Nhịp đập Thị trường 18/08: Nhóm chứng khoán bừng sáng, VN-Index giảm bất ngờ trong ATC
Tưởng chừng VN-Index lại có thêm 1 phiên lội ngược dòng, khi nhanh chóng hồi điểm, leo lên trên tham chiếu ngay trước 14h và giữ được sắc xanh cho đến thời điểm ATO, với khoảng cách 3 điểm bên trên tham chiếu. Tuy nhiên hôm nay diễn biến chỉ số cũng lắm bất ngờ. Đến phút chót, chỉ số này lại giảm xuống dưới tham chiếu gần 2 điểm. Như vậy VN-Index đã giảm phiên đầu tiên sau 4 phiên tăng trước đó. Chỉ số giảm được coi là cùng nhịp với nhiều chỉ số lớn trên các sàn châu Á.
Thanh khoản trên sàn HOSE có vẻ tăng nhanh trong phiên chiều theo diễn biến của giá cổ phiếu và chỉ số VN-Index, tuy nhiên vẫn thấp hơn 1 chút so với phiên chiều qua. Tương quan tăng – giảm giá trên sàn này vẫn chênh lệch rất lớn, chưa đến 25% tăng giá so với hơn 60% giảm giá. VIC vẫn là trụ đỡ cho các chỉ số VN30 và VN-Index, ngoài ra còn có SAB (mã này có lúc tăng mạnh hơn 4%), SSI, VNM, DGC và GAS, giúp các chỉ số này tăng điểm trong đa số thời gian phiên chiều (trước khi bị đạp tại ATC)… Điểm sáng là khối ngoại mua vào mạnh trên khá nhiều cổ phiếu sàn này, nhất là SSI, HDB, STB, VNM hay VND…
Diễn biến trên sàn phái sinh cũng có những điểm đáng chú ý trong phiên chiều. Cụ thể, chênh lệch giữa điểm chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai sắp đáo hạn, VN30F2208 đã nhanh chóng bị thu hẹp, chỉ sau khi phiên chiều GD được gần 30 phút. Và chủ yếu do chỉ số VN30 hồi phục nhanh hơn. Đến gần 14h15, chênh lệch hầu như bằng 0, vào dù sau đó VN30 có giảm nhẹ trở lại, thì giá HĐTL kia cũng bám theo khá sát. Điều bất ngờ chỉ đến vào phút ATC, giá HĐTL gần như đứng yên khi VN30 giảm hơn 6 điểm, dẫn đến chênh lệch tăng trở lại lên gần 5 điểm. Tuy nhiên, việc giảm điểm của chỉ số dường như sẽ giúp cho chênh lệch đáo hạn thực tế (khi tính theo cách mới của HNX) gần như rất nhỏ.
Diễn biến hồi phục trên sàn HOSE, xui thay không giúp được gì nhiều cho 2 sàn HNX và UPCoM. Chỉ số 2 sàn này vẫn luôn chạy bên dưới đường tham chiếu trong suốt phiên chiều, ngay cả khi UPCoM-Index có thêm 15 phút giao dịch sau khi HOSE đóng cửa. Tuy vậy, dường như có khá nhiều cổ phiếu Small Cap trên 2 sàn này kịp tăng trở lại. Đối với nhóm Large Cap, sàn HNX có diễn biến tích cực hơn, nhiều mã xanh trở lại, trong đó có NTP, BAB, SHS, MBS, NVB, PHP… Đối với sàn UPCoM, đa số Large Cap vẫn chìm trong sắc đỏ, trừ số ít như ACV, SIP, MML … hay QNS. GE2 vẫn giảm hơn 10% chủ yếu do 1 deal ban sáng, và không có thêm deal nào trong phiên chiều. Ngoài ra, KLB cũng là mã đỏ nổi bật khi giảm hơn 5.5% vào cuối ngày.
Tổng thể ba sàn chiều nay vẫn mang vị thế tiêu cực, nhưng mức độ có thể coi là giảm so với cuối phiên sáng. Cụ thể chỉ có hơn 50% số cổ phiếu giảm giá cuối ngày, và số cổ phiếu tăng giá đã tăng lên gần 30%, trong đó, ở dòng Small Cap, số lượng cổ phiếu tăng giá trở lại là khá nhiều. Ở nhóm Large Cap, ngoài những cái tên nổi bật kéo từ phiên sáng như BAB, MVN, SAB hay QNS, thì cuối ngày có thêm HCM, SSI và SSH. SSI tăng giá trở lại còn 1 phần nhờ lực mua mạnh của khối ngoại.
Khối ngoại mua mạnh trong phiên chiều, và đảo vị thế, từ bán ròng trong phiên sáng qua mua ròng vào cuối ngày. HPG, KBC và VHM vẫn là 3 cổ phiếu bị họ bán ròng mạnh, nhưng SSI, HDB và VND nổi lên là 3 mã được mua ròng mạnh nhất. Ngoài ra, còn 1 số cổ phiếu khác có GD đáng chú ý của khối ngoại, bao gồm BSR, VRE, DGC, DXG và bất ngờ nhất là 2 mã VCB và VJC.
Nhóm ngân hàng vẫn chìm trong kịch bản tiêu cực khi có đến 19/27 cổ phiếu giảm giá vào cuối ngày. Chỉ có 4 mã tăng giá, trong đó có ACB và HDB trên HOSE, và BAB & NVB trên HNX. Tuy vậy, đa số cổ phiếu giảm giá đều không vượt quá -2%, ngoại trừ 1 mã duy nhất là KLB (-5.5%).
Nhóm cổ phiếu chứng khoán bừng sáng trong phiên chiều với thông tin giao dịch T+1.5. Dù sắc xanh đã hiện diện khá nhiều cuối phiên sáng, nhưng đến cuối phiên chiều, có đến 28/35 mã tăng giá so với chỉ 2 mã TCI và VUA xui xẻo giảm. Trong số tăng giá, đáng chú ý nhất là BSI, HCM và PSI.
Phiên sáng: VN-Index suy giảm nhanh
VN-Index bỗng dưng “giảm sâu” dưới tham chiếu kể từ sau 11h. Thực tế chỉ số chỉ giảm chừng gần 3 điểm dưới tham chiếu, nhưng về mặt đồ họa, so với hơn 2/3 thời gian đầu của phiên sáng, thì mức giảm đó là nhanh, bất ngờ và sâu hơn mọi “đáy trước”. Diễn biến này đồng dạng với chỉ số VN30-Index và tác động qua cả 2 chỉ số 2 sàn còn lại. Thậm chí diễn biến của VN-Index còn có thể coi là đi cùng xu hướng giảm của rất nhiều chỉ số lớn trên các sàn châu Á vào lúc này.
Nhóm VN30 vào cuối phiên sáng có 12 cổ phiếu tăng giá, nhưng có đến 18 mã giảm giá. Như vậy không còn mã nào đứng yên tại tham chiếu. VIC vẫn gắng đỡ chỉ số với mức tăng 1.8%, bên cạnh đó còn có VHM, VRE, SAB, VNM, VJC…, tuy nhiên dường như chỉ số nhóm này bị kéo tụt trong khoảng 30 phút cuối “hiệp 1”, bởi 1 số mã giảm giá cùng lúc như BID, GAS, CTG, PLX…
Diễn biến xấu đi của 2 chỉ số quan trọng là VN30 và VN-Index cũng phản ánh vào vị thế của đa số cổ phiếu trên sàn HOSE. Số lượng cổ phiếu tăng giá vào cuối phiên sáng chỉ còn chiếm khoảng 20%, so với 70% giảm giá, trong đó đa số là midcap và smallcap. Thanh khoản trên sàn HOSE cũng tụt áp ngay sau 10h30 so với sáng phiên hôm qua. Khối ngoại cũng bán ròng khá mạnh trên sàn này, trong đó đáng kể phải nhắc đến là HPG, KBC, VHM…
Cũng sàn HOSE, nhìn từ góc độ nhóm ngành thì gần như không còn ngành lớn nào mà sắc xanh chiếm đa số. Hai nhóm được coi tích cực trong nửa đầu phiên sáng là dầu khí nhà PVN và chứng khoán, thì đến cuối phiên, số mã lùi về tham chiếu, hay thậm chí giảm giá nhiều lên, cân bằng với số mã tăng giá. Ở các nhóm nhỏ hơn, chỉ có bảo hiểm, hàng không… là còn có nhiều sắc xanh.
Diễn biến của VN-Index tác động lên cả 2 chỉ số của 2 sàn còn lại, nhất là UPCoM-Index. Trên sàn UPCoM, QNS vẫn đứng khá vững với mức tăng giá trên 2%, nhưng đang dần trở thành của hiếm. Nói cách khác, đa số Large Cap sàn này đang mất đà tăng lùi dần về tham chiếu, hay thậm chí giảm, trong đó đáng lưu ý nhất là mấy mã VGI, SNZ, VGT, VTP, TVN, MCH… Riêng GE2 giảm ngay hơn 10% với chỉ 1 deal duy nhất được thực hiện lúc gần 11g.
Trên sàn HNX, diễn biến sau 11h có vẻ đỡ xấu hơn, nhưng thực ra do chỉ số đã giảm sâu từ trước đó. Trên sàn này, chỉ số vẫn chịu sức ép từ những Large Cap như VCS, THD, CEO, PHP, PVI… PVS vốn là sao sáng trong nhóm vốn hóa lớn, nhưng hiện cũng chỉ còn tăng 1.6%.
Tổng thể 3 sàn, có đến các nhóm ngành lớn như ngân hàng, BĐS, xây dựng, sắt thép, kho bãi logistics… đều phủ đa số sắc đỏ. Một số nhóm lớn khác như chứng khoán, dầu khí, thực phẩm… thì cũng chỉ ở mức giằng co, phân hóa. Nếu nhìn theo nhóm vốn hóa, cũng chỉ có vài mã Large Cap có mức tăng giá tạm coi ấn tượng như BAB, QNS, MVN hay DGC. ở hai nhóm Mid và Small Cap, số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 3 lần số tăng giá.
Hôm nay là ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng tương lai 1 tháng VN30F2208, và điều thú vị nhất là, giá hợp đồng này luôn cao hơn chỉ số VN30 từ 8-9 điểm, thậm chí ngay cả khi VN30 rớt điểm trong những phút cuối phiên sáng. Mức chênh lệch này được coi là rất lớn, dù cho HNX tính giá đáo hạn phái sinh theo cách mới.
10h30: VIC gắng đỡ chỉ số, nhóm chứng khoán quay lại sắc xanh
VN-Index đang dao động trong phạm vi 2 điểm trên dưới tham chiếu, đổi màu vài lần trong nửa đầu phiên sáng nay. Về mặt hình ảnh, chỉ số giống như cầu Rồng ngoài Đà Nẵng, nhưng chưa được thổi lửa để bùng nổ, thậm chí còn có thể giảm nếu không có VIC tăng mạnh. Nhóm dầu khí vẫn tích cực, đồng thời nhóm chứng khoán đang quay lại với sắc xanh, là điểm nhấn vào lúc này.
Tương quan tăng - giảm giá trên sàn HOSE vẫn nghiêng một chút về phía giảm giá (chiếm khoảng 60% số cổ phiếu có giao dịch) vào giữa phiên sáng nay. Tương quan này cũng thể hiện trên mọi nhóm vốn hóa, và nghiêng rõ rệt trên nhóm Small Cap. Từ góc độ nhóm ngành, ngân hàng, BĐS, sắt thép, sản xuất điện, bán lẻ… đang có nhiều sắc đỏ, ngược lại dầu khí và nhất là chứng khoán, lại phủ nhiều sắc xanh. Ở các nhóm nhỏ hơn, chỉ vài nhóm được coi là tích cực, bao gồm bảo hiểm, bia và đồ uống hay hàng không…
Với nhóm VN30, lúc này đang có 15 mã giảm giá vs 8 mã tăng giá. Dù ít cổ phiếu tăng giá, nhưng toàn hàng khủng, trong đó VIC lại nổi bật lên mới mức tăng hơn 2,5%, bên cạnh còn có VHM, VRE, VNM, VJC, SAB… Ngược lại, NVL đã đổi sang màu đỏ, và có vẻ như là mã giảm giá sâu nhất nhóm, dù mức giảm chỉ chưa đến 1%. Ngoài ra, còn có MSN, MWG, HPG và vài mã ngân hàng.
Chỉ số hai sàn HNX và UPCoM vẫn chạy bên dưới đường tham chiếu, nhất là HNX-Index. Ở sàn HNX, chỉ số có lẽ chịu ảnh hưởng từ một số mã vốn hóa lớn nhất nhì như THD, PHP, PVI… PVS, NVB và mấy mã chứng khoán dù tăng giá nhưng không đẩy được chỉ số. Trên sàn UPCoM, dù cũng có lúc hồi lại lên trên tham chiếu, nhưng lúc này chỉ số bị đè bởi những Large Cap như SNZ, TVN, VGI, VTP, VGT, MCH… QNS là số ít Large Cap tăng ấn tượng bất ngờ từ đầu phiên đến lúc này, có lúc tăng hơn 4%.
Nhóm ngân hàng trên HOSE chỉ có duy nhất 1 cổ phiếu tăng giá là VIB, so với 10 mã giảm giá, trong đó có CTG, MBB và nhiều ngân hàng tư nhân khác. VCB đứng giá, nhưng thực tế suốt nửa đầu phiên sáng chưa lần nào tăng giá. Tính cả 3 sàn, số lượng cổ phiếu ngân hàng giảm giá vẫn chiếm đa số.
Nhóm chứng khoán đang quay lại với sắc xanh trên diện rộng vào lúc này. Đầu phiên còn giảm giá, nhưng hiện các ông lớn như SSI, VCI, HCM, MBS, VND, SHS… đều tăng giá trở lại, đa số tăng trên 1%. Thông tin về ngày chính thức áp dụng chu kỳ thanh toán bù trừ mới vào cuối tháng này đang được cho là yếu tố đẩy giá cổ phiếu nhóm này. Tuy nhiên cũng đang có một số mã giảm giá đáng kể, ví dụ như VDS hay WSS.
Nhóm dầu khí nhà PVN tiếp tục phủ đa số sắc xanh, nhưng có đôi chút dấu hiệu thoái lui, kể cả ở GAS, PVS và nhiều mã khác có vần “P”, thậm chí một số mã khác như OIL, CNG đã giảm giá trở lại.
VSC vừa ra tin kế hoạch phát hành tăng vốn, cổ phiếu liền giảm sâu. Chiều qua cổ phiếu này đã đóng cửa giảm sát 3%, sáng nay có lúc giảm hơn 4%, tạo ra các tín hiệu kỹ thuật xấu.
VN-Index mở cửa gần như dậm chân tại chỗ
VN-Index mở cửa gần như đứng yên ngay tại tham chiếu, đúng hơn là giảm rất nhẹ. Tuy nhiên cùng lúc chỉ số nhóm VN30 lại tăng rất nhẹ. Diễn biến này cho thấy thị trường đang rất cần có động lực để đi lên tiếp, dù đã có chuỗi đà tăng khá dài từ cuối tháng 7 cho đến nay.
Trên nhóm VN30, số lượng cổ phiếu tăng giảm giá lúc mở cửa rất cân bàng, mỗi “phe” có khoảng 11 mã. Sau đó ít phút, số cổ phiếu tăng giá tăng lên 12, còn số mã giảm giá chỉ còn 8. GAS và NVL là 2 mã tăng giá tốt nhất khi mở cửa, dù mức tăng chỉ nhỉnh hơn 1%. VIC, VHM cũng là 2 mã tăng giá nhẹ, trong đó VIC chính là cổ phiếu đẩy mạnh chỉ số nhóm này chiều qua. Ở chiều giảm giá, có HPG, VRE, và vài mã ngân hàng, nhưng tất cả cũng giảm rất nhẹ.
2 chỉ số chính 2 sàn HNX và UPCoM đồng loạt giảm nhẹ ngay trước khi HOSE mở cửa, và vẫn không đổi màu sau ATO. Trên sàn HNX, ngoài PVS, VNR và vài mã khác tăng nhẹ trên 1%, thì có vẻ số lượng cổ phiếu giảm giá nhiều hơn, dù hầu như cũng chả có mã nào giảm quá -1%.
Trên sàn UPCoM, đa số Large Cap đứng giá tại thời điểm HOSE khớp mở cửa, nhưng mặt khác có vài mã giảm đáng lưu ý, ví dụ như SNZ, VGI hay MSR.
Nhóm dầu khí nhà PVN đang nổi lên như là một trụ đỡ cứng cho các chỉ số VN-Index và HNX-Index ngay đầu phiên sáng nay. GAS tăng ngay hơn 1% chỉ sau ATO vài phút, bên cạnh đó còn có PVS, PXS, PVB, PVC, PCD… Thông tin về dự án Lô B Ô Môn mới đây lại được nhắc lại, và có vẻ như đang là động lực cho nhóm này, thay cho thông tin giá dầu thế giới, vốn đang kéo dài chuỗi ngày dưới 100 USD/thùng.
Nhóm ngân hàng sáng nay mở cửa với đa số rơi vào sắc đỏ, nhưng hầu hết giảm chưa đến 1%. Một số mã tăng khá trong thời gian gần đây như HDB, MBB thì sáng nay cũng chững lại hoặc giảm nhẹ.
Khá nhiều nhóm lớn khác cũng mở cửa với sắc đỏ đa số, bao gồm BĐS, sắt thép, chứng khoán, bán lẻ, thực phẩm, xây dựng… Điều tương tự cũng xảy ra ở nhiều nhóm ngành nhỏ hơn, tuy nhiên cũng có số ít đi ngược như bảo hiểm hay gỗ - đá nội ngoại thất.
Nhóm BĐS có vẻ như đang chịu áp lực ngày càng lớn từ thông tin về khả năng đảo nợ, trong bối cảnh room tín dụng ngân hàng chưa được mở, và thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì u ám. Sáng nay trừ NVL, VIC, VHM và một số mã nhỏ hơn như QCG, HDC… còn tăng giá nhẹ ngay hoặc sau ATO, đa số chìm trong sắc đỏ với mức giảm phổ biến từ 1-2%, trong đó có cả những cổ phiếu vốn tăng đáng chú ý chiều qua như PDR, DXG, NLG, KDH, NDN, LDG…
Hoàng Nam
FILI
|