Sáu năm liền kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động, VST nói gì?
CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (UPCoM: VST) vừa công bố BCTC tổng hợp giữa niên độ đã soát xét với doanh thu và lợi nhuận tăng vọt. Tuy nhiên, Công ty liên tục nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục trong suốt 6 năm qua.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của VST sau soát xét. Đvt: Tỷ đồng
|
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của VST đạt 307 tỷ đồng, tăng 146% so với cùng kỳ. Công ty lý giải nhờ giá cước thị trường tàu hàng khô tăng mạnh bởi nguồn cung tàu bị thiếu hụt và tăng doanh thu cho thuê thuyền viên sau thời gian giãn cách vì dịch COVID-19, các chỉ tiêu doanh thu tăng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt gần 3.5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 104 tỷ đồng.
Nhận ý kiến ngoại trừ 6 năm liên tiếp, VST nói gì?
Tại BCTC tổng hợp bán niên 2022 đã soát xét, lần thứ 6 liên tiếp Công ty nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán kể từ năm 2016 đến nay.
Ở ý kiến thứ nhất, đơn vị kiểm toán lo ngại khả năng hoạt động liên tục của Công ty do lỗ lũy kế và nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn.
Cụ thể, tại thời điểm 30/06/2022, nợ ngắn hạn của VST đã vượt quá tài sản ngắn hạn 1,880 tỷ đồng, lỗ lũy kế 2,367 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1,722 tỷ đồng. Các khoản nợ vay đã quá hạn thanh toán lên tới 554 tỷ đồng. Chi phí phải trả ngắn hạn, chi phí lãi vay phải trả cho các khoản vay quá hạn này là 1,210 tỷ đồng.
Công ty chưa có phương án hiệu quả để khắc phục khả năng thanh toán cũng như tìm kiếm được nguồn tiền để thanh toán cho các khoản vay đến hạn trong vòng 12 tháng tới trong điều kiện hoạt động bình thường.
Ngoài ra, Công ty cũng đang đối mặt các vụ kiện của Ngân hàng về việc phải thanh toán ngay các khoản vay và không thể đảm bảo thanh toán nếu bị xử thua và bị thi hành án.
Trước ý kiến ngoại trừ trên, VSF đã có văn bản trình bày giải pháp khắc phục. Công ty cho biết sẽ tranh thủ tận dụng cơ hội thị trường hồi phục để ký kết hợp đồng cho thuê tàu và thuyền viên theo hướng có lợi, đồng thời tăng cường kiểm soát chi phí để cải thiện kết quả kinh doanh.
Ngoài ra, Công ty sẽ tập trung thực hiện Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022, trong đó có việc triển khai nhóm giải pháp góp phần giảm lỗ và duy trì hoạt động SXKD nói chung cũng như đội tàu Vintranschart nói riêng, bao gồm các giải pháp về kinh doanh - thị trường, quản trị tài chính, tái cơ cấu tài chính, tăng doanh thu, giảm chi phí, tăng cường quản lý kỹ thuật đội tàu…
Vơi các giải pháp khắc phục này, Ban Điều hành khẳng định Công ty sẽ hoạt động liên tục trong thời gian tới.
Còn ở ý kiến thứ 2, liên quan đến khoản vay vốn lưu động của Công ty tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HOSE: MSB), kiểm toán cho rằng không thể xác định được chi phí lãi vay và lãi chả trậm cần ghi nhận trong kỳ cũng như chi phí cần điều chỉnh hồi tố vào các năm trước.
Về chi tiết, vào ngày 25/03/2022, Công ty nhận được công văn của MSB yêu cầu truy thu lãi vay và lãi phạt liên quan đến khoản vay vốn lưu động và vay dài hạn đóng tàu VTC Phoenix cho giai đoạn từ quý 3/2015 đến ngày 23/03/2022 với hơn 94 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Công ty đang ghi nhận vào chi phí trong kỳ 34 tỷ đồng và dự kiến ghi nhận đủ khoản chi phí này vào 6 tháng cuối năm 2022. Nếu không đạt thoả thuận miễn giảm lãi, Công ty sẽ điều chỉnh hồi tố chi phí lãi vay các năm trước tương ứng theo thời gian tính lãi.
Về việc này, theo văn bản giải trình, Công ty cho biết đã có giải pháp khắc phục là tiếp tục thương lượng với MSB. Hiện, Công ty và Ngân hàng cơ bản thống nhất xong kế hoạch trả nợ mới để được miễn giảm lãi vay, lãi phạt.
Qua đó, Công ty khẳng định đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho MSB theo thỏa thuận và được Ngân hàng xóa toàn bộ lãi vay, lãi phạt liên quan đến khoản vay.
Thế Mạnh
FILI
|