Thứ Năm, 29/09/2022 06:45

Chọn nhà thầu thi công 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam: Phải chống lợi ích nhóm

Ít ngày sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình đề xuất chia gói thầu trong 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 làm căn cứ chỉ định nhà thầu, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục yêu cầu bộ này không chia nhỏ gói thầu để xử lý nhanh gọn, đỡ mất thời gian, tăng chi phí.

Còn các chuyên gia lưu ý rằng, việc chia gói thầu làm đường cao tốc không nên tính theo giá trị, nên căn cứ theo tính chất kỹ thuật và ràng buộc rõ các điều kiện với liên danh nhà thầu.

Thi công cầu Mỹ Thuận 2, thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Ảnh: Nhật Huy

Tránh để nhà thầu “bắt tay” rồi tự... chia

Bộ GTVT vừa đề xuất Thủ tướng về việc chia gói thầu tại 12 đoạn cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2) và điều kiện với nhà thầu được chỉ định thi công. Xét báo cáo của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có ý kiến chỉ đạo bộ này không chia nhỏ gói thầu, vì quá nhiều gói thầu sẽ mất thời gian, khó kết nối, gây chậm trễ, tăng kinh phí. Việc chọn nhà thầu xây lắp phải có năng lực, kinh nghiệm, uy tín, công khai, minh bạch, đúng quy định; kiên quyết phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, thông thầu, chuyển nhượng thầu không đúng quy định...

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia giao thông - TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, ở ta lâu nay chia các gói thầu xây dựng chủ yếu theo giá trị, như vậy chưa khoa học. Các nước thường chia gói thầu theo tính chất kỹ thuật, đoạn ngắn nhưng yêu cầu kỹ thuật đặc biệt sẽ chia thành gói thầu riêng, còn đoạn dài nhưng yêu cầu đơn giản có thể gộp thành một gói. “Chỉ tập trung vào giá trị là sai sách, vô tình loại nhà thầu có năng lực chưa trực tiếp làm các dự án lớn. Khi đó, có nhà thầu từng thi công gói lớn nhưng chủ yếu làm công việc đơn giản, phần việc phức tạp sẽ phải thuê nhà thầu khác làm”, ông Đức nói.

Nói về liên danh nhà thầu ở Việt Nam hiện nay, ông Đức cho biết, chủ yếu là liên danh kiểu bắt tay nhau cho đủ điều kiện trúng thầu, sau đó tự chia gói thầu để thi công, mỗi đơn vị làm một đoạn. Về bản chất đó không phải liên danh. Kinh nghiệm cho thấy, với mỗi gói thầu xây lắp chỉ nên có tối đa 3 nhà thầu liên danh sẽ dễ quản lý, kiểm soát việc tổ chức thi công, nhiều nhà thầu dễ dẫn tới “không ai nói được ai”.

“Cùng với chia gói thầu theo tính chất kỹ thuật, nếu liên danh, trong quy định chọn thầu cần ràng buộc rõ phần việc từng thành viên. Trong đó, phần việc của thành viên liên danh phải theo hạng mục từ đầu tới cuối gói thầu, như một nhà thầu làm toàn bộ nền móng, một nhà thầu làm mặt đường, một nhà thầu đảm trách công trình an toàn giao thông... Từ đó, các nhà thầu sẽ phải giám sát lẫn nhau, vì phần việc này ảnh hưởng tới chất lượng phần việc khác. Còn mỗi nhà thầu làm 1 đoạn từ đầu tới cuối về bản chất không có sự liên kết công việc, dù mang mác liên danh”, ông Đức nói và đề xuất mỗi dự án thành phần chỉ thuê 1 tư vấn giám sát.

GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng, nếu căn cứ theo năng lực nhà thầu Việt Nam đang có thì phải chia nhỏ gói thầu mới có nhiều đơn vị tham gia được. Tuy nhiên, chia nhỏ sẽ dẫn tới khó quản lý, giám sát chất lượng, tiến độ. Do đó, thay vì bàn chia gói thầu to hay nhỏ, theo ông Đào, cần xét gói thầu trên phương diện chia sao để đảm bảo tiến độ, chất lượng, thuận lợi cho quản lý. “Qua việc chia gói thầu cũng cho thấy năng lực nhà thầu trong nước lâu nay quá yếu kém, làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu các nhà thầu lớn, có truyền thống lâu đời. Bộ GTVT đã có kinh nghiệm triển khai 11 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, có thể áp dụng cho giai đoạn 2 này”, ông Đào đề xuất.

Đề xuất chia 12 đoạn thành 30 gói thầu

Ảnh: Nhật Huy

Bộ GTVT cho biết, qua rà soát nhà thầu 10 năm trở lại đây cho thấy, có 48 nhà thầu từng thi công gói thầu làm cầu, đường trị giá từ 350 tỷ đồng trở lên (trong đó chỉ có 14 nhà thầu từng làm các gói thầu từ 1.000 tỷ đồng trở lên). Với nhà thầu tư vấn giám sát, trong 5 năm trở lại đây chỉ có 27 tư vấn tham gia giám sát thi công cầu, đường giá hợp đồng từ 2 tỷ đồng trở lên (trong đó chỉ 13 tư vấn tham gia các gói thầu giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên).

Trong đề xuất gửi Thủ tướng mới đây, Bộ GTVT cho rằng, từ nghiên cứu, kinh nghiệm triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và các dự án khác, bộ đề xuất chia gói thầu phù hợp năng lực nhà thầu trong nước đang có. Kèm theo đó là các điều kiện về tính chất kỹ thuật, địa hình, địa chất, địa giới hành chính, vật liệu... Có thể chia 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 thành khoảng 30 gói thầu, giá trị xây lắp từ 3-5 nghìn tỷ đồng/gói, mỗi gói dài 20-40km. Số lượng nhà thầu trong mỗi liên danh khoảng 3 đơn vị sẽ thuận lợi cho công tác quản lý, chỉ đạo, phối hợp. Nếu chia nhỏ hơn, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, sẽ có nhiều nhà thầu tham gia, nhưng khó đảm bảo đồng bộ, chất lượng, tiến độ...

Trường hợp chia gói thầu có quy mô từ 5 đến 15 nghìn tỷ đồng (tương ứng mỗi dự án thành phần chỉ 1 - 2 gói thầu), lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, xét 10 năm trở lại đây chỉ có 2 nhà thầu đáp ứng điều kiện về kinh nghiệm (nếu tham gia độc lập); nếu liên danh phải 5-10 nhà thầu cùng tham gia 1 gói. Tuy nhiên, với số lượng nhà thầu tham gia liên danh lớn, việc quản lý sẽ rất khó khăn, thiếu thống nhất, khó phân định trách nhiệm, nguy cơ nhà thầu chia nhỏ công việc...

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được chia thành 12 dự án thành phần, tổng mức đầu tư hơn 146,9 nghìn tỷ đồng, từ ngân sách Nhà nước.

LÊ HỮU VIỆT

Tiền phong

Các tin tức khác

>   TP HCM đẩy nhanh phát triển giao thông xanh (29/09/2022)

>   Đề xuất đổi tên nhiều tuyến đường khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (27/09/2022)

>   Đề xuất Bộ GTVT giao tuyến Quốc lộ 1K cho TP HCM quản lý (26/09/2022)

>   Đà Nẵng lấy ý kiến quy hoạch phân khu Công nghệ cao trên 3,655 ha (26/09/2022)

>   Khởi công sân bay Phan Thiết vào đầu năm 2023 (25/09/2022)

>   Kỳ vọng vành đai 3 TP.HCM sau 11 năm quy hoạch (24/09/2022)

>   Đắk Lắk lên kế hoạch triển khai Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 (24/09/2022)

>   Chính phủ lập tổ nghiên cứu thêm hai sân bay ở Biên Hòa và Ninh Thuận (23/09/2022)

>   Sân bay Côn Đảo sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024 (21/09/2022)

>   Đất vàng bị Vinafood 2 thâu tóm sẽ được UBND TPHCM thu hồi (19/09/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật