Chàng trai bỏ đại học, biến học bổng của tỷ phú PayPal thành khối tài sản 2 tỷ USD
Dylan Field bỏ học đại học Ivy League hồi năm 2012 để nhận một học bổng từ tỷ phú Peter Thiel và thành lập công ty phần mềm có tên là Figma. Một thập kỷ sau, cổ phần của Field trong công ty này trị giá hơn 2 tỷ USD.
Thương vụ bán Figma cho Adobe Inc. với giá 20 tỷ USD trong tuần qua giúp Field, 30 tuổi, trở thành người giàu nhất trong số những người nhận học bổng Thiel Fellowship tính đến thời điểm hiện tại. Chương trình học bổng gây tranh cãi này do nhà đồng sáng lập PayPal xây dựng nhằm giảm bớt vai trò của hệ thống giáo dục truyền thống bằng cách khuyến khích thanh niên rời đại học và thành lập công ty với khoản tài trợ 100,000 USD.
Field là một ví dụ hiếm hoi có được kết quả như ý khi chơi “canh bạc” này. Chỉ riêng cổ phần của anh tại Figma đã trị giá hơn 2 tỷ USD nếu tính theo giá Adobe mua, theo phân tích của Bloomberg Billionaires Index dựa trên dữ liệu của PitchBook. Adobe cũng sẽ phát hành khoảng 6 triệu cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng trong 4 năm cho Field và các nhân viên của anh với tổng giá trị là 1.8 tỷ USD, theo giá cổ phiếu hiện tại của Adobe.
Trong một cuộc phỏng vấn, Field tỏ ra không mấy quan tâm đến lợi ích tài chính anh có được từ thương vụ mua bán này. “Tôi đã không tập trung vào việc kiếm tiền trong một thời gian dài vừa qua”, anh nói.
Dylan Field bỏ học đại học Ivy League hồi năm 2012 để nhận một học bổng từ tỷ phú Peter Thiel và thành lập công ty phần mềm có tên là Figma.
|
Làm việc với các startup công nghệ đã chiếm trọn thời gian trưởng thành của Field. Anh từng thực tập tại ứng dụng tổng hợp tin tức Flipboard, Danny River, cựu giám đốc của chính ứng dụng này, cho hay. Sau này, Field có theo học một thời gian ngắn tại Đại học Brown trước khi tham gia chương trình Thiel Fellowship. Sau khi nhận học bổng, chàng trai 30 tuổi này xây dựng Figma, một nền tảng cho phép khách hàng cộng tác với nhau khi xây dựng phần mềm.
“Đào tạo bản thân để có thể sử dụng thành thạo Photoshop là một quá trình lâu dài và khó khăn”, Field từng nói trong một buổi thuyết trình về công ty Figma thuộc khuôn khổ Thiel Fellowship.
Thiel Fellowship là một chương trình học bổng gây nhiều tranh cãi. Dù có một số nhân vật thành công nhờ chương trình này, như đồng sáng lập Ethereum Vitalik Buterin và doanh nhân về ôtô tự lái Austin Russell (người thậm chí có lúc trở thành tỷ phú), song vẫn có những người không thể đạt đến thành công và phải chật vật tìm cách quay đầu. Larry Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ kiêm chủ tịch Đại học Harvard, vào năm 2013 gọi chương trình này là quỹ từ thiện bị định hướng sai lầm nhất trong thập kỷ này.
Jimmy Koppel, nhà sáng lập công ty đào tạo lập trình viên Mirdin, là người từng tham gia Thiel Fellowship cùng năm với Field. Anh cho biết startup của Field là một trong những công ty gọi vốn thành công nhất trong năm đầu tiên.
Những người biết Field thường đánh giá anh là một người rất tử tế. Khi tham gia Thiel Fellowship, Field đã đề xuất với ban tổ chức thêm tiêu chí vào vòng chung kết để các ứng viên đánh giá xem họ có đủ tử tế để giành được học bổng hay không, Koppel cho hay. Koppel nhớ lại Field từng nói rằng anh ấy thà bỏ qua những Steve Jobs thế hệ mới, vì điều quan trọng hơn là tìm được những người bạn muốn dành thời gian làm việc cùng.
Ilya Vakhutinsky, bạn cùng lớp với Field trong Thiel Fellowship, hy vọng lòng tốt và sự tích cực của nhà sáng lập Figma sẽ truyền sang đội ngũ của Adobe. Vakhutinsky hiện là người điều hành Careswitch, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà.
Field vẫn giữ mối quan hệ bạn bè với nhiều người từng tham gia Thiel Fellowship. Noor Siddiqui, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp về sức khỏe Orchid, nhận xét: “Field là một người có nhiều tài năng”.
Ngoài công nghệ, một lĩnh vực mà Field từng bỏ qua trong quá trình tham gia Thiel Fellowship là tiền điện tử. Ban đầu, nhà sáng lập của Figma cho biết không hứng thú với lĩnh vực này, nhưng cuối cùng, anh vẫn tham gia vào. Năm ngoái, anh đã bán một số NFT với giá 4,200 Ether, tương đương 7.5 triệu USD, một mức giá kỷ lục vào thời điểm đó. Vợ anh, Elena Nadolinski, là nhà sáng lập kiêm CEO của công ty khởi nghiệp web3, Iron Fish. Hai người có với nhau một đứa con.
Figma tăng trưởng mạnh trong đại dịch Covid-19. Lượt sử dụng nền tảng này tăng vọt khi mọi người cần những phương tiện mới để cộng tác với nhau bên ngoài văn phòng. Sản phẩm của Figma được nhiều bởi sinh viên và các chuyên gia sử dụng để xây dựng trò chơi điện tử, bản đồ và bài thuyết trình, ngoài ra còn có các nhà thiết kế phầm mềm tại một số công ty lớn như Airbnb Inc. và Google.
Evan Wallace, người xây dựng Figma cùng với Field, rời công ty vào năm ngoái. Field sẽ tiếp tục lãnh đạo nhóm Figma, báo cáo với David Wadhwani, chủ tịch mảng kinh doanh truyền thông kỹ thuật số của Adobe. Figma sẽ vẫn có sẵn dưới dạng sản phẩm độc lập.
Figma tăng trưởng ngay cả khi các công ty công nghệ khác phải thu hẹp lại vì theo Field, khách hàng hiểu rằng nếu họ không nỗ lực hết mình với công việc thiết kế, họ có thể thua cuộc. Năm ngoái, khi Figma dường như có ý định IPO, Field đã đăng lên Twitter rằng: “Mục tiêu của chúng tôi là chính Figma, chứ không phải Adobe”.
Nhưng điều gì đã thay đổi họ? Theo Mamoon Hamid, một thành viên trong HĐQT của Figma, nói: “Adobe đã đưa ra một lời đề nghị mà chúng tôi không thể từ chối”.
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
|