Giá dầu thổi bùng lợi nhuận quý 2 doanh nghiệp dầu khí
Hàng loạt doanh nghiệp dầu khí báo lãi “khủng” trong quý 2/2022 nhờ hưởng lợi từ việc giá dầu tăng phi mã.
Trong nửa đầu năm 2022, giá dầu thế giới ghi nhận những bước tăng kỷ lục – như tại thời điểm ngày 07/03 đã chạm đến mức cao nhất trong 14 năm. Nguyên nhân của sự tăng mạnh này đến từ nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu nằm ở căng thẳng xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraine cùng các lệnh cấm vận đối với dầu thô từ Nga.
Việc giá dầu tăng phi mã đã giúp nhiều doanh nghiệp dầu khí niêm yết có được kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 2/2022. Thống kê từ VietstockFinance cho thấy, ước tính tổng doanh thu và lợi nhuận thu về trong quý 2 là hơn 220 ngàn tỷ đồng và hơn 15.3 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 69% và gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ.
GAS và BSR báo lãi ròng tăng kỷ lục
Top 10 doanh nghiệp dầu khí báo lãi ròng tăng trưởng trong quý 2/2022
Nguồn: VietstockFinance
|
Một trong những doanh nghiệp lãi “khủng” trong quý 2 là Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR), với mức lãi ròng đạt hơn 9.9 ngàn tỷ đồng, gấp gần 6 lần so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của BSR đặt trong bối cảnh giá dầu tăng vọt sau cuộc chiến Nga-Ukraine. Con số 9.9 ngàn tỷ kia cũng là khoản lợi nhuận lớn nhất của Công ty từ trước đến nay.
Biên lợi nhuận gộp tăng mạnh là yếu tố cốt lõi làm nên thành tích lợi nhuận của BSR trong thời gian gần đây. Nếu cùng kỳ, 100 đồng doanh thu mang về gần 6.7 đồng lãi gộp thì quý 2/2022, con số này lên tới 20.4 đồng.
BSR báo lãi ròng tăng trưởng kỷ lục trong quý 2/2022 |
|
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty lọc dầu này ghi nhận doanh thu thuần hơn 87 ngàn tỷ và lãi ròng gần 12.3 ngàn tỷ đồng, tăng tương ứng 78% và gấp 3.5 lần cùng kỳ. Với kết quả này, Công ty đã vượt xa kế hoạch lãi sau thuế 1.4 ngàn tỷ đồng đặt ra trong năm 2022.
Tương tự, Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS) cũng có một kỳ kinh doanh đầy thuận lợi với hơn 5 ngàn tỷ đồng lãi ròng, gấp 2.2 lần cùng kỳ năm trước và cũng là mức lãi kỷ lục,ttrong đó, việc giá vốn tăng thấp hơn doanh thu đã giúp biên lãi gộp của Tổng Công ty tăng từ 16.7% lên hơn 25%.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu đạt 54.343 tỷ đồng, tăng 35%; lãi ròng 8.515 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước.
GAS cũng có một kỳ kinh doanh đạt mức lãi kỷ lục |
|
GAS cho biết nguyên nhân lợi nhuận tăng cao là do giá dầu brent bình quân quý 2 đạt 114 USD/thùng, tăng 65% so với cùng kỳ, qua đó làm lợi nhuận khí khô tăng tương ứng. Trong nửa năm qua, Công ty đã sản xuất và cung cấp hơn 1 triệu tấn LPG (xuất khẩu 260.9 nghìn tấn), vượt 23% kế hoạch 6 tháng và chiếm khoảng 70% thị phần bán buôn cả nước. Công ty cũng sản xuất và cung cấp 56.8 nghìn tấn condensate, vượt 67% kế hoạch 6 tháng đầu năm. Sản lượng khí tiếp nhận, sản xuất/cung cấp khí khô không hoàn thành kế hoạch do nhu cầu huy động khí cho sản xuất điện thấp hơn kế hoạch.
PV OIL (UPCoM: OIL) cũng lãi ròng quý 2 hơn 403 tỷ đồng, tăng trưởng 85%. Thậm chí tính lũy kế 6 tháng đầu năm, OIL đã vượt 19% kế hoạch doanh thu và gần gấp 2 lần mục tiêu lợi nhuận sau thuế của cả năm.
Nhiều doanh nghiệp cũng tự tin báo lãi ròng tăng trưởng mạnh do hưởng lợi từ giá dầu, như POS tăng trưởng 91%, TMC là 90%, hay PGS là 56%.
Vẫn có những doanh nghiệp “khóc thầm”
Nhóm doanh nghiệp dầu khí ghi nhận lãi giảm trong quý 2
Nguồn: VietstockFinance
|
Không phải doanh nghiệp nào cũng có lãi tăng trưởng trong quý 2. Cũng có một số doanh nghiệp giảm lãi kỷ lục, thậm chí đã phải tiếp tục báo lỗ.
Trong đó, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) chỉ đạt lợi nhuận ròng quý 2 vỏn vẹn 12 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ và là mức thấp kỷ lục trong hơn 20 năm trở lại đây. Lợi nhuận gộp giảm mạnh trong khi các khoản chi phí tăng cao đột biến – đặc biệt là chi phí quản lý tăng lên 352 tỷ đồng, gấp rưỡi cùng kỳ do quỹ tiền lương trích theo kết quả kinh doanh công ty mẹ lớn hơn - đã bào mòn lợi nhuận của PVS, tạo nên một kỳ kinh doanh khiêm tốn nhất kể từ năm 2000 tới nay.
Lợi nhuận ròng quý 2 của PVS ở mức khiêm tốn nhất trong 20 năm trở lại đây |
|
Tổng Công ty Gas Petrolimex (HOSE: PGC) cũng chứng kiến quý 2 lợi nhuận giảm 39% so với cùng kỳ, đạt gần 29 tỷ đồng. PGC lý giải nguyên nhân chủ yếu vì giá nhập hàng hóa, nguyên vật liệu giảm sâu bất thường đã gây thiệt hại về chênh lệch giá hàng tồn khó, trong khi cùng kỳ không ghi nhận khoản chi phí này.
Vài doanh nghiệp còn chuyển lãi thành lỗ. Như doanh nghiệp mảng khoan dầu khí PVD lỗ ròng 60 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 8 tỷ đồng, lỗ lũy kế 6 tháng lên tới hơn 117 tỷ đồng. Đây thực chất là kết quả không quá bất ngờ, khi lãnh đạo PVD đã chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 về việc giá dầu tăng chưa thể tác động ngay đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Các kỳ vọng gia hạn hợp đồng hay điều chỉnh giá chỉ có thể thực hiện khi giá dầu tăng cao và ổn định.
Một số doanh nghiệp dầu khí báo lỗ trong quý 2
Nguồn: VietstockFinance
|
Đáng chú ý, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex (HOSE: PLX) báo lỗ ròng 196 tỷ đồng trong quý 2 (cùng kỳ lãi ròng hơn 1.4 ngàn tỷ đồng) dù ghi nhận doanh thu tăng trưởng 80% so với cùng kỳ. Khoản lỗ này bào mòn lãi ròng lũy kế nửa đầu năm của PLX, giảm tới 90% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 206 tỷ đồng và mới chỉ thực hiện được 10% kế hoạch đề ra trong năm nay.
PLX báo lỗ trong quý 2 vì hơn 1.1 ngàn tỷ đồng trích lập dự phòng giảm giá xăng dầu |
|
PLX lý giải, việc phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tới 1.1 ngàn tỷ đồng do giá xăng dầu trong nước có biến động theo chiều hướng giảm sâu trong tháng 07/2022 là nguyên nhân chính khiến Tập đoàn phải báo lỗ.
Hồng Đức
FILI
|