Thứ Năm, 18/08/2022 10:49

Làm gì để nhà, đất không bị chuyển hóa vào tay tư nhân?

Cũng như nhìn nhận của nhiều chuyên gia, TS. Nguyễn Văn Hiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Maketing cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra thất thoát lãng phí tài sản công trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là ở các lỗ hổng pháp lý. Vì vậy, phải tìm cách “vá lỗ hổng pháp lý” này càng sớm càng tốt. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Văn Hiến về các nội dung này.

PV: Thưa ông, như thực tế đã diễn ra trong thời gian qua, ông có thể nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan về thực trạng tài sản, bất động sản (BĐS) tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm cuối năm 2020, cả nước có khoảng hơn 650 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có số liệu báo cáo cung cấp dữ liệu hoạt động. Các DNNN đang nắm giữ nguồn lực rất lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Chỉ riêng các DN 100% vốn nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ DN trên thị trường. Theo tính toán sơ bộ, tổng tài sản của khối DNNN trên giá trị sổ sách năm 2021 khoảng 4 triệu tỷ đồng; quy mô tài sản bình quân của 1 DNNN khoảng 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần DN FDI và gấp 109 lần DN tư nhân trong nước.

TS. Nguyễn Văn Hiến

Riêng về bất động sản, theo báo cáo chưa đầy đủ của 36/74 tập đoàn kinh tế, tổng công ty của 47/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các DN sau cổ phần hoá (CPH) đang quản lý, sử dụng hơn 327.000 ha đất chủ yếu theo hình thức thuê đất trả tiền thuê hàng năm.

Mặc dù đang nắm giữ một khối lượng tài sản, BĐS rất lớn của nền kinh tế, nhưng hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNN được đánh giá là không cao, tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn lực, năng lực cạnh tranh yếu của các DNNN còn khá phổ biến, đòi hỏi Nhà nước phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ CPH và thoái vốn nhà nước tại các DNNN để đảm bảo hiệu quả bền vững của cả nền kinh tế.

PV: Theo báo cáo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như đánh giá của nhiều chuyên gia, tiến độ CPH DNNN hiện nay được cho là rất chậm và ì ạch. Vậy ông có thể cho ý kiến thêm về vấn đề này?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Công tác CPH DNNN đang diễn ra rất chậm, nhiều chuyên gia đã dùng từ “ì ạch” để diễn tả quá trình này. Theo báo cáo của Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, có 178 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Tuy nhiên, trong số 178 DN đã CPH thì chỉ có 37/128 DN thuộc danh mục CPH theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đạt 28% kế hoạch.

Lô đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Cư

Cũng theo số liệu báo cáo mới cập nhật, cả năm 2021 chỉ thực hiện bán vốn được 18 DN và CPH được 4 DN, tổng số thu ngân sách hơn 4.402 tỷ đồng.

Xét về nguyên nhân CPH chậm, có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, trong đó có cơ chế để xử lý nhà đất của DNNN trước khi CPH còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính của DN chưa được xử lý dứt điểm; một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu DN chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện CPH, thoái vốn nên còn tư tưởng đối phó, làm cầm chừng...

Mặt khác, sau khi đã CPH, ở nhiều DN, còn tình trạng can thiệp trực tiếp vào hoạt động của DN bằng mệnh lệnh hành chính, nhất là những DN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Chính vì vậy, các nhà đầu tư không muốn tham gia vào quá trình CPH, nhiều nhà đầu tư cho rằng, “các cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước hiện giữ nhiều quyền can thiệp vào hoạt động của DN, nhưng lại thiếu chuyên nghiệp và trách nhiệm không rõ ràng”. Điều này làm mất đi tính ưu việt của công ty cổ phần, do đó, Nhà nước cần phân định rõ chức năng quản lý về kinh tế với chức năng sở hữu DN.

Bên cạnh đó, cũng đã có không ít trường hợp lợi dụng chủ trương CPH, thoái vốn Nhà nước tại các DNNN để thực hiện các hành vi tiêu cực, trục lợi, làm thất thoát lớn tài sản, nhà đất của Nhà nước.

Minh bạch thông tin để cùng giám sát chặt chẽ

Cần ban hành qui định về tính minh bạch hóa thông tin về cổ phần hóa (CPH) (trước, trong và sau khi CPH) để nhiều bên có liên quan cùng biết và giám sát công tác CPH, nhất là người lao động tại doanh nghiệp (DN) CPH, tránh tình trạng bưng bít thông tin, lợi ích nhóm trong công tác CPH. Đồng thời đề cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu DN trong tiến trình CPH; xử lý nghiêm những trường hợp cố ý thực hiện sai, thực hiện không đúng các quy định pháp luật của Nhà nước về CPH.

PV: Như ông đã đề cập ở trên là còn có tình trạng tiêu cực, trục lợi, làm thất thoát lớn tài sản, nhà đất của Nhà nước trong quá trình CPH. Vậy theo ông, cần có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng tài sản nhà và đất công rơi vào tay tư nhân?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Giải pháp đề ra cần phải bắt đầu từ phân tích đánh giá những nguyên nhân gây ra thất thoát lãng phí tài sản công trong quá trình CPH DNNN. Có thể nói nguyên nhân cơ bản và đầu tiên gây ra tình trạng này là các lỗ hổng pháp lý. Vì vậy phải tìm cách “vá lỗ hổng pháp lý”.

Cụ thể, về vấn đề CPH DNNN, hiện tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP về CPH của Chính phủ quy định không tính giá trị đất đai với trường hợp thuê đất của Nhà nước, tuy nhiên, theo Luật Đất đai 2013, thuê đất có hai trường hợp: thuê trả tiền một lần và thuê trả tiền hàng năm. Đối với trường hợp thuê đất trả tiền một lần nếu không tính giá trị đất thì không phù hợp. Bởi, nếu thuê đất trả tiền một lần thì rõ ràng đã có tích lũy giá trị tài sản DN. Nếu không tính vào giá trị DN khi CPH thì sẽ làm thất thoát tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, khi tính tiền thuê đất trả một lần vào giá trị tài sản DN để CPH thì lại dễ phát sinh tiêu cực vì khi đó, DN sẽ xem quyền sử dụng đất (thuê lâu dài) là tài sản của DN, trong khi giá trị quyền sử dụng đất này chỉ được tính là tiền thuê đất mà DN đã nộp một lần, nhưng trên thực tế thì giá trị thương mại của lô đất đó (trong thời gian DN được thuê sử dụng) có thể cao gấp nhiều lần.

Vì vậy, về mặt pháp lý, cần quy định khi DNNN CPH, xác định giá trị quyền sử dụng đất mà DN đang được giao phải bắt buộc qua đấu giá hoặc quy định DN không được chuyển mục đích sử dụng (so với quyết định giao đất ban đầu) sau khi CPH.

PV: Xin cảm ơn ông!

Gia cư (thực hiện)

TBTCVN

Các tin tức khác

>   SCIC lãi trên 3.3 ngàn tỷ đồng nửa đầu năm, muốn mua cổ phần VietinBank (04/08/2022)

>   'Nút thắt' trong việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa (02/08/2022)

>   Sức khỏe tài chính của Hưng Thịnh Land trước thềm IPO (22/07/2022)

>   HOSE: Thông báo kết quả đấu giá cổ phiếu Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang (18/07/2022)

>   HOSE: Thông báo đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang (12/07/2022)

>   HOSE: Thông báo kết quả đấu giá cổ phiếu Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh (30/06/2022)

>   Không có SAB, FPT, BVH, NTP, BMI trong danh sách thoái vốn năm 2022 của SCIC (29/06/2022)

>   HOSE: Thông báo kết quả đấu giá theo lô cổ phiếu tại Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Đông Dương (21/06/2022)

>   HOSE: Thông báo đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Đông Dương (15/06/2022)

>   Hướng dẫn tham gia đấu giá cổ phiếu AAA (17/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật