Ai định giá khoản đầu tư KBC tăng từ 96 tỷ lên 2.5 ngàn tỷ?
Giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng được ghi nhận đến 2.5 ngàn tỷ đồng, trong khi giá trị đầu tư chỉ 96 tỷ đồng. Từ đây đưa đến câu hỏi “Ai đã định giá khoản đầu tư của KBC cao như vậy?”.
Ngày 29/08, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) công bố BCTC soát xét bán niên 2022 với lợi nhuận sau thuế chênh lệch rất lớn so với BCTC tự lập. Cụ thể, sau soát xét, lợi nhuận sau thuế của KBC "bốc hơi" hơn 2.2 ngàn tỷ đồng so với BCTC tự lập, từ mức hơn 2.4 ngàn tỷ đồng xuống còn hơn 200 tỷ đồng, giảm gần 92%.
Nguyên nhân do loại bỏ lợi nhuận từ khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng. Giá trị hợp lý của khoản đầu tư này được ghi nhận đến 2.5 ngàn tỷ đồng, trong khi giá trị đầu tư chỉ 96 tỷ đồng.
Cụ thể, vào ngày 29/06, HĐQT KBC thông qua việc mua thêm 5.7 triệu cp của Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng, nâng tỷ lệ sở hữu lên 48% (tương ứng 9.6 triệu cp) và chuyển đơn vị này thành công ty liên kết của KBC. Theo BCTC tự lập, giá trị hợp lý của khoản đầu tư này gần 2.5 ngàn tỷ đồng, trong khi giá trị đầu tư tương ứng chỉ 96 tỷ đồng. Khoản “đầu tư giá rẻ” này đã giúp KBC thu lãi tới gần 2.4 ngàn tỷ đồng, từ đó kéo lợi nhuận quý 2 và bán niên tăng vọt.
Đơn vị nào định giá khoản đầu tư của KBC?
Theo thuyết minh BCTC, Công ty đã bút toán tạm thời thu nhập chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần từ bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ thương vụ tăng tỷ lệ sở hữu tại Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng.
Tại ngày lập BCTC hợp nhất bán niên 2022, Công ty vẫn đang trong quá trình làm việc với đơn vị tư vấn định giá chuyên nghiệp để thực hiện việc đánh giá chính thức giá trị hợp lý của tài sản thuần tại ngày mua.
Như vậy, việc ghi nhận lợi nhuận của KBC mới chỉ được xác định tạm thời và chưa được đơn vị định giá đưa ra kết luận chính thức.
Theo công văn từ đơn vị kiểm toán Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (E&Y), báo cáo định giá Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng vẫn chưa hoàn tất do số lượng các tài sản là bất động sản và tính phức tạp của việc định giá.
Việc kế toán ban đầu của giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng đang được xác định tạm thời trên BCTC hợp nhất bán niên, dựa trên giá trị sổ sách của tài sản thuần tại ngày mua. Vì vậy, đơn vị kiểm toán đã loại trừ khoản lợi nhuận này.
KBC khẳng định khoản lợi nhuận 2.2 ngàn tỷ đồng không bị biến mất
Ngày 31/08, KBC tiếp tục gửi văn bản giải trình lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các cổ đông, làm rõ nghĩa bản chất, việc soát xét của Công ty Kiểm toán liên quan đến giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng.
Theo đó, KBC khẳng định 2.2 ngàn tỷ đồng không bị biến mất trong BCTC mà sẽ được ghi nhận chính xác sau khi công ty kiểm toán hoàn thành việc soát xét.
Cụ thể, Công ty cho rằng bản giải trình ngày 29/08/2022 có đính kèm thư của đơn vị kiểm toán E&Y vẫn làm cho một số nhà đầu tư hiểu chưa đúng bản chất của sự việc.
Văn bản nêu rõ do giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng có tính chuyên môn cao, phức tạp, cần nhiều thời gian hơn để đơn vị kiểm toán soát xét nội dung như thư Công ty kiểm soát gửi KBC và KBC đã thực hiện CBTT toàn văn.
Vì vậy, trên BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2022, Công ty chưa ghi nhận thu nhập cho giao dịch này từ việc định giá theo giá trị thị trường của tài sản thuần. Việc hoàn tất nghiệp vụ kế toán và ghi nhận thu nhập từ giao dịch trên sẽ được thực hiện ngay sau khi E&Y hoàn thành việc soát xét định giá và ghi nhận vào các BCTC hợp nhất trong năm 2022.
Cuối cùng, Công ty khẳng định khoản này sẽ được ghi nhận chính xác sau khi Công ty kiểm toán hoàn thành việc soát xét báo cáo định giá độc lập.
Đồng thời, nhằm khắc phục sự cố này, Công ty đang tích cực làm việc với đơn vị định giá, tiến hành ký kết hợp đồng/phụ lục với Công ty kiểm toán để hoàn thành sớm nhất việc soát xét giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng và sẽ công bố thông tin sớm nhất.
Thế Mạnh
FILI
|