Máy ảnh giá rẻ chết dần
Doanh số giảm mạnh, sự cạnh tranh từ các hãng smartphone khiến nhiều công ty máy ảnh ngừng phát triển dòng camera kỹ thuật số nhỏ gọn (PnS).
Các hãng máy ảnh Nhật Bản như Panasonic và Nikon đang từ bỏ mảng kinh doanh camera kỹ thuật số nhỏ gọn (Point-and-Shoot - PnS). Đây từng là thị trường quan trọng với những công ty trên, nhưng đã xuống dốc nghiêm trọng từ khi iPhone và điện thoại trang bị camera trở nên phổ biến.
Theo Nikkei, Panasonic và Nikon đã tạm dừng phát triển những dòng camera PnS. Thay vào đó, họ sẽ tập trung nguồn lực dành cho các mẫu máy ảnh không gương lật (mirrorless) để tìm chỗ đứng trên thị trường.
Các "ông lớn" từ bỏ camera PnS
Thời gian gần đây, Panasonic Holdings đã thu hẹp quy mô kinh doanh dòng camera Lumix, ra đời năm 2001 và từng được ưa chuộng tại nhiều quốc gia. Từ năm 2019, công ty đã không còn ra mắt camera Lumix giá dưới 400 USD, cũng không có kế hoạch trình làng các mẫu máy ảnh PnS giá rẻ trong tương lai.
Panasonic đã tạm dừng phát triển camera PnS thuộc dòng Lumix. Ảnh: Nikkei.
|
"Chúng tôi đã tạm dừng phát triển bất cứ model nào có thể bị smartphone thay thế", đại diện Panasonic Holdings cho biết.
Các mẫu máy ảnh giá rẻ đã ra mắt vẫn được Panasonic sản xuất. Tuy nhiên, trọng tâm của công ty trong tương lai sẽ dành cho camera không gương lật (mirrorless) cao cấp, nhắm đến người dùng chuyên nghiệp. Công ty Nhật Bản dự kiến ra mắt camera không gương lật, hợp tác với hãng Leica của Đức trong thời gian tới.
Nikon cũng tạm dừng phát triển các mẫu camera PnS thuộc dòng Coolpix. Đại diện công ty cho biết chỉ còn bán 2 model Coolpix với ống kính lớn, đồng thời "theo dõi chặt chẽ xu hướng thị trường" để tính toán sản lượng phù hợp trong tương lai. Nikon cũng ngừng phát triển các mẫu máy ảnh SLR để tập trung vào dòng mirrorless cao cấp.
Đối thủ của Panasonic hay Nikon cũng không còn mặn mà với camera PnS. Fujifilm đã ngừng sản xuất dòng máy nhỏ gọn FinePix, chỉ còn phát triển X100V và các model đắt tiền hơn.
Camera PnS dần đánh mất thị phần từ khi smartphone tích hợp máy ảnh ra đời. Ảnh: The Verge.
|
Canon không còn ra mắt camera dòng Ixy từ năm 2017. Dù vậy, công ty cho biết các model giá rẻ vẫn được hỗ trợ lâu dài. "Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển, sản xuất nếu người dùng vẫn còn nhu cầu", đại diện Canon chia sẻ.
Sony cũng không còn ra mắt camera nhỏ gọn thuộc dòng Cyber-shot từ năm 2019. Tuy nhiên, đại diện công ty khẳng định điều đó "không có nghĩa dừng phát triển sản phẩm mới". Casio Computer đã ngừng sản xuất máy ảnh PnS thuộc dòng Exilim từ năm 2018.
Điểm sáng duy nhất
Thời hoàng kim của máy ảnh PnS diễn ra vào những năm 1990, khi người dùng tìm đến các dòng camera nhỏ gọn, dễ dùng và giá cả phải chăng. Theo Hiệp hội Sản phẩm Máy ảnh và Hình ảnh (CIPA), doanh số camera PnS trên toàn cầu đạt 110 triệu chiếc vào năm 2008.
Các hãng máy ảnh luôn cạnh tranh bằng cách tăng độ phân giải, thu nhỏ kích thước sản phẩm. Tuy nhiên khi smartphone ra đời, tích hợp nhiều ứng dụng chỉnh sửa và nền tảng chia sẻ ảnh nhanh chóng, các dòng camera truyền thống đã không thể bắt kịp xu thế.
Những năm gần đây, camera trên điện thoại ngày càng được cải tiến về chất lượng lẫn tính năng, khiến thị trường máy ảnh PnS chịu thiệt hại nặng nề. Đến năm 2021, doanh số camera PnS trên toàn cầu chỉ còn 3,01 triệu chiếc, giảm đến 97% so với 13 năm trước.
Doanh số camera không gương lật cho thấy tín hiệu lạc quan. Ảnh: The Verge.
|
"Đó là thách thức với các hãng máy ảnh muốn thành công trong việc giữ lại mảng kinh doanh camera nhỏ gọn", nhà phân tích Ichiro Michikoshi từ công ty nghiên cứu BCN cho biết. Theo CIPA, các mẫu máy ảnh PnS chiếm 36% tổng doanh số camera kỹ thuật số trong năm 2021.
Nếu máy ảnh nhỏ gọn đang chết, phân khúc camera không gương lật lại đón nhận tín hiệu tích cực với doanh thu năm 2021 tăng 31%, đạt khoảng 2,4 tỷ USD. Những sản phẩm này mang đến lợi nhuận cao, người dùng mua ống kính và phụ kiện sẽ giúp tăng doanh thu cho nhà sản xuất.
Phúc Thịnh
Zing.vn
|