Nửa năm, doanh nghiệp gạo trên sàn làm ăn phát đạt
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp ngành gạo đã đạt kết quả kinh doanh tích cực.
Doanh thu tăng
Dù gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khả quan. Theo thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tính đến hết ngày 15/06, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 3.11 triệu tấn, trị giá 1.52 tỷ USD, tăng gần 12.3% về lượng và tăng nhẹ 0.7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp ngành gạo đều đạt kết quả kinh doanh tốt, chỉ có CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (HOSE: AGM) ghi lỗ. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn kỳ vọng tăng trưởng sẽ tốt hơn trong nửa cuối năm nay.
Theo thống kê của VietstockFinance, 8 doanh nghiệp kinh doanh gạo trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM đạt tổng doanh thu 14,415 tỷ đồng và lãi ròng 95 tỷ đồng trong quý 2/2022, lần lượt tăng 3% và 10% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu đạt 23,200 tỷ đồng, tăng 4% và lãi ròng đạt 334 tỷ đồng, tăng 36%.
Doanh thu thuần của một số doanh nghiệp ngành gạo. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (UPCoM: AFX) và CTCP Thương mại Kiên Giang (UPCoM: KTC) là 2 doanh nghiệp đứng đầu về tăng trưởng lợi nhuận trong quý 2/2022.
Lợi nhuận sau thuế của một số doanh nghiệp ngành gạo. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Vị trí số 1 là AFX với doanh thu và lợi nhuận tăng vọt so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 407 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ và có lãi ròng gấp gần 6 lần cùng kỳ 2021 (đạt 17 tỷ đồng).
Theo lý giải của Công ty, nguyên nhân lợi nhuận sau thuế tăng là do tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty bắt đầu đà khôi phục sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020 và 2021. Đồng thời, Công ty đã cơ cấu các khoản đầu tư tài chính, gia tăng thu nhập từ hoạt động này và thanh lý các tài sản không cần dùng, mang lại hiệu quả kinh doanh.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, AFX đạt 625 tỷ đồng doanh thu thuần, thu về 18 tỷ đồng tiền lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 79% và 350% so với cùng kỳ năm trước.
Ở vị trí thứ hai, KTC có doanh thu thuần 2,122 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 15 tỷ đồng, tăng tương ứng 15% và 114% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, KTC ghi nhận doanh thu thuần hơn 3,600 tỷ đồng, tăng 16% và lợi nhuận sau thuế 27 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (UPCoM: VSF) là doanh nghiệp duy nhất đã thoát lỗ trong quý 2 năm nay với lãi ròng hơn 30 tỷ đồng, sau 9 quý liên tục thua lỗ. Theo lý giải, do cùng kỳ năm 2021, Công ty chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19 nên tình hình sản xuất và tiêu thụ gạo gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên trong quý 2 năm nay, Công ty đã quyết liệt quản lý tốt chi phí, hoàn thành mục tiêu thực hiện các hợp đồng xuất khẩu mới nên đã mang về lợi nhuận. Kết quả này cũng giúp VSF có lãi ròng 2 tỷ đồng sau 6 tháng, tốt hơn nhiều so với con số lỗ 148 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp hàng đầu nhóm ngành gạo như CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG), CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (HOSE: AGM) bất ngờ báo lỗ trong quý 2.
Cụ thể, kỳ này, LTG ghi nhận lỗ hợp nhất hơn 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 45 tỷ đồng. Giải thích về tình trạng thua lỗ, Công ty cho biết, dù doanh thu thuần tăng hơn 30% nhưng chi phí hoạt động và chi phí tài chính đều tăng mạnh nên lợi nhuận sau thuế quý 2 giảm. Việc thua lỗ quý 2 cũng kéo lùi thành tích kinh doanh của LTG trong nửa đầu năm với lãi ròng giảm 40%, còn đạt 138 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của LTG trong quý 1 và 2 giai đoạn 2020-2022 |
|
Trong năm 2022, Lộc Trời đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, công ty mới thực hiện được 34,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Nối gót theo sau là AGM, cũng báo lỗ gần 10 tỷ đồng trong quý 2/2022 dù doanh thu tăng mạnh, chủ yếu do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán 27.5 tỷ đồng (Công ty không thuyết minh cụ thể các mã chứng khoán). Ngoài ra, chi phí bán hàng, logistics tăng cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Công ty.
Diễn biến doanh thu - lợi nhuận ròng của AGM trong quý 1 và 2 từ 2020-2022 |
|
Lũy kế 6 tháng đầu năm, AGM có 2.381 tỷ đồng doanh thu, gấp 2.3 lần cùng kỳ; trong đó, chiếm chủ yếu là doanh thu bán hàng lương thực với hơn 1,988 tỷ đồng, gấp 2.8 lần và có thêm khoản doanh thu dịch vụ CNC (đầu năm không có). Dù vậy, Công ty lại báo lỗ ròng gần 3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lãi gần 14 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp ngành gạo duy nhất ghi lỗ trong nửa đầu năm 2022.
So với mục tiêu doanh thu hợp nhất khoảng 8,000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng năm nay; AGM chỉ mới thực hiện được gần 30% chỉ tiêu doanh thu và 0.9% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.
Thị trường xuất khẩu gạo nửa cuối năm 2022 sẽ ra sao?
Tại cuộc họp đánh giá tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2022 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 06/07, các doanh nghiệp xuất khẩu đều nhận định rằng, nhu cầu thị trường trong 6 tháng cuối năm vẫn tốt.
Thêm vào đó, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ vững ở mức cao, thậm chí có thể còn tăng do ảnh hưởng xung đột với Nga nên Ukraine không xuất khẩu lúa mì, kéo theo giá các loại ngũ cốc và lương thực cao. Những yếu tố này được đánh giá có lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Đồng quan điểm, CTCK Mirae Asset cũng kỳ vọng sự thiếu hụt lương thực trên thị trường thế giới do căng thẳng Nga - Ukraine sẽ đẩy giá gạo Việt Nam vào một chu kỳ tăng mới, nhờ vậy, giá gạo trung bình cả năm 2022 được dự báo sẽ ở mức tương tự năm 2021.
Tuy vậy, theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ông Nguyễn Ngọc Nam, doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn cần theo dõi thông tin biến động của các thị trường chính như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… để có chiến lược phù hợp.
Ngoài ra, thị trường EU là thị trường có yêu cầu rất khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy, dù lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này chưa nhiều, các doanh nghiệp vẫn cần lưu ý tuân thủ quy định của thị trường, tránh ảnh hưởng tới uy tín chung của gạo Việt tại những quốc gia này.
Thế Mạnh
FILI
|