Giá dầu quay đầu tăng, ngư dân lại gặp khó
Cảng cá Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) mấy hôm nay cấp nập tàu thuyền cập bến. Sau đợt giảm giá xăng dầu, mới đây tàu thuyền bắt đầu vươn khơi trở lại, tuy nhiên, khó khăn lại tiếp tục vây bủa khi dầu lại quay đầu tăng giá, kéo theo những chi phí khác tăng trong khi giá hải sản thì bị đầu nậu ép rẻ bèo.
Chưa kịp vui
“Thấp thỏm đợi mãi giá dầu mới giảm được chút xíu, giờ lại quay đầu tăng. Phí nhiên liệu, chi phí khác cứ đội lên, còn giá hải sản thì bị ép”, anh Huỳnh Ngọc Vũ (37 tuổi, trú thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam), chủ tàu cá QNa 91944 TS nói.
Nhiều tàu cá lại đứng trước nguy cơ nằm bờ vì giá dầu tăng cao. Ảnh: Hoài Văn
|
Anh Vũ cùng 16 thuyền viên vừa có chuyến vươn khơi 40 ngày. Thường thì tàu anh ra khơi đánh bắt từ 25-30 ngày nhưng chuyến này lâu hơn vì phải chờ đủ sản lượng, đủ vốn mới dám quay vào bờ. Con tàu 829 mã lực, mỗi chuyến vươn khơi ngốn hết hơn 12 nghìn lít dầu. “Riêng tiền dầu hết 450 triệu đồng rồi, chi phí khác, ăn uống bạn tàu ròng rã gần một tháng rưỡi nhưng tính ra mỗi người được vài triệu. Đấy là còn may mắn không lỗ, chứ đầu năm đến giờ lỗ bầm dập”, anh nói.
Sở hữu 4 tàu cá, nhưng 2 chiếc anh Vũ phải cho nằm bờ vì “bù lỗ không nổi nữa”. Bạn tàu thu nhập không đủ sống nên nhảy đi làm việc khác, để tàu nằm bờ. Sốt ruột nhưng hết cách. 22 năm bám biển, chưa năm nào ngư dân ở đây lại đứng trước khó khăn chất chồng như bây giờ. Thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang vốn nổi tiếng với đội tàu hùng hậu bậc nhất tỉnh, nhưng đến giờ nhiều người không dám vươn khơi vì càng đi càng…lỗ.
Chuyến biển này ngư dân Nguyễn Thanh Thành (40 tuổi, ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) may mắn hơn khi vừa ra khơi 10 ngày đã đánh bắt được 20 tấn cá, tàu anh quay về bờ. Đây là chuyến biển may nhất trong 8 chuyến vươn khơi năm nay trên con tàu QNa 91636 của anh. “Chuyến biển này đạt sản lượng nhưng giá cá rẻ quá nên cũng lời không nhiều. Trừ tiền mua dầu, chi phí khác cũng lời được vài chục triệu, đắp đổi khoản lỗ mấy chuyến trước”, anh Thành chia sẻ.
Bình thường mỗi chuyến vươn khơi tàu của anh dùng hết 6-7 tấn dầu. Cộng chi phí khác, thì mỗi chuyến làm sao đảm bảo 500 - 600 triệu đồng thì mới có cái chia cho bạn tàu.
Anh nói, ngư dân giờ đi biển cứ như chơi canh bạc, may lắm thì được ăn không thì lỗ miết. Tàu lớn thì hao dầu, đi không trúng cá thì lỗ càng nhiều. Nhưng để tàu nằm bờ thì sốt ruột và dễ hư hỏng, thành ra cứ bấm bụng mà đi, lãi mẹ đẻ lãi con.
“Ngư dân giờ lúc nào cũng phập phồng nỗi lo. Lo giá dầu tăng, lo biển cạn, lo ép giá…trăm cái khổ. Nghề đi biển trăm năm của ông cha để lại không lẽ bỏ giữa chừng, nhưng tình hình thế này cũng không ai dám chắc có bám tiếp được không”, anh Thành nói.
Khó bù lỗ
Mấy ngày nay, ông Nguyễn Văn Chính (56 tuổi), chủ tàu QNa 09762 TS, thấp thỏm ra cảng cá Tam Quang dù tàu cá của ông ít hôm nữa mới cập bờ. Sức khỏe yếu nên ông Chính thuê thuyền trưởng, thuê người làm để con tàu 250 CV vươn khơi. Qua điện đàm thuyền viên báo về chuyến biển 18 ngày lần này tàu của ông đánh bắt được gần 20 tấn cá, xem ra không lỗ. Hai hôm nữa tàu sẽ cập bến, nhưng ngồi nhà sốt ruột ông Chính lại chạy xe ra cảng xem cảnh tàu thuyền cập bờ. “Lâu lắm lại mới được thấy cảnh tàu thuyền cập bờ đông vậy chứ mấy tháng trước nằm cả dãy vì giá dầu cao quá”, ông nói.
Mấy tháng trước giá xăng dầu liên tục tăng, tính toán thế nào cũng lỗ nên ông đành cho tàu nằm bờ. Phấp phỏng đợi mãi giá dầu giảm được chút, ông chạy tìm thuyền trưởng, tìm bạn tàu khẩn trương ra khơi. Tàu nhỏ nhưng mỗi chuyến biển cũng hết khoảng 120 triệu tiền dầu, còn lại đủ chi phí khác, nên mỗi đợt tăng giá thì ông lại lo đến mất ăn mất ngủ. Đầu năm đến giờ ráng ra khơi được 4 chuyến mà chuyến nào cũng lỗ.
“Ngư trường thì cạn, giá hải sản thì bị ép rẻ bèo mà giá dầu cứ theo đợt tăng miết. Tàu chạy bằng dầu, giá dầu cao thế khó khăn quá”, ông nói.
Tỉnh Quảng Nam có hơn 2.700 tàu thuyền, trong đó có 683 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên. Ngư dân bám biển vừa góp phần phát triển kinh tế vừa góp phần đảm bảo chủ quyền. Theo ông Nguyễn Đình Toàn - Chi Cục phó Chi cục thuỷ sản Quảng Nam, ngành chức năng rất đau đáu trước câu chuyện bám biển khó khăn của ngư dân hiện nay, tuy nhiên vẫn chưa tìm được giải pháp nào căn cơ giúp ngư dân thực sự yên tâm bám biển khi giá xăng dầu liên tục biến động.
Ngành chức năng cũng tham mưu đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất trợ giá nhiên liệu cho ngư dân, tuy nhiên việc này gặp khó do ngư dân đã hưởng trợ giá theo Quyết định 48 của Chính phủ nên nếu trợ giá sẽ bị trùng lắp.
Ngư dân Bình Định vượt khó bám biển
Tỉnh Bình Định có gần 6.000 tàu cá, trong đó hơn 3.000 tàu lớn có chiều dài trên 15m, phủ sóng khắp các ngư trường và quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa… Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng cao trong khi đó mức giảm thì nhỏ giọt khiến ngư dân tỉnh này chật vật bám biển.
Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, hiện tại việc tàu thuyền của ngư dân Bình Định đánh bắt thủy sản đặc biệt là khai thác xa bờ có giảm, tuy nhiên mức giảm cũng không đáng kể, lý do là tàu của ngư dân Bình Định được hỗ trợ giá dầu. Việc tàu cá ngư dân nằm bờ cũng bao gồm nhiều nguyên nhân: giá xăng dầu tăng, không có lao động, tàu hư hỏng…
Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho hay, toàn tỉnh có 5.987 tàu cá đăng ký hoạt động, trong tháng 8 có khoảng 4.700 (chiếm 78,5%) tàu cá tham gia hoạt động khai thác, trong đó đánh bắt xa khơi có 2.442 tàu. So với cùng kỳ năm 2021 giảm 120 tàu, nguyên nhân là giá nhiên liệu duy trì ở mức cao nên không tham gia đánh bắt.
Trương Định
|
Hoài Văn
Tiền phong
|