Thứ Bảy, 27/08/2022 14:58

Lộ lý do nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số không thành công

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở TP HCM đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số.

Sáng 27-8, tại chương trình kỷ niệm 6 năm Cà phê doanh nhân Huba do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (Huba) tổ chức, nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP HCM đã phản ánh những vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Mặc dù thừa nhận năng lực cạnh tranh của DN Việt và hàng hoá xuất xứ Việt Nam không thể tăng nếu DN không ứng dụng chuyển đổi số nhưng các DN cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế rất nhiều DN chuyển đổi số không thành công. Trong đó, đa số DN gặp trở ngại trong việc tìm kiếm đơn vị tư vấn lẫn cung cấp giải pháp chuyển đổi số.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Chủ tịch hệ sinh thái Lê Thành, cho biết công ty ông đã 1 lần thất bại trong việc hợp tác với đơn vị viết phần mềm để thực hiện chuyển đổi số cho toàn hệ sinh thái và đang thuê 1 đơn vị khác làm lại.

"Công ty ký hợp đồng này trị giá 3 tỉ đồng để thực hiện chuyển đổi số trong vòng 1 năm. Chúng tôi từng làm việc với FPT, Viettel nhưng chọn đơn vị nhỏ hơn để hợp tác, lý do chính là họ chịu sửa "cái áo" họ may cho chúng tôi trong khi những đơn vị lớn chỉ muốn áp cho chúng tôi cái họ đang có" – ông Nghĩa chia sẻ.

Từ kinh nghiệm của DN mình, ông Nghĩa cho rằng cái khó nhất trong quá trình chuyển đổi số là DN không đủ trình độ để đặt đề bài cho đơn vị viết phần mềm. Vì vậy, 2 bên mất 6 tháng chỉ để viết quy trình. Bên cạnh đó, hầu hết công ty phần mềm chỉ chuyên 1 vài lĩnh vực nên gặp khó khăn khi thực hiện cho cả hệ sinh thái.

Lộ lý do nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số không thành công - Ảnh 1.

Các khách mời tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm và công nghệ - trong đó có công nghệ phục vụ chuyển đổi số - tại chương trình

 

"Chúng tôi phải dừng hợp đồng viết phần mềm trước đó do phát sinh quá nhiều chi phí so với dự toán ban đầu. Ngoài ra, khi ký hợp đồng, DN phải có điều khoản ràng buộc là phải sửa phần mềm trong vòng 1 năm, khi chạy thử phần mềm thì phải thuê 1 đơn vị độc lập kiểm định…" - ông Nghĩa lưu ý.

Bà Lâm Thuý Ái, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH SX-TM Mebipha, cũng cho biết công ty bà từng gặp khó khăn trong lựa chọn phần mềm. Theo bà, mỗi DN nên có lộ trình chuyển đổi số, từ thuê đơn vị tư vấn, chuẩn bị nguồn lực, dự trù kinh phí...

Đứng ở góc độ DN tư vấn chuyển đổi số, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP HCM, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn P.A.T, cho rằng DN nên có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi đưa ra yêu cầu chuyển đổi số.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP HCM, cũng cho rằng khi quyết định chuyển đổi số, DN phải căn cứ vào túi tiền và nguồn thu của mình. Phải gắn chuyển đổi số với mô hình kinh doanh và giá trị mục tiêu.

"Chuyển đổi số phải xuất phát từ người đứng đầu DN và cần sự thống nhất cao của ban lãnh đạo DN, sự tham gia của cả bộ máy" – ông Hải Long nêu.

Trao đổi với các DN tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết DN nhỏ và vừa có cơ hội thực hiện chuyển đổi số nhanh, hiệu quả hơn các DN lớn. Hiện nay, nhiều DN nhỏ và vừa chưa nhận thức đúng về chuyển đổi số. Hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số là làm khác đi nhờ vào dữ liệu và công nghệ số. Chuyển đổi số là cách DN hiểu khách hàng hơn, bổ sung hình thức kinh doanh trực tuyến để đáp ứng nhu cầu cá nhân hoá trong mua sắm của khách hàng, từ đó phát triển doanh thu và lợi nhuận. 

 

Thanh Nhân - Ảnh: Duy Phú

Người lao động

Các tin tức khác

>   Boeing muốn phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam (27/08/2022)

>   Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 16.8 tỷ USD trong 8 tháng qua (26/08/2022)

>   Những ông lớn đang khai thác ‘mỏ vàng’ 8,5 tỷ gói mì tại Việt Nam (26/08/2022)

>   Đại lý xăng dầu than lỗ, Bộ Công Thương yêu cầu đầu mối chia sẻ (25/08/2022)

>   Ngân hàng, doanh nghiệp BĐS bơm vốn vào công ty chứng khoán: Lợi ích và rủi ro nào hiện hữu? (26/08/2022)

>   Bộ trưởng Công Thương đề xuất 6 giải pháp phát triển nhân lực cho công nghiệp hóa (25/08/2022)

>   Thuế chưa áp nhưng ngành gỗ đã thiệt hại (25/08/2022)

>   Hai cảng tàu khách quốc tế ở TP.HCM mãi chưa thành hình (24/08/2022)

>   Doanh nghiệp nội gặp khó (24/08/2022)

>   Giảm thiểu rủi ro và thiệt hại trong thương mại quốc tế (24/08/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật