TPHCM: Thị trường căn hộ có tới 80% là sản phẩm cao cấp, hết nhà ở bình dân
Cả năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 chỉ có nhà ở cao cấp và nhà ở trung cấp, còn nhà ở bình dân chỉ chiếm 0%. Sở Xây dựng cho biết, đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững.
Vắng bóng căn hộ bình dân
Ngày 6/8, Sở Xây dựng TPHCM đã có báo cáo thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022. Đáng chú ý, phân khúc bất động sản cao cấp chiếm 80,13% tổng số căn hộ đủ điều kiện huy động vốn bán nhà hình thành trong tương lai.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 17 dự án với tổng số 9.456 căn nhà với tổng diện tích sàn là 860.205m2.
Trong đó, căn hộ chung cư 8.937 căn; nhà ở thấp tầng 519 căn; diện tích sàn: 191.561m2, với tổng giá trị cần huy động vốn là 77.591 tỷ đồng. Phân khúc cao cấp là 7.577 căn, chiếm 80,13%; phân khúc trung cấp có 1.879 căn, chiếm 19,87%, còn phân khúc bình dân không có căn nào. So với 6 tháng đầu năm 2021, số dự án huy động vốn tăng 8,3%, phân khúc căn hộ cao cấp tăng 111,29% nhưng phân khúc căn hộ trung cấp lại giảm 34,41%. Sở Xây dựng cho biết, đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững.
Căn hộ bình dân ở TPHCM trong 6 tháng đầu năm là 0%.
|
Về chuyển nhượng dự án, từ đầu năm 2021 đến nay, TPHCM chỉ có 1 dự án được xem xét đủ điều kiện chuyển nhượng. Sở Xây dựng nhận xét, việc chuyển nhượng dự án là một trong các biện pháp giải quyết những khó khăn cho từng dự án, góp phần khôi phục dự án, tiếp tục khởi công xây dựng lại đối với các dự án ngưng thi công, hoàn thiện công trình, đưa sản phẩm vào thị trường, giải quyết được hàng tồn kho. Tuy nhiên, tình hình chuyển nhượng dự án nhà ở trong thời gian qua giảm mạnh do chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý.
Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), thị trường bất động sản đã xuất hiện tình trạng lệch pha cung cầu, rất thiếu nguồn cung dự án dẫn đến rất thiếu nguồn cung nhà ở. HoREA nhận thấy, so với 2017 là năm thị trường bất động sản TPHCM tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua với tổng số 42.991 căn nhà đưa ra thị trường, thì trong những năm gần đây đã sụt giảm nguồn cung dự án dẫn đến giảm nguồn cung sản phẩm nhà ở, thể hiện qua số lượng nhà ở đưa ra thị trường liên tục sụt giảm.
Cụ thể, năm 2018 nguồn cung chỉ có 28.316 căn nhà, bằng 65,8 % so với năm 2017; năm 2019 nguồn cung chỉ có 23.046 căn nhà, bằng 53,6 % so với năm 2017; năm 2020 nguồn cung chỉ có 16.895 căn nhà, bằng 39,2 % so với năm 2017, năm 2021 nguồn cung chỉ có 14.443 căn nhà, bằng 33,6 % so với năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2022 nguồn cung chỉ có 9.456 căn nhà, bằng 44 % so với 6 tháng đầu năm 2017.
Trong đó, loại nhà ở bình dân dưới 30 triệu đồng/m2 tại TPHCM năm 2020 chỉ chiếm 1%; năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 chỉ có nhà ở cao cấp và nhà ở trung cấp, thị trường không còn nhà ở bình dân (0%); trong lúc nhà ở cao cấp ngày càng chiếm tỷ lệ áp đảo như năm 2017 (chiếm 25,5%), năm 2018 (chiếm 30%); năm 2019 (chiếm 67,1%); năm 2020 (chiếm 42,1%); năm 2021 (chiếm 72%) và 6 tháng đầu năm 2022, phân khúc nhà ở cao cấp chiếm đến 80,13%.
Nhà ở xã hội hụt hơi
Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng vừa kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ một số vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Theo HoREA, việc phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2011-2020 cả nước đạt 41%, TPHCM giai đoạn 2016-2020 xây dựng 15.000 căn nhà ở xã hội đạt 75% kế hoạch, nhưng kết quả này chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn của người dân.
Nguyên nhân, trong quá trình phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp gặp quá nhiều vướng mắc. Cụ thể, người dân chưa được vay ưu đãi nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm; dự án nhà ở xã hội cho thuê chưa được giảm 70% thuế suất Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong quá trình phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp gặp quá nhiều vướng mắc.
|
Quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tư nhân lại rất rắc rối, nhiêu khê hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại, như chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội “được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Do đó, Hiệp hội đề nghị sửa Luật Nhà ở quy định quy hoạch khu vực riêng để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở giá phù hợp với thu nhập của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị với đầy đủ tiện ích, dịch vụ và kết nối giao thông thuận tiện.
Bổ sung chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở giá phù hợp thu nhập của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị với mức ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng bằng khoảng phân nửa mức ưu đãi dành cho nhà ở xã hội. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí vốn ưu đãi nhà ở xã hội trong kế hoạch sử dụng vốn ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 để có nguồn vốn mồi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tư nhân hiện đang rất rắc rối, nhiêu khê hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại để động viên doanh nghiệp tư nhân tham gia thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Duy Quang
Tiền phong
|