Thứ Năm, 08/09/2022 09:00

Doanh nghiệp xây dựng kinh doanh trong quý 2 ra sao trước bão giá nguyên vật liệu?

Bước sang năm 2022, ngành xây dựng được dự báo sẽ phục hồi nhanh chóng khi tác động của đại dịch COVID-19 dần phai đi. Mặc dù vậy, ngành vẫn phải chịu áp lực chi phí nguyên vật liệu tăng, tuy nhiên kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp xây dựng vẫn có sự tăng trưởng.

Lợi nhuận tăng đột biến

Theo dữ liệu từ VietstockFinance, tổng lãi ròng của 123 doanh nghiệp xây dựng trên sàn chứng khoán (bao gồm sàn HOSE, HNX và UPCoM) trong quý 2/2022 đạt gần 3.7 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 93% so với cùng kỳ; trong khi doanh thu thuần giảm hơn 4%, đạt 44.8 ngàn tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh 123 doanh nghiệp xây dựng trong quý 2 các năm gần đây
Nguồn: VietstockFinance
Top 10 doanh nghiệp xây dựng tăng trưởng lãi ròng mạnh nhất quý 2/2022. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

CTCP Tập đoàn COTANA (HNX: CSC) dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận trong quý 2/2022 khi lãi gần 98 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ ghi nhận 1.2 tỷ đồng, tương đương mức tăng 7,866%.

Doanh thu tăng là động lực phát triển của CSC. Cụ thể, doanh thu thuần quý 2 đạt 562 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 226 tỷ đồng, lần lượt gấp 10 lần và 21 lần cùng kỳ. Đáng chú ý là biên lãi gộp đạt hơn 40%, tăng mạnh so với gần 19% cùng kỳ.

Xét về giá trị tuyệt đối thì Tổng Công ty Sông Đà (UPCoM: SJG) đạt mức cao nhất với 960 tỷ đồng, cùng kỳ đạt khoảng 21 tỷ đồng. Nhờ đó, SJG đạt tăng trưởng lợi nhuận cao thứ 2 với 4,478%.

Khác với CSC, phần lớn kết quả tăng vọt của SJG đến từ hoạt động tài chính khi Công ty có khoản thu tăng đột biến lên 3,128 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ có 76 tỷ đồng) đây cũng là con số thu tài chính cao nhất từ trước đến nay.

Nếu loại trừ đi phần lãi đột biến của SJG (chiếm hơn 1/4 lãi tổng ngành) thì lợi nhuận quý 2 của ngành tăng khoảng hơn 40% so cùng kỳ năm trước.

Được biết vào tháng 4/2022, SJG bán thành công gần 42 triệu cp SJS (Sudico), thu ròng về hơn 4,200 tỷ đồng. So với giá trị 856 tỷ đồng ghi nhận hồi cuối quý 1/2022, ước tính SJG đã lãi hơn 3,400 tỷ đồng từ thương vụ này. Trước đó, SJG từng lên kế hoạch thoái vốn Sudico với giá 80,000 đồng/cp vào giữa năm 2021 nhưng bất thành.

 
 
 
 
 
 
 
 
Top 10 doanh nghiệp xây dựng có lãi ròng cao nhất quý 2/2022. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Biên lãi gộp tăng nhờ đâu?

Dù doanh thu giảm so với cùng kỳ nhưng lãi gộp ngành xây dựng trong quý 2 lại tăng gần 14%, đạt 6,861 tỷ đồng. Theo thống kê từ 123 doanh nghiệp xây dựng, biên lãi gộp bình quân toàn ngành đạt 16%, tăng nhẹ từ 15% trong cùng kỳ.

Điều đáng ngạc nhiên là biên lợi nhuận của ngành lại tăng trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng trong quý 2/2022 nhìn chung đều tăng so với cùng kỳ.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng quý 2/2022 tăng 4.14% so với quý 1 và tăng 10.4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá xuất khẩu sắt, thép tăng hơn 21%; giá nhập khẩu sắt, thép tăng 38% cùng kỳ năm trước do kinh tế thế giới đang giai đoạn phục hồi, nhu cầu sản xuất, xây dựng tăng cao.

Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho thấy giá thép xuất khẩu lẫn nhập khẩu nửa đầu năm nay đều cao hơn cùng kỳ. 

 

Nguồn: VSA

CTCP Đầu Tư Icapital (HOSE: PTC) là doanh nghiệp có biên lãi gộp tăng đột biến nhất với mức tăng 61%. Tuy nhiên, kết quả đột biến của PTC chủ yếu nhờ hoạt động bán điện thương phẩm, còn lại Công ty không có bất kỳ doanh thu nào từ hợp đồng xây dựng.

Top 20 doanh nghiệp xây dựng có biên lãi gộp cải thiện đáng kể nhất trong quý 2/2022
Nguồn: VietstockFinance

Một doanh nghiệp đáng chú ý khác cũng có biên lãi gộp tăng cao là CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) từ 36% lên 48% dù doanh thu giảm hơn 5%. CII cho biết đã bàn giao 1 số dự án có tỷ suất lợi nhuận cao trong kỳ, cùng với đó là giá vốn giảm đáng kể. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng mảng xây dựng, duy tu công trình, CII lại lỗ gộp gần 18 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 6 tỷ đồng.

2 ông lớn đầu ngành gặp khó

Nhắc đến ngành xây dựng Việt Nam, không thể không nhắc đến 2 doanh nghiệp đầu ngành là CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) và CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD). Thế nhưng trong khi các con số chung toàn ngành tăng đáng kể thì hai doanh nghiệp đầu ngành này lại có kết quả không mấy khả quan.

CTD lỗ gần 24 tỷ đồng trong quý 2/2022 dù doanh thu thuần tăng gần 29% so với cùng kỳ, lên gần 3,278 tỷ đồng. Biên lãi gộp tăng từ 5% lên 7%.

Vấn đề của CTD đến từ chi phí quản lý tăng vọt lên gần 361 tỷ đồng (gấp 3 lần cùng kỳ), do Công ty trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 242 tỷ đồng cho dự án D’Capitale trong quý 2, lũy kế trích lập đã đủ dư nợ 484 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

Tương tự, doanh thu của HBC tăng 28%, đạt gần 4,080 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá tăng đến 32% khiến lợi nhuận gộp giảm 31%. Dù doanh thu tài chính của HBC gấp gần 3 lần cùng kỳ nhờ bán các khoản đầu tư nhưng lại nhanh chóng bị bào mòn bởi chi phí tài chính và chi phí quản lý khi tăng lần lượt 78% và 30%. Kết quả, lãi ròng HBC giảm 24%, còn 50 tỷ đồng.

Dù kết quả quý 2 khá kém khả quan nhưng HBC vẫn có nhiều cơ hội để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022. Theo báo cáo phân tích từ CTCK Mirae Asset, tổng giá trị trúng thầu đã ký (backlog) lũy kế 7 tháng đầu năm 2022 của HBC đạt khoảng 15,000 tỷ đồng, tương đương 75% kế hoạch năm 2022.

Tại Báo cáo ngành xây dựng, Mirae Asset đánh giá biên lợi nhuận của ngành xây dựng đang chịu nhiều áp lực khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và lượng cung bất động sản trên thị trường nhà ở suy giảm, cũng như tác động lan tỏa từ đầu tư công chưa đạt kỳ vọng.Dù vậy trong dài hạn, Mirae Asset vẫn kỳ vọng tích cực vào sự tăng trưởng của ngành khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư tại Việt Nam vẫn rất lớn. Khi tiến độ đầu tư công đạt kế hoạch và các nút thắt của thị trường bất động sản được tháo gỡ, dư địa tăng trưởng của các công ty trong ngành sẽ được rộng mở.

Tại Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022 của ngành Xây dựng, đại diện Bộ Xây dựng cho biết trong nửa đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng tăng 3.65% so với cùng kỳ 2021; tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3.94%; tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 41%, tăng 0.6%. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 25.2 m2 sàn/người, tăng 0.2 m2 sàn/người.

Đối với 6 tháng cuối năm 2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại hội nghị đã nhấn mạnh việc cần hoàn thiện sớm các chính sách pháp lý như xây dựng Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); hoàn thiện Nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; xây dựng mới 4 Luật về quy hoạch đô thị và nông thôn, quản lý và phát triển đô thị, cấp, thoát nước, quản lý không gian ngầm để báo cáo Chính phủ trước 30/09/2022.

Hà Lễ

FILI

Các tin tức khác

>   ITA: Xin gia hạn thời gian nộp BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2022 (08/09/2022)

>   TDM: Nghị quyết HĐQT về việc tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 (08/09/2022)

>   HTI: BCTC Quý 03.2019 (17/10/2019)

>   HT1: BCTC Quý 03.2020 (21/10/2020)

>   HT1: BCTC Quý 04.2020 (20/01/2021)

>   HSL: BCTC Quý 02.2021 (16/08/2021)

>   HSG: BCTC Quý 01.2021 (28/01/2021)

>   HQC: BCTC Quý 04.2018 (25/01/2019)

>   HQC: BCTC Quý 01.2019 (02/05/2019)

>   HQC: BCTC Quý 02.2019 (25/07/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật