính cho các giao dịch cả về vốn và nợ trong những tháng sắp tới. Bởi nguồn vốn tư nhân đang dồi dào trong khi lãi suất ngân hàng ở mức cao, hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục khẳng định vai trò cơ bản hơn của thị trường vốn tư nhân đối với nền kinh tế toàn cầu. Một trong những rào cản đối với dòng chảy các thương vụ này sẽ xuất hiện nếu các điều kiện thị trường trở nên xấu đi, đến mức các khoản tài trợ nợ dần cạn kiệt hoặc trở nên cực kỳ đắt đỏ”.
“Hoạt động M&A trên toàn cầu đã chứng tỏ khả năng lấy lại đà tăng trưởng đáng kể, dù phải đối mặt với những khó khăn về địa chính trị. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này có thể chịu đựng được các cú sốc tiếp theo hay không vẫn còn là một câu hỏi. Các cú sốc đó có thể là những đợt phong tỏa diện rộng, căng thẳng địa chính trị leo thang, hay một cuộc suy thoái kinh tế”, ông Guerzoni nói thêm.
Vũ Hạo
FILI
|