Binh đoàn nhỏ lẻ “bỏng tay” vì bắt đáy chứng khoán
2022 có lẽ không phải là một năm để bắt đáy cổ phiếu. Thay vì hồi phục sau cú giảm mạnh, chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc và khiến những nhà đầu tư ham mê bắt đáy bị “bỏng tay”.
Trong năm nay, cứ sau 1 phiên giảm ít nhất 1%, thì tuần kế đó S&P 500 giảm trung bình 1.2%, theo dữ liệu từ Dow Jones Market Data. Đây là mẫu hình tồi tệ nhất kể từ năm 1931.
Đà giảm kéo dài gây thiệt hại cho những nhà đầu tư ham mê bắt đáy. Chiến lược này từng mang lại nhiều thành công cho nhiều nhà đầu tư trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành.
Trong năm 2021, các chỉ số chứng khoán liên tục lập kỷ lục. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng đà giảm chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và là cơ hội hấp dẫn để mua thêm. Trong những ngày giảm mạnh, những nhà đầu tư nhỏ lẻ là bên bắt đáy nhiệt thành, rót tiền vào ngay cả khi nhóm nhà đầu tư tổ chức rút lui.
Tuy vậy, chiến lược bắt đáy đã phản tác dụng trong năm 2022. Chỉ số S&P 500 lao dốc 23% từ đầu năm và sắp ghi nhận năm giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Làn sóng bán tháo diễn ra dữ dội hơn trong tuần trước, khi các NHTW trên thế giới nâng mạnh lãi suất và gây choáng váng thị trường tài chính toàn cầu. Cả 3 chỉ số trên Phố Wall giảm ít nhất 4%.
Quá nhiều nỗi lo đang đè nặng thị trường: Lạm phát cao, cuộc chiến ở Ukraine và nguy cơ suy thoái. Trong những ngày tới, dữ liệu mới về chi tiêu tiêu dùng và niềm tin của người tiêu dùng sẽ cho thấy rõ hơn về sự thay đổi hành vi của người dân Mỹ trong bối cảnh lạm phát cao, cũng như những tác động từ các đợt nâng lãi suất của Fed tới nền kinh tế.
Những đợt giảm mạnh gây nhói lòng nhiều nhà đầu tư khi họ phải nhìn danh mục cổ phiếu giảm dần giá trị qua mỗi tuần.
“Tôi thực sự đang choáng váng trước đà giảm của thị trường”, Santi Tafarella, giảng viên đại học 58 tuổi ở Lancaster (California), cho hay. “Thật không dễ chịu chút nào”.
Tafarella cho biết ông đã bắt đáy cổ phiếu trong thời gian qua và giờ phải nhìn danh mục bị nhuộm đỏ. Ông Tafarella cho biết cách tiếp cận với chứng khoán đã thay đổi rất nhiều kể từ đỉnh dịch COVID-19.
Lúc đầu, ông chỉ tham gia vào thị trường với mong muốn kiếm đủ tiền để trả tiền học phí cho con gái và bảo vệ gia đình khỏi gánh nặng nợ nần. “Sau đó, tôi bắt đầu cảm thấy tham lam”, ông Tafarella cho biết. “Tôi nghĩ tôi có thể kiếm được 100 ngàn USD trong vòng 1 năm”.
Xu hướng bắt đáy vẫn còn tiếp diễn
Các nhà đầu tư khác cho biết họ vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược bắt đáy, cố kiên định và nhìn về dài hạn. Theo Vanda Research, hiện các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn thường mua nhiều cổ phiếu trong những ngày S&P 500 lao dốc hơn là những ngày tăng. Chẳng hạn như phiên ngày 13/09, khi S&P 500 lao dốc 4.3%. Nhà đầu tư cá nhân mua hơn 2 tỷ USD cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trong ngày hôm đó.
Các hộ gia đình cũng rót thêm tiền vào các quỹ tương hỗ cổ phiếu và quỹ ETF thay vì rút vốn trong năm 2022. Cụ thể, các quỹ cổ phiếu Mỹ hút ròng 89 tỷ USD trong năm 2022, theo dữ liệu từ EPFR Global. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư tổ chức đã rút khỏi thị trường.
Tuy vậy, tâm lý hưng phấn của 2 năm trước đã không còn. Rổ cổ phiếu được binh đoàn nhỏ lẻ sang tay nhiều nhất, bao gồm Tesla, Amazon, và các nhà sản xuất chip Advanced Micro Devices và Nvidia đã giảm 30% từ đầu năm – giảm còn mạnh hơn thị trường chung.
Trong khi đó, giá trị giao dịch hàng ngày của nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng giảm xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 1/2020 (trước dịch Covid-19), theo phân tích của Vanda Research. Hoạt động giao dịch lượng hợp đồng phái sinh đặt cược vào đà tăng của cổ phiếu cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm, theo dữ liệu của Deutsche Bank.
“Cơn sốt cổ phiếu đã không còn”, Lule Demmissie, Giám đốc của sàn eToro, cho hay.
Một số cổ phiếu từng mang lại hiệu suất cao cho nhà đầu tư cũng lao dốc. Chứng chỉ quỹ ARK Innovation ETF của Cathie Wood từng tăng rất mạnh trong giai đoạn dịch bệnh, nay lao dốc rất mạnh và gây thiệt hại cho nhà đầu tư trẻ tuổi Caleb Adams.
Caleb Adams (18 tuổi), sinh viên đại học và chỉ mới đầu tư từ vài năm trước, cho biết chứng chỉ quỹ ARK đang là một trong những khoản đầu tư thua lỗ nặng nhất của anh.
“Tôi bị cuốn vào cái bẫy của những cổ phiếu tăng trưởng đã tăng mạnh trước đó. Tôi rót tiền vào chứng chỉ quỹ của ARK (tập trung toàn những cổ phiếu tăng trưởng) và đang lỗ nặng”, anh nói.
Vũ Hạo (Theo WSJ)
FILI
|