Nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa, Bộ Công Thương cử 3 Thứ trưởng khẩn cấp đi kiểm tra
Trước việc nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu ở các địa phương đóng cửa, ngừng hoạt động vì không còn hàng và liên tục kêu gặp khó vì bị lỗ nặng trong kinh doanh, ngày 30/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có chỉ đạo “nóng”, thành lập 3 đoàn công tác để kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu tại cả 3 miền Bắc, Trung và Nam.
Theo thông tin của chúng tôi, mỗi đoàn công tác của Bộ Công Thương sẽ do một Thứ trưởng làm trưởng đoàn và đại diện 4 đơn vị đi cùng (gồm Tổng Cục Quản lý Thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế). Ba đoàn công tác sẽ lên đường thực hiện đợt kiểm tra ngay trong những ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 và sẽ duy trì hoạt động liên tục đến hết năm 2022 cho đến khi ổn định tình hình cung ứng, phân phối xăng dầu trên thị trường.
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, các đoàn sẽ kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu bao gồm cả thương nhân kinh doanh xăng dầu, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu… Tuy nhiên, đoàn sẽ chỉ tập trung kiểm tra, giám sát những nơi thực hiện không đúng quy định, đặc biệt là các cơ sở đóng cửa, có dấu hiệu “găm hàng”, không thực hiện đúng nghĩa vụ và các quy định tại Nghị định số 95 và Nghị định số 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Đặc biệt, tại khu vực Tây Nam Bộ, sẽ chú ý tới một số thành phố lớn khu vực này có hiện tượng không bình thường khi có hiện tượng xăng dầu của Việt Nam đã và đang bị “chảy” ra các nước xung quanh như: Lào, Campuchia, Thái Lan do giá của Việt Nam thấp đến 12 % so với khu vực.
“Quá trình kiểm tra, các đoàn công tác không được gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp hoạt động bình thường, chấp hành đúng pháp luật, chỉ tập trung vào những đơn vị làm không đúng, có dấu hiệu vi phạm, thoái thác nhiệm vụ, nghĩa vụ cung ứng xăng dầu”, ông Diên yêu cầu.
Bộ trưởng Công Thương cũng nhấn mạnh: “Hiện chúng ta khẳng định là không thiếu nguồn thì tại sao lại không có nguồn, đến cửa hàng thì phải đi vào tận nơi để làm cho rõ”.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc thực hiện giám sát để “truy” gốc rễ vấn đề, từ có những giải pháp tháo gỡ phù hợp, kịp thời. Bộ trưởng Bộ Công Thương giao cho Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các địa phương phối hợp với các đoàn công tác, xử lý nghiêm minh các sai phạm.
Doanh nghiệp bán lẻ chỉ ra bất cập trong quản lý xăng dầu
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Gia Cường, lãnh đạo một doanh nghiệp với hơn 10 năm kinh doanh xăng dầu xác nhận, các đại lý bán lẻ xăng dầu (điểm cuối trong chuỗi cung ứng tới tay người tiêu dùng) đang phải chịu đủ thứ bất cập trong kinh doanh.
Cụ thể, với diễn biến và cách phân quyền hiện nay trong kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ nằm cuối chuỗi cung ứng, hoàn toàn bị động, phụ thuộc trong mọi tình huống với đủ loại điều kiện ràng buộc vô cùng chặt chẽ. Lợi nhuận của đại lý là dựa vào thù lao (chiết khấu) trên lít mà nhà cung cấp đưa ra hằng ngày.
Các đại lý bán lẻ chỉ được quyền mua ký hợp đồng với 1 nhà cung cấp duy nhất và phải được Sở Công Thương chấp thuận. Giá mua vào hoàn toàn phụ thuộc vào thù lao mà nhà cung cấp báo hằng ngày. Giá bán ra sẽ được quy định bằng văn bản bởi Bộ Công Thương theo khung thời gian 10 ngày/lần điều chỉnh.
Theo ông Cường, hiện vẫn đang có sự chênh lệch thù lao hằng ngày giữa các nhà cung cấp với nhau trung bình 50 đồng-150 đồng/lít. Để duy trì hoạt động, một đại lý bán lẻ xăng dầu phải trả các chi phí bình quân trên lít xăng dầu với mức 100-200 đồng/lít chi phí vận chuyển; Chi phí nhân viên từ 300-400 đồng/lít; Chi phí hoạt động, khấu hao: 100 đồng/lít. Như vậy để đạt mức hòa vốn trung bình cần khoảng 600 đồng/lít. Với những doanh nghiệp ở các thành phố lớn, chi phí còn cao hơn.
“Từ trước tết âm lịch 2022 thù lao đại lý dao động bình quân ở mức 0 đồng-200 đồng/lít. Với mức thù lao này đại lý bán lẻ sẽ phải gồng lỗ trên từng lít bán ra. Trung bình một cây xăng doanh số bán 100.000 lít trên tháng sẽ lỗ khoảng 40 triệu đồng. Tình trạng này đã kéo dài hơn một năm nay. Có những lúc mức thù lao đạt 600 đồng-1.000 đồng/lít nhưng chiết khấu này chỉ được đưa ra ngay trước ngày giá chuẩn bị điều chỉnh giảm rất mạnh. Khi hàng về, cộng với lượng hàng tồn kho, đại lý sẽ tiếp tục lỗ nặng”, ông Cường cho hay.
Khi giá thế giới tăng đột biến, theo ông Cường, các nhà cung cấp sẽ ép thù lao xuống mức thấp nhất. Như hiện tại, giá thành phẩm xăng dầu đang tăng và thù lao ngay lập tức về mức 0 đồng-80 đồng/lít.
Phạm Tuyên
Tiền phong
|