Thứ Năm, 18/08/2022 17:07

HSBC: Bức tranh kinh tế Việt Nam đa chiều trong tháng 7

Trong báo cáo Vietnam At A Glance tháng 7/2022 của HSBC, dữ liệu của tháng 7 đưa ra một bức tranh đa chiều, xuất khẩu suy yếu do xuất khẩu điện thoại giảm, nhưng doanh số bán lẻ trong nước lại tăng trưởng mạnh mẽ.

Bức tranh đa chiều

Nửa cuối năm 2022 bắt đầu bằng sự đa chiều trong dữ liệu. Điều đáng ngạc nhiên là tăng trưởng xuất khẩu giảm mạnh, nguyên nhân chủ yếu do xuất khẩu điện thoại thông minh sụt giảm. Điều này báo hiệu những cơn gió ngược chiều cản trở thương mại đã bắt đầu trong khi nhu cầu trên toàn cầu cũng được dự báo sẽ chậm lại.

Nhập khẩu cũng giảm, thặng dư thương mại bị thu hẹp, làm xói mòn vị thế tài khoản vãng lai của Việt Nam. Tuy nhiên, được hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại, chi tiêu của các hộ gia đình tiếp tục tăng, với dữ liệu tiêu dùng tốt hơn đối với cả hàng hóa và dịch vụ.

“Yếu ngoài, mạnh trong”

Sau mức tăng trưởng ấn tượng 17% trong sáu tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu nửa sau năm với đà tăng thấp hơn so với kỳ vọng. Xuất khẩu tăng nhẹ 8.9% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của HSBC và thị trường (HSBC: 26.6%; Bbg: 22.2%). Nguyên nhân chính là do lĩnh vực điện tử tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là mặt hàng điện thoại.

Mặc dù xu hướng này không hẳn là một bất ngờ trong bối cảnh lạm phát tác động lên thu nhập thực tế và sự dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ ở phương Tây, điều đáng ngạc nhiên chính là ảnh hưởng của nó được thể hiện trong dữ liệu thương mại của Việt Nam. Kết quả quý 2 của Samsung cho thấy nhu cầu đối với hàng điện tử tiêu dùng đang suy yếu, ảnh hưởng đến mảng điện thoại thông minh, TV và các sản phẩm khác.

Tuy nhiên, dệt may và da giày lại tăng trưởng mạnh, đạt 30% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do hiệu ứng cơ sở thuận lợi. Do TP.HCM và các khu vực lân cận phải trải qua giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt trong quý 3/2021, hiệu ứng cơ sở có thể sẽ kéo dài qua hết quý 3/2022. Tuy nhiên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã dự báo tình hình đơn hàng sắp tới sẽ sụt giảm, làm dấy lên câu hỏi về khả năng trụ vững của các mặt hàng này còn duy trì được bao lâu.

Trong khi đó, tăng trưởng nhập khẩu cũng giảm, chỉ tăng nhẹ 3.4% so với mức tăng hai con số trong những tháng trước. Một phần nguyên nhân là do giá năng lượng giảm, nhờ vậy làm giảm các hóa đơn nhập khẩu hàng hóa như sắt thép, than đá và dầu thô. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến điện thoại lại giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, điều này có thể gia tăng sự đình trệ trong chu kỳ điện tử tiêu dùng. Mặc dù tăng trưởng cả xuất và nhập khẩu đều không nhiều nhưng cán cân thương mại vẫn đi ngang trong tháng 7.

Ngoài ra, chỉ số PMI cũng đang có dấu hiệu đi theo xu hướng tương tự. Mặc dù vẫn ở ngưỡng mở rộng, PMI tháng 7 giảm nhẹ xuống 51.2 điểm . Các chỉ số chính, bao gồm đơn đặt hàng mới và đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng giảm bớt. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cho thấy hoạt động sản xuất mạnh mẽ hơn hầu hết các nước trong khu vực, đặc biệt khi phần lớn châu Á chứng kiến sự thu hẹp về đơn đặt hàng xuất khẩu mới. Các doanh nghiệp tiếp tục tuyển dụng nhiều lao động hơn, chỉ số lao động việc làm tăng lần thứ tư liên tiếp. Mặc dù tăng trưởng sản xuất có thể chậm lại trong những tháng tới, nhưng vẫn duy trì triển vọng tích cực.

Bất chấp bức tranh bên ngoài kém tươi sáng, nền kinh tế trong nước tiếp tục gặt hái thành công nhất định. Tăng trưởng doanh thu bán lẻ ghi nhận mức cao kỷ lục hơn 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù một phần do hiệu ứng cơ sở thuận lợi, đà tiêu thụ tiếp tục tăng mạnh đối với cả hàng hóa và dịch vụ. Đặc biệt, doanh số các ngành liên quan đến du lịch rất đáng lưu ý, chứng kiến mức tăng trưởng hai con số bốn tháng liên tiếp.

Về du lịch, Việt Nam đã thu hút hơn 350,000 khách du lịch quốc tế trong tháng 7, gấp ba lần so với mức trung bình hàng tháng trong nửa đầu năm 2022, đưa tổng lượt khách đến Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại lên 1 triệu. Khách du lịch đến từ Hàn Quốc (25%), châu Âu (13%) và Mỹ (10%) chiếm gần một nửa tổng số du khách, sau đó là tới nhóm khách du lịch đến từ các nước ASEAN với sự quan tâm ngày càng gia tăng.

Tổng cục Du lịch Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu 5 triệu khách du lịch cho năm nay, đồng thời nhắm đến các thị trường mới như Ấn Độ và Trung Đông. Việt Nam đang cấp 6,000 visa mỗi ngày cho khách du lịch Ấn Độ, cao hơn nhiều so với con số 250 trước đại dịch. Tuy nhiên, một vấn đề đang dần hữu hình là khả năng nguồn cung lao động liệu có thể theo kịp với nhu cầu gia tăng hay không, vì một số địa điểm du lịch nổi tiếng đã được báo cáo là chưa mở cửa trở lại hoàn toàn do thiếu hụt lao động.

Lạm phát giảm nhẹ

Lạm phát toàn phần tăng 0.4% so với tháng trước, tương đương với 3.1% so với cùng kỳ năm ngoái, gần như khớp với dự báo của HSBC nhưng hơi thấp so với dự báo chung của thị trường (HSBC: 3.0%; Bbg: 3.3%; Trước đó: 3.4%). Đà lạm phát giảm nhẹ trong tháng 7 do chi phí vận tải giảm. Một phần là do giá dầu giảm nhưng nguyên nhân cũng bao gồm việc giảm thuế môi trường đối với các loại nhiên liệu khác nhau vào đầu tháng 7, với thuế xăng và diesel giảm một nửa xuống mức tương ứng 1,000 đồng/lít và 500 đồng một lít.

Tuy nhiên, thực phẩm tiếp tục gây bất ngờ với mức tăng 1.4% so với tháng trước. Ngoại trừ giá gạo ổn định, các mặt hàng khác đều tăng giá đáng kể, từ thịt lợn và dầu ăn đến rau củ, do chi phí vận chuyển và thức ăn chăn nuôi cao hơn. Ngoài lương thực, lạm phát cơ bản tiếp tục phục hồi, phản ánh tình hình tiêu dùng hộ gia đình được cải thiện. Do đó, mặc dù lạm phát tương đối thấp, nhưng vẫn cần theo dõi sát đà lạm phát. Theo chúng tôi, áp lực lạm phát sẽ mạnh hơn bắt đầu từ nửa cuối năm 2022, đẩy lạm phát toàn phần tạm thời vượt mức trần 4% của NHNN trong một vài quý.

Tình hình này làm dấy lên câu hỏi về thời điểm NHNN bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ. Nhìn chung, đây là một trong số ít các ngân hàng trung ương châu Á chưa bắt đầu chu kỳ thắt chặt. Tuy nhiên, mặc dù giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 4.0%, nhưng lãi suất trên thị trường mở đã được đẩy lên 3.8% vào ngày 26/7, từ mức 2.5% trước đó. Trong bối cảnh Fed đang tiếp tục thắt chặt, chúng tôi tin rằng động thái này là một tín hiệu theo hướng thắt chặt, nhưng trước hết bằng cách rút bớt thanh khoản. HSBC kỳ vọng Quý 3 sẽ là thời điểm bắt đầu chu kỳ thắt chặt của NHNN, có thể là 50 điểm.

Đức Đỗ

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 18/08: Áp lực đảo chiều, giảm điểm? (17/08/2022)

>   Góc nhìn 17/08: Giằng co​ (16/08/2022)

>   Góc nhìn 16/08: Tránh mua đuổi? (15/08/2022)

>   Yuanta: VN-Index sẽ hồi phục về gần vùng kháng cự 1,388-1,418 điểm (16/08/2022)

>   HBC, KDH, SAB có tiềm năng gì để quan tâm? (15/08/2022)

>   Góc nhìn tuần 15 - 19/08: Tích lũy tạo động lực chinh phục mốc 1,300 (14/08/2022)

>   Góc nhìn 12/08: Mở rộng nhịp điều chỉnh? (11/08/2022)

>   Passion Investment xuống tiền với quan điểm sóng hồi trong thị trường giá xuống (11/08/2022)

>   Chứng khoán hết mùa tiền… rẻ (11/08/2022)

>   Góc nhìn 11/08: Rung lắc mạnh? (10/08/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật