GEG dự tính chào bán 64 triệu cp ưu đãi cho cổ đông
Trong văn bản lấy ý kiến cổ đông, HĐQT CTCP Điện Gia Lai (HOSE: GEG) đã trình bày về phương án chào bán cổ phần ưu đãi để huy động vốn phục vụ các hoạt động của Công ty.
Cụ thể, GEG dự tính chào bán riêng lẻ tối đa 64.2 triệu cp ưu đãi cổ tức và có quyền chuyển đổi, dành cho đối tượng là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (tối đa 10 nhà đầu tư). Giá chào bán tối thiểu là 10,000 đồng/cp, và bị hạn chế chuyển nhượng ít nhất là 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Việc lựa chọn nhà đầu tư dựa trên các tiêu chí: Là tổ chức, tập đoàn kinh tế hoặc quỹ đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp phát theo quy định; có năng lực tài chính mạnh và quy mô lớn; có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động của Công ty, và khả năng hỗ trợ phát triển cho Công ty.
Dự tính nếu hoàn tất chào bán, GEG sẽ nâng vốn điều lệ lên hơn 3.8 ngàn tỷ đồng (tương ứng 386 triệu cp). Công ty ước tính sẽ thu về 642 tỷ đồng, được sử dụng ưu tiên đầu tư góp vốn vào các công ty con hoặc công ty liên kết, và bổ sung nguồn vốn lưu động cho Công ty. Thời gian dự kiến chào bán trong quý 4/2022 hoặc quý 1/2023, sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Cổ phần ưu đãi cổ tức có thời hạn tối đa 6 năm, mức cổ tức được tính với công thức bằng 6% nhân với tỷ lệ điều chỉnh (tỷ lệ được quyết định bởi ĐHĐCĐ trước khi cổ tức ưu đãi được chi trả). Nhà đầu tư nắm giữ cổ phần ưu đãi được phép chuyển đổi thành cổ phần phổ thông tại bất kỳ thời điểm nào sau khi tròn 24 tháng cho đến trước thời điểm tròn 72 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Giá chuyển đổi sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách của cổ phiếu GEG tại thời điểm chào bán cổ phần ưu đãi.
Trước đó, vào ngày 05/08, GEG thông qua quyết định triển khai phương án chào bán hơn 30.3 triệu cp cho cổ đông hiện hữu để góp vốn vào CTCP Năng lượng Điện Gió Tiền Giang, nhằm triển khai đầu tư dự án Nhà máy điện Tân Phú Đông 1, với thời gian góp vốn dự kiến trong quý 4/2022. Giá chào bán khi đó là 14,000 đồng/cp, và khối lượng vốn cần huy động là 425 tỷ đồng.
Cổ đông đăng ký mua cổ phiếu theo tỷ lệ thực hiện quyền mua là 1,000:94 (cổ đông sở hữu 1 cp được hưởng 1 quyền mua và cứ 1,000 quyền mua sẽ được mua 94 cp mới). Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022, sau khi được UBCKNN chấp thuận, qua đó giúp vốn điều lệ của GEG tăng từ 3,219 tỷ đồng lên 3,523 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 8, GEG gây chú ý sau khi nhà sản xuất điện lớn nhất Nhật Bản là Jera Co "rút ví" mua lại 35.09% cổ phần Công ty. Với thương vụ này, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ hỗ trợ công nghệ và chuyên môn hóa, và GEG dự tính chi 1 tỷ USD nhằm tăng cường công suất điện tái tạo lên 2,000 MW. Trong đó, sản lượng điện gió được kỳ vọng chiếm 2/3 tỷ trọng điện tái tạo vào năm 2025, so với 25% ở hiện tại.
Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC (Thành Thành Công) cho biết Tập đoàn đang mở rộng danh mục các dự án điện gió, nhắm đến việc phát triển các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu từ trấu, ngô hoặc các chất thải rắn để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Tập đoàn đang quan tâm đến việc hợp tác cùng Jera Co về tiềm năng nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng - ngành then chốt của doanh nghiệp Nhật Bản.
Động thái đẩy mạnh các dự án điện tái tạo đến từ mục tiêu đạt mức “phát thải carbon ròng bằng 0” vào năm 2050 của Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam đã tiến hành xem xét kế hoạch kêu gọi không phát triển các nhà máy điện than sau năm 2030, để tập trung vào các nguồn năng lượng sạch hơn.
Kết phiên 26/09, cổ phiếu GEG đang được giao dịch ở mức 18,500 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu GEG từ đầu năm 2022 |
|
Hồng Đức
FILI
|