Ngành dược quý 2: Kẻ khóc, người cười
Kết thúc quý 2/2022, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dược cho thấy những mảng sáng tối khác nhau. Có doanh nghiệp báo lãi tăng mạnh, nhóm khác ngậm ngùi nhìn kết quả đi xuống, thậm chí có nơi phải báo lỗ dù doanh thu trong kỳ hơn ngàn tỷ đồng.
Theo thống kê từ VietstockFinance, có 28 doanh nghiệp ngành dược đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2022. Trong đó, tổng doanh thu ước tính đạt hơn 7 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi ròng thu hẹp 15.8%, còn 684 tỷ đồng. Trong đó, một số doanh nghiệp đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ấn tượng.
Top 10 doanh nghiệp ngành dược có lợi nhuận tăng trưởng trong quý 2/2022
Nguồn: VietstockFinance
|
Dẫn đầu về lợi nhuận ròng quý 2 là ông lớn Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) với doanh thu gần 1.12 ngàn tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ và lãi ròng đạt 234.6 tỷ đồng, tăng trưởng 16.7%.
DHG lý giải, doanh thu của Công ty tăng cao nhờ tập trung bán các sản phẩm chiến lược liên quan đến dinh dưỡng và điều trị COVID-19. Bên cạnh đó, việc quản lý tốt các khoản phải thu và hàng tồn kho cũng giúp ông lớn ngành dược cải thiện được dòng tiền, tăng hiệu quả kinh doanh trong kỳ.
Kết quả kinh doanh quý 2 tươi sáng của DHG |
|
Doanh nghiệp có mức lợi nhuận cao thứ 2 là Traphaco (HOSE: TRA). TRA có doanh thu 590 tỷ đồng trong quý 2, tăng trưởng nhẹ 6%. Tuy nhiên nhờ triển khai được nhiều sản phẩm và kiểm soát tốt chi phí, Công ty lãi ròng gần 76 tỷ đồng, bật tăng hơn 20% so với cùng kỳ.
Lãi ròng quý 2 của ông lớn Traphaco tiếp tục tăng trưởng đều đặn qua từng năm |
|
Dược liệu Việt Nam (HNX: DVM) cũng ghi nhận quý 2 đạt doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhờ vào việc đẩy mạnh quảng cáo và mở rộng thị trường. Trong đó, doanh thu và lãi ròng trong kỳ của Công ty đạt lần lượt 373 tỷ đồng và gần 18 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 48% và 45% so với cùng kỳ.
Nhờ nắm bắt được nhu cầu điều trị các triệu chứng hậu COVID-19, Domesco (HOSE: DMC) đã nghiên cứu, đưa ra thị trường các sản phẩm tương ứng và nhờ vậy đạt được mức lãi ròng 48.6 tỷ đồng trong quý 2/2022, tăng gần 15% so với cùng kỳ.
Bidiphar (HOSE: DBD) có doanh thu quý 2 hơn 337 tỷ đồng, lãi ròng 60 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 8% và 6% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp của DBD ghi nhận tăng đáng kể (trên 50%) nhờ tăng tỷ trọng vào các mặt hàng tự sản xuất với biên lợi nhuận cao như thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư…
Người cười, kẻ khóc
Nhiều doanh nghiệp ngành dược báo lãi giảm
Nguồn: VietstockFinance
|
Không phải doanh nghiệp ngành dược nào cũng có một quý 2 kinh doanh màu hồng. Như Hóa - Dược phẩm Mekophar (UPCoM: MKP) lãi ròng chỉ đạt gần 800 triệu đồng, giảm gần 66% so với cùng kỳ. Dẫu vậy, nhờ kết quả quý 1 tươi sáng, lũy kế 6 tháng của MKP vẫn có lãi ròng 23 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ.
Ngay cả Dược Cửu Long (HOSE: DCL) cũng có kết quả lãi ròng quý 2 sụt giảm hơn 20%, còn 25.7 tỷ đồng do các khoản chi phí bật tăng, bất chấp doanh thu tăng trưởng gần 11% (209 tỷ đồng).
Imexpharm (HOSE: IMP) có một quý 2 đi lùi khi lãi ròng giảm gần 6%, đạt hơn 46 tỷ đồng. Dù có doanh thu tăng trưởng khá tích cực (12%, đạt gần 355 tỷ đồng), các khoản chi phí đồng loạt tăng cao đã bào mòn lợi nhuận của Công ty.
Một số doanh nghiệp báo lỗ trong quý 2/2022
Nguồn: VietstockFinance
|
Một doanh nghiệp đáng chú ý khác là DVN (Tổng Công ty Dược Việt Nam). Trong quý 2, DVN báo doanh thu đạt 1.4 ngàn tỷ đồng (tăng trưởng 10.3%), nhưng vẫn lỗ ròng gần 11 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 77 tỷ đồng. Nguyên nhân từ khoản trích lập dự phòng hơn 70 tỷ đồng cho Mekophar, Vimedimex, CTCP Medipharco Dược phẩm Trung ương 2. Khoản trích lập tăng đột biến đã khiến DVN chuyển lãi thành lỗ trong quý 2, đồng thời khiến lợi nhuận ròng lũy kế 6 tháng giảm 76% so với cùng kỳ (chỉ đạt hơn 28 tỷ đồng).
DVN báo lỗ ròng gần 11 tỷ đồng vì khoản trích lập dự phòng tăng đột biến |
|
Hồng Đức
FILI
|