Xét xử 'đại án' Bình Dương: Làm rõ vai trò lũng đoạn của bị cáo chủ mưu
Ngày 16.8, phiên tòa xét xử các cựu lãnh đạo tỉnh và Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty Bình Dương) tiếp tục xét hỏi các bị cáo quanh việc ký hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhưng không xác định lại giá trị khu đất 145 ha và 43 ha ở P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Trong vụ đại án này, Viện KSND tối cao cáo buộc bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bình Dương) có vai trò chủ mưu, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện, đồng thời chủ động, tích cực thực hiện phạm tội đã trực tiếp gây thất thoát của nhà nước tổng số tiền trên 5.000 tỉ đồng.
|
Bị cáo Nguyễn Văn Minh tại phiên tòa. TTXVN
|
Không nhận thức ký sai ?
Theo cáo trạng, tại cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương ngày 29.1.2017, khi biết Tổng công ty Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty TNHH đầu tư - xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) trái với chủ trương, quyết định của Tỉnh ủy và quy định của pháp luật, nhưng bị cáo Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) không yêu cầu hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng, mà lại đồng ý cho Tổng công ty Bình Dương tiếp tục được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty CP bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc). Hành vi của bị cáo Liêm được xác định đã tạo điều kiện cho bị cáo Nguyễn Văn Minh và đồng phạm hoàn thành việc chuyển nhượng toàn bộ tài sản của Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, gây thất thoát của nhà nước số tiền trên 984 tỉ đồng.
Đối với khu đất 145 ha, bị cáo Trần Thanh Liêm biết khu đất này đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt phương án sử dụng đất, tiếp tục tính vào giá trị của doanh nghiệp (DN) khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, khi chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN và Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Tổng công ty Bình Dương, bị cáo Liêm lại thống nhất nội dung trình tại cuộc họp, và sau đó ký quyết định phê duyệt giá trị DN, thống nhất với kết quả phân loại, đưa khu đất 145 ha vào mục tài sản chờ thanh lý, mà không đưa vào tài sản để xác định giá trị của DN, gây thất thoát của nhà nước trên 4.000 tỉ đồng.
Trả lời câu hỏi của HĐXX trước khi đồng ý, ký phê duyệt giá trị DN bị cáo có đọc, đối chiếu các quy định của pháp luật và kết luận của Kiểm toán Nhà nước (kiểm toán tại Tổng công ty Bình Dương) hay không? Bị cáo Liêm khai: “Bị cáo chỉ nghe báo cáo lại. Kết luận của Kiểm toán Nhà nước không được gửi cho UBND tỉnh, và bị cáo có hỏi lại là có kiến nghị gì với UBND tỉnh không, thì được báo lại là không”. Ngoài ra, bị cáo Liêm cũng khai nhận, khi ký quyết định phê duyệt giá trị của Tổng công ty Bình Dương để tiến hành cổ phần hóa, bị cáo không nhận thức được việc ký văn bản đó là sai, mà sau này mới nhận thức được.
“Đứng tên giùm bố”
Bị cáo Nguyễn Thục Anh (con gái của bị cáo Nguyễn Văn Minh), cựu Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Phát Triển (công ty sân sau của bị cáo Nguyễn Văn Minh, viết tắt là Công ty Phát Triển) khai nhận thời điểm năm 2011 bị cáo mới 19 tuổi, được bị cáo Minh gợi ý đưa Công ty Phát Triển vào liên doanh để thực hiện dự án trên khu đất 145 ha. Tuy chưa biết công ty có đủ năng lực hay không, bị cáo Nguyễn Thục Anh vẫn đồng ý tham gia vì mối quan hệ gia đình.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thục Anh khai chỉ đứng tên thay cho bị cáo Nguyễn Văn Minh ở Công ty Phát Triển, còn việc mua bán cổ phần do bị cáo Minh quyết định toàn bộ, và chỉ được bị cáo Minh thông báo sơ qua. Bị cáo Nguyễn Thục Anh khai ngay từ những ngày đầu thành lập công ty, bản thân không quan tâm, không tham gia điều hành công ty, việc sắp xếp nhân sự, nguồn tiền ra vào, chi tiêu thế nào đều do bị cáo Minh điều phối.
“Khi đó bị cáo mới 19 tuổi bố đã cho đứng tên Công ty Phát Triển nên không hiểu hết các vấn đề, chỉ nghĩ mọi việc là bình thường. Đến khi công an vào cuộc điều tra, bị cáo mới nhận thức được hành vi của mình là sai và xin nhận trách nhiệm tại tòa”, bị cáo Nguyễn Thục Anh khai nhận.
Gây thất thoát của nhà nước trên 964 tỉ đồng
Liên quan nội dung chuyển nhượng vốn góp và 43 ha đất gây thất thoát của nhà nước trên 761 tỉ đồng, HĐXX tiến hành thẩm vấn bị cáo Nguyễn Đại Dương (Công ty Âu Lạc). Theo cáo trạng, xuất phát từ mối quan hệ thân thích, bị cáo Nguyễn Văn Minh cho con rể là Nguyễn Đại Dương biết Tổng công ty Bình Dương sẽ triển khai dự án trên khu đất 43 ha. Sau đó, Dương bàn bạc với Nguyễn Văn Minh thống nhất sẽ thành lập ra một công ty có tư cách pháp nhân để thực hiện dự án này.
Nhờ người bán thịt heo đứng tên 45% cổ phần
Tại phiên tòa, ông Dương Đình Tâm khai năm 2010 ông làm nghề bán thịt heo và được Nguyễn Đại Dương nhờ ký tên vào một số giấy tờ mà không rõ nội dung ở trong đó là gì. Sau đó, ông Tâm được Nguyễn Đại Dương cho vay 5 tỉ đồng đến nay vẫn chưa trả được. Đến năm 2016, ông Tâm gặp Dương nói chuyện không muốn đứng tên giấy tờ nữa, và ông Tâm đã ký một giấy xác nhận với Nguyễn Đại Dương nội dung đứng hộ tên trong cổ phần của Công ty Âu Lạc. Còn Nguyễn Đại Dương khai đã cho ông Tâm vay 5 tỉ đồng, do thời điểm này ông Tâm đang gặp khó khăn và việc cho vay là bình thường.
|
Để thực hiện, Nguyễn Đại Dương đứng ra thành lập Công ty Âu Lạc và giao cho bị cáo Nguyễn Quốc Hùng làm Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật. Sau khi Công ty Âu Lạc được thành lập, Nguyễn Đại Dương chỉ đạo Nguyễn Quốc Hùng ký hợp đồng hợp tác với Tổng công ty Bình Dương, mục đích để nhận chuyển nhượng khu đất 43 ha với giá 570.000 đồng/m2. Mặc dù Nguyễn Đại Dương không đứng tên góp vốn thành lập Công ty Âu Lạc, tuy nhiên quá trình điều tra xác định Nguyễn Đại Dương có ký giấy tờ năm 2017 thể hiện việc nhờ ông Dương Đình Tâm đứng tên hộ 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc, và là người trực tiếp điều hành công ty này.
Theo cáo trạng, năm 2016, bị cáo Nguyễn Văn Minh đã đại diện Tổng công ty Bình Dương ký hợp đồng chuyển nhượng 43 ha đất cho Công ty Tân Phú với giá trên 250 tỉ đồng. Sau đó, Công ty CP đầu tư phát triển Thuận Lợi nhận chuyển nhượng lại toàn bộ 100% vốn góp của Công ty Âu Lạc tại Công ty Tân Phú với giá 350 tỉ đồng. Hành vi của các bị cáo trong quá trình thay đổi pháp nhân, chuyển nhượng này được xác định gây thất thoát của nhà nước trên 964 tỉ đồng.
Trần Cường
Thanh niên
|