Thứ Năm, 25/08/2022 08:30

Một góc nhìn khác về tình hình nợ công

Bản tin nợ công số 14 của Bộ Tài chính cho thấy một bức tranh rất khả quan về tình hình nợ công của Việt Nam hiện nay. Theo đó, nợ công của Việt Nam giai đoạn 2017-2021 đã giảm rất mạnh, từ mức 61,4% GDP năm 2017 xuống còn 43,1% GDP năm 2021.

Song song với đó là nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương cũng giảm mạnh. Cụ thể, nợ Chính phủ giảm từ 51,7% GDP năm 2017 xuống 39,1% năm 2021. Nợ Chính phủ bảo lãnh giảm tương ứng từ 9,1% GDP xuống 3,8% GDP, và nợ chính quyền địa phương từ 1,1% GDP xuống còn 0,6% GDP.

Tỷ lệ nợ công trên GDP năm 2021 thực tế có thể đã không giảm nhanh và mạnh như vậy

Theo Bản tin nợ công nói trên, sự giảm mạnh về nợ công chủ yếu diễn ra trong năm 2021. Cụ thể hơn, nợ công giảm từ 61,4% GDP năm 2017 lần lượt xuống còn 58,3%; 55%; 55,9% và 43,1% GDP trong các năm sau đó cho đến năm 2021.

Có thể thấy, nợ công trong các năm 2018, 2019, 2022 chỉ giảm độ 1-3 điểm phần trăm mỗi năm, nhưng lại lao dốc, giảm tới gần 13 điểm phần trăm riêng trong năm 2021 so với năm trước đó (2020) và lên đến 18,3 điểm phần trăm nếu so với năm đầu kỳ (2017).

Điều gì đã xảy ra trong năm 2021 làm nợ công giảm nhanh và mạnh như vậy?

Để tìm câu trả lời cho câu hỏi này, hãy bắt đầu từ giá trị tuyệt đối của nợ công. Dư nợ của nợ công bằng tiền đồng đã tăng từ 2,587 triệu tỉ đồng năm 2017 lên 3,283 triệu tỉ đồng năm 2021.

Trong cùng kỳ, theo số liệu GDP theo giá thực tế (đã điều chỉnh mạnh, làm tăng GDP hàng năm từ 2010 lên trên 25% so với trước khi điều chỉnh) của Tổng cục Thống kê thì GDP của Việt Nam năm 2017 là 6,294 triệu tỉ đồng, và tăng lên đến 8.480 triệu tỉ đồng vào năm 2021. Từ đây suy ra tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam theo giá thực tế là 41,1% năm 2017 và giảm nhẹ xuống còn 38,7% năm 2021.

Ngoài chuyện GDP theo giá thực tế tăng lên giúp làm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP, một nhân tố khác góp phần kéo giảm tỷ lệ này trong năm 2021 là sự chững lại của dư nợ nước ngoài, được duy trì hầu như không đổi ở mức trên 46 tỉ đô la Mỹ một chút vào năm 2021 so với năm 2017.

Do vậy, dù có sử dụng GDP thực tế thì cũng khó giải thích được con số phản ánh mức sụt giảm mạnh đến vậy về nợ công như báo cáo của Bộ Tài chính.

Quan trọng hơn là khả năng trả nợ

Nợ công tuy được cho là đã giảm mạnh nhưng sự giảm này chính xác là sự giảm của nợ công so với GDP. Chứ còn nếu so với các chỉ số phản ánh khả năng trả nợ như kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và đặc biệt là thu ngân sách nhà nước thì nợ công lại không hề giảm, thậm chí còn tăng lên trong cùng giai đoạn.

Gánh nặng nợ công thực sự đã tăng lên đáng kể nếu so với quy mô của thu ngân sách nhà nước, với tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách tăng từ 19,7% năm 2017 lên 21,8% năm 2021.

Cụ thể hơn, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (bao gồm nợ công) so với kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn 2017-2021 lần lượt là 6,1%; 7%; 5,9%; 5,7% và 6,2%. Như vậy, nếu so với kim ngạch xuất khẩu thì nghĩa vụ trả nợ nước ngoài (gồm nợ công) đã tăng nhẹ từ 6,1% năm 2017 lên 6,2% năm 2021.

Trong cùng giai đoạn, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách qua các năm lần lượt là 19,7%; 17,1%; 17,4%; 21,2% và 21,8%. Nên cũng có thể thấy rõ rằng gánh nặng nợ công thực sự đã tăng lên đáng kể nếu so với quy mô của thu ngân sách nhà nước, với tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách tăng từ 19,7% năm 2017 lên 21,8% năm 2021.

Từ hai chỉ tiêu phản ánh bức tranh sát với thực tế của nợ công nói trên, sẽ thấy rõ sự bất ổn của con số thống kê về GDP đã điều chỉnh được dùng để phản ánh quy mô nợ công của Việt Nam so với thế giới. Dù GDP có “vươn mình” chỉ qua một đêm nhờ việc “điều chỉnh” thì thực tế vẫn là thu ngân sách hàng năm, là con số không thể “điều chỉnh” như GDP, và là nguồn để chi trả gốc và lãi của nợ công, đã không tăng lên kịp với đà tăng của nợ công để rồi Chính phủ ngày càng phải phụ thuộc vào vay nợ mới để trả nợ và lãi vay cũ.

Hàm ý

Tình hình nợ công của Việt Nam trong các năm qua có được cải thiện hay không là tùy vào góc nhìn và số liệu thống kê dùng làm cơ sở. Tuy nhiên, theo cách tính lạc quan nhất, sử dụng chỉ tiêu so sánh là GDP đã bị điều chỉnh mạnh ở Việt Nam, vốn vẫn còn nhiều tồn tại gây tranh cãi, thì nợ công của Việt Nam cũng chỉ được cải thiện một cách khá khiêm tốn trong thời gian qua (từ 41,1% GDP năm 2017 xuống 38,7% GDP năm 2021) như cách tính của người viết ở trên.

Còn theo cách tính toán có tính thuyết phục hơn, đặc biệt khi lấy nghĩa vụ trả nợ Chính phủ so với thu ngân sách, thì sẽ thấy được một bức tranh không tươi sáng về tình hình nợ công của Việt Nam hiện nay, chỉ ra sự phụ thuộc ngày càng tăng của Chính phủ vào vay nợ mới để trả nợ hiện tại (nghĩa vụ trả nợ Chính phủ/thu ngân sách tăng từ 19,7% năm 2017 lên 21,8% năm 2021).

Điều rút ra là không được chủ quan với ý niệm rằng nợ công của Việt Nam đã giảm mạnh để rồi thoải mái vay nợ trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy mạnh đầu tư và chi tiêu.

Phan Minh Ngọc

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thu thuế thu nhập cá nhân 7 tháng sắp cán đích cả năm (17/08/2022)

>   Lỗ cũng phải đóng thuế thu nhập (17/08/2022)

>   Cải cách thuế TNCN nhìn trên tổng thể các nguồn thu thuế (16/08/2022)

>   Sớm bịt lỗ hổng thu thuế bán hàng online (15/08/2022)

>   Tổng cục Thuế chỉ đạo "nóng" về thuế với xe nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại (13/08/2022)

>   Cải cách lương: Hãy làm, đừng chỉ nói (11/08/2022)

>   Chính thức giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng  (08/08/2022)

>   Luật Thuế TNCN: Tăng mức giảm trừ gia cảnh và điều chỉnh từng năm (08/08/2022)

>   Thuế Thu nhập cá nhân: Quá lỗi thời so với 10 năm trước (08/08/2022)

>   Tổng thu ngân sách ngành thuế trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 77.5% dự toán cả năm (04/08/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật