Chuyện gì sẽ xảy ra khi giới nhà giàu bớt vung tiền mua sắm
Một số báo cáo ghi nhận tầng lớp lắm tiền ở Mỹ, Hàn Quốc đã "chùn tay" trong việc tiêu pha giữa bối cảnh lạm phát và điều này dễ gây tác động xấu sang nhóm thu nhập thấp.
Theo cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan vào tháng 8, việc tầng lớp trung lưu ở Mỹ, những người vốn dư dả tiền bạc, cũng đắn đo, bớt "vung tiền" hơn trong bối cảnh lạm phát làm dấy lên nhiều lo ngại, CNN đưa tin.
“Những người tiêu dùng có thu nhập cao, những người tạo ra tỷ trọng chi tiêu không cân xứng, đã ghi nhận sự sụt giảm lớn về tài chính cá nhân ở thời điểm hiện tại cũng như điều kiện mua sắm", báo cáo viết.
Nhà giàu giảm chi tiêu
Lý giải cho tác động từ việc chi tiêu của tầng lớp giàu có lên tình hình kinh tế chung, các nhà kinh tế cho biết chi tiêu của 20% người có thu nhập cao nhất chiếm gần 40% tổng chi tiêu của người tiêu dùng ở Mỹ vào năm 2020, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động.
Trong khi đó, chi tiêu của người tiêu dùng là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Sức chi của nhóm có thu nhập cao ở Mỹ giảm, điều được cho là sẽ ảnh hưởng đến kinh tế nói chung và các nhóm còn lại. Ảnh: BI.
|
Marvin Loh, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu cao cấp tại State Street, cho biết: “Trong một nền kinh tế 60% được thúc đẩy bởi dịch vụ, bạn có thể thấy triển vọng chi tiêu của một nhóm nhỏ người có thu nhập sẽ ảnh hưởng lớn như thế nào đến các nhóm rộng hơn ở Mỹ".
Tất yếu, có thể có sự khác biệt giữa lời nói và hành động thực tế. Nhưng trong trường hợp này, một số tác động thực sự đã xuất hiện.
Các nhà phân tích tại Viện Ngân hàng Mỹ chỉ ra rằng tổng chi tiêu bằng thẻ tín dụng cho mỗi hộ gia đình (không bao gồm hàng tạp hóa, gas và quần áo) kiếm được hơn 125.000 USD đã giảm trong 3 tháng liên tiếp, trong khi vẫn khá ổn định đối với nhóm có thu nhập thấp hơn.
Một số dấu hiệu khác cho thấy người giàu đang giảm mức chi tiêu. Đầu tháng này, Giám đốc tài chính của chuỗi siêu thị Walmart John David Raine nói với CNBC rằng người mua đang mua ít lại những mặt hàng thường được mua tùy ý thích và có tỷ suất lợi nhuận cao hơn như quần áo. Lý do là lạm phát đang khiến họ phải tiêu nhiều hơn cho nhu cầu thiết yếu.
Những gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, khá giả ở Mỹ cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của lạm phát. Ảnh: Forbes.
|
Ông cũng lưu ý rằng khoảng 3/4 thị phần thực phẩm trong quý II của Walmart đến từ những khách hàng có thu nhập hộ gia đình hàng năm từ 100.000 USD trở lên.
Những thực khách có thu nhập cao cũng được cho là đang đổi từ các nhà hàng đắt tiền sang các bên có mức giá phải chăng.
Theo Giám đốc điều hành John Peyton, doanh số bán hàng tại hai chuỗi nhà hàng bình dân Applebee's và IHOP, đã tăng khoảng 6% đến 8% trong số các hộ gia đình có thu nhập trên 75.000 USD/năm trong quý II.
Dừng mua đồ hiệu
Tại Hàn Quốc, trong bối cảnh giá cả tăng vọt, giới nhà giàu nước này cũng buộc phải tính toán lại cách chi tiêu cho những món hàng hiệu đắt đỏ, thay vì vung tay mua sắm xa xỉ phẩm như trước.
Suốt 3 năm qua, Kim - một chủ nhà hàng 34 tuổi - đều đặn mua xa xỉ phẩm hàng tháng nhờ việc kinh doanh ăn nên làm ra. Trước đây, anh không để ý nhiều tới giá tiền và tiêu hơn 20 triệu won (15.400 USD) mỗi tháng vào quần áo và phụ kiện đắt tiền, theo Korea Times.
Tuy nhiên, cách tiêu xài của anh đang thay đổi khi tài chính bắt đầu xấu đi. Nhà hàng của anh đang vật lộn trước cơn bão giá vật liệu, nhân công, mặt bằng.
"Mọi thứ đã trở nên quá đắt trong những tuần gần đây, bắt đầu từ giá thực phẩm, nhiên liệu và tiền thuê cửa hàng. Lãi suất các khoản vay kinh doanh đã tăng lên và có thể tiếp tục cao hơn nữa", Kim nói vào thời điểm tháng 6.
Trong bối cảnh giá cả leo thang, nguy cơ lạm phát bủa vây, ngay cả giới giàu có cũng nhận ra đây không phải thời điểm thích hợp để tiêu xài phung phí. Ảnh: Jing Daily.
|
Các khoản đầu tư cá nhân của Kim cũng bị ảnh hưởng khi thị trường chứng khoán lao dốc. Vì vậy, anh cho biết đã phải giảm các khoản chi tiêu không cần thiết. Hàng xa xỉ là thứ đầu tiên bị cắt giảm.
Người phụ nữ họ Park (32 tuổi) cho biết mình ngừng mua xa xỉ phẩm vì nhiều lý do.
Cô cảm thấy các thương hiệu cao cấp thường xuyên viện đủ lý do để tăng giá trong những năm gần đây, lợi dụng việc người tiêu dùng ít chi tiêu cho du lịch trong đại dịch.
"Có vẻ họ chỉ muốn bóc lột khách hàng. Họ phải biết rằng mọi người sẽ không mua chúng nữa", Park nói.
Giống như Park hay Kim, nhiều người tiêu dùng giàu có bắt đầu cảm thấy gánh nặng khi mua hàng hiệu. Theo khảo sát tháng trước của Deloitte, 74% người giàu được hỏi cho biết họ lo lắng về chi phí sinh hoạt tiếp tục tăng. 77% người thuộc tầng lớp trung lưu cũng có cùng quan điểm.
Bên cạnh đó, 54% người giàu cũng dự đoán tình trạng tài chính của họ sẽ không cải thiện trong 3 năm tới. Tỷ lệ này không khác nhiều so với những người có thu nhập bình thường. Nhóm người tiêu dùng này bắt đầu suy nghĩ giống nhau do khó khăn kinh tế ngày một tăng.
"Người giàu thường nhạy cảm hơn với việc mất tiền. Lúc này, họ đang cân nhắc nên đầu tư vào vàng hoặc bất động sản thay vì mua những món đồ hiệu không cần thiết", đại diện một hãng thời trang địa phương tại Hàn Quốc cho biết.
Hiền Thy
ZING
|