Đồng USD mạnh đang ảnh hưởng tiêu cực trên toàn cầu
George Boubouras đang ở nhà riêng ở phía Bắc Melbourne, tham gia một trận đấu bóng gậy, khi điện thoai của anh đột ngột bận rộn.
Vào ngày 13/7/2022, đồng Euro đã giảm xuống ngang bằng đồng USD lần đầu tiên trong gần 20 năm
|
Vào tối ngày 13/7/2022, khoảng 22h45, các cuộc gọi và tin nhắn hối hả liên hệ đến. Đồng Euro vừa giảm ngang so với đồng USD, một mức gần như không thể tưởng tượng, và tất cả mọi người, bao gồm khách hàng, các nhà quản lý quỹ, các trader, đều muốn biết Boubouras, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại K2 Asset Management, khuyên họ nên làm gì. Câu trả lời của ông rất đơn giản: “Đừng chống lại đồng USD vào thời điểm này”.
Chỉ hơn 1 giờ sau, một cú sốc khác ập đến. Ngân hàng Trung ương Canada, giống như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương khác, đang khó khăn để giữ đồng tiền nội tệ ổn định so với đồng USD, đã nâng lãi suất 1 điểm phần trăm. Hầu như không ai dự báo điều này. 10 tiếng sau, một cú sốc khác xuất hiện: Cơ quan Tiền tệ Singapore đã can thiệp vào thị trường ngoại hối, thông báo nỗ lực để vực dậy đồng nội tệ trở lại mức cao hơn so với đồng USD.
Tại thời điểm này, điện thoại của Mitul Kotecha cũng bắt đầu vang thông báo không ngừng. Là một chiến lược gia tại TD Securities, ông Kotecha đang tận hưởng kỳ nghỉ cùng vợ tại một khu nghỉ dưỡng ở Thái Lan. Đó là ngày kỷ niệm 25 năm ngày cưới và ông đang nằm dài trên bãi biển và toàn bộ khung cảnh có vẻ hơi kỳ quái với ông ấy. “Tất cả diễn ra điên rồ chỉ trong một thời gian ngắn”, ông nói. “Tôi không thể tin được tình trạng lộn xộn đã diễn ra”.
Đồng USD, đồng tiền hỗ trợ cho thương mại toàn cầu, đang trên đà leo dốc mà ít có thời điểm nào sánh được trong lịch sử hiện đại. Đà tăng của đồng USD chủ yếu là kết qủa của động thái nâng lãi suất quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – vốn đã nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào ngày 27/07 – và đã để lại một số hậu quả: sự gia tăng chi phí nhập khẩu lương thực và gia tăng nghèo đói trên khắp thế giới; thúc đẩy tình trạng vỡ nợ và lật đổ chính quyền ở Sri Lanka; và tổn thất chồng chất đối với nhà đầu tư trái phiếu và cổ phiếu ở khắp nơi.
Đồng bạc xanh hiện đang ở mức cao mọi thời đại, theo một số thước đo. Chỉ số đồng USD (ICE U.S Dollar Index) - thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – đã tăng 15% kể từ giữa năm 2021. Và với việc Fed quyết tâm tiếp tục nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát – ngay cả khi điều đó có nghĩa là khiến nền kinh tế Mỹ và toàn cầu rơi vào suy thoái – có rất ít điều mà hầu hết những người theo dõi tiền tệ lâu năm cho rằng có thể hãm đà tăng của đồng USD.
Đà tăng của đồng USD
|
Tất cả đều phần nào gợi nhớ về chiến dịch chống lạm phát của Fed do Paul Volcker lãnh đạo vào đầu những năm 1980. Đó là lí do tại sao những bàn tán xuất hiện ngày càng nhiều về khả năng xảy ra một sự thay đổi của Hiệp định Plaza, một thoả thuận mà các nhà hoạch định chính sách quốc tế cắt giảm để kiềm chế đồng USD thời điểm đó. Một thoả thuận tương tự có thể là một sự kiện viển vông bây giờ, tuy nhiên, với một số chỉ số thị trường cho thấy đồng USD có thể dễ dàng leo lên mức tương tự một lần nữa – đà tăng có thể làm rối loạn hệ thống tài chính toàn cầu và nhiều hậu quả khác – nó có thể chỉ là vấn đề thời gian trước khi cuộc thảo luận này nóng lên.
Vishnu Varathan, Giám đốc kinh tế và chiến lược tại Mizuho Bank, nhận định: “Đơn giản là không có sự thay thế nào cho đồng USD cho dù bạn xem xét ở khía cạnh nào và hệ quả là đồng USD sẽ tác động lên mọi thứ khác – các nền kinh tế, các đồng tiền khác và lợi nhuận doanh nghiệp”.
Sự tăng vọt nhanh chóng của đồng USD đang được cảm nhận trong cuộc sống hàng ngày trên khắp thế giới vì đây là “chất bôi trơn” cho thương mại toàn cầu – khoảng 40% trong tổng số 28.5 ngàn tỷ USD thương mại toàn cầu hàng năm được định giá bằng đồng bạc xanh. Sự gia tăng không ngừng của đồng USD có nguy cơ tạo ra một vòng luẩn quẩn không ngừng.
“Bạn có những lo ngại về suy thoái dẫn đến đồng USD mạnh hơn, và sau đó các điều kiện tài chính thắt chặt dẫn đến lo ngại về suy thoái nhiều hơn”, Joey Chew, Chiến lược gia của HSBC Holdings tại Hồng Kông, chia sẻ. “Không có giải pháp tức thời nào cho vấn đề này”.
Nhu cầu đồng USD nóng lên vì một lý do đơn giản: Khi thị trường toàn cầu trở nên điên cuồng, nhà đầu tư tìm kiếm các kênh trú ẩn an toàn. Và như Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã nói, sự an toàn đó “hiện chủ yếu được thực hiện bằng đồng USD”. Quy mô và sức mạnh của nền kinh tế Mỹ vẫn không bàn cãi, trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn là một trong những kênh đầu tư an toàn nhất để lưu trữ tiền và đồng USD chiếm tỷ trọng lớn trong dự trữ ngoại hối.
Một số thước đo theo dõi đồng USD hàng đầu cho thấy khả năng đồng tiền này sẽ tăng hơn nữa. Trong khi chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index ghi nhận mức cao kỷ lục trong tháng này, chỉ số này chỉ được đo lường từ cuối năm 2004. Chỉ số đồng USD (ICE U.S Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – vẫn thấp hơn nhiều so với mức được ghi nhận vào những năm 1980. Phải tăng khoảng 54% để đồng USD trở lại đỉnh cao vào năm 1985, năm có Hiệp ước Plaza.
Tuy nhiên, Chiến lược gia Brendan McKenna của Wells Fargo Securities cho biết hoàn cảnh lần này lại khác. Sức mạnh của đồng USD không rõ rệt – ít nhất là chưa – và Fed nên hạ lãi suất vào một thời điểm nào đó vào năm tới khi nền kinh tế suy yếu, giảm bớt áp lực lên đồng bạc xanh. “Hành động phối hợp để phá giá đồng USD và hỗ trợ đồng tiền các quốc gia G-10 có lẻ không phải là ưu tiên nhiều vào thời điểm này”, ông McKenna nói.
Mặc dù vậy, nhiều đồng tiền của các nền kinh tế lớn đang bị ảnh hưởng tiêu cực. Ngoài sự sụt giảm của đồng Euro, đồng Yên đã giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm khi nhà đầu tư đổ xô vào kênh có lợi suất cao hơn.
Đối với nhiều thị trường mới nổi, thiệt hại còn tồi tệ hơn. Đồng Rupee của Ấn Độ, đồng Peso của Chile và đồng Rupee của Sri Lanka đã chạm mức thấp kỷ lục trong năm nay, bất chấp những nỗ lực của một số ngân hàng trung ương nhằm cố gắng làm chậm đà giảm. Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông đã mua đồng HKD với tốc độ kỷ lục để bảo vệ tỷ giá tiền tệ của thành phố, trong khi NHTW Chile bắt đầu can thiệp 25 tỷ USD sau khi đồng Peso sụt hơn 20% trong 5 tuần.
“Biện pháp này sẽ không hiệu quả”, Luca Paolini, Chiến lược gia tại Pictet Asset Management, nhận định. “Lạm phát cao và đồng USD mạnh là những sự kiện quyết định thế hệ, và đó không phải là điều mà ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi có thể hành động gì nhiều”.
Đồng USD mạnh lại là điều may mắn đối với người dân Mỹ trong du lịch và mua sắm ở châu Âu
|
Đồng USD mạnh thúc đẩy lợi nhuận của các nhà sản xuất dầu và xuất khẩu nguyên vật liệu thô cũng như các công ty quốc tế như Toyota Motor, vốn ghi nhận lợi nhuận lớn tại Mỹ. Đồng bạc xanh mạnh cũng là điều may mắn đối với du khách Mỹ như giáo viên 33 tuổi ở trường Frenso, Mila Ivanova. “Việc có một đồng tiền mạnh trong ví giúp kéo giãn ngân sách của tôi”, cô Ivanova nói ở Luân Đôn trước khi tiến đến Scotland và Ireland.
Tuy nhiên, đồng USD mạnh hơn ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết tất cả những người còn lại.
Những gã khổng lồ công nghệ thu hồi một phần lợi nhuận trên toàn cầu về Mỹ đã bị ảnh hưởng. Công ty Microsoft cho biết đồng USD đang ăn mòn lợi nhuận của họ, trong khi công ty International Business Machines, vốn đã mang lại cho Microsoft bứt phá lớn đầu tiên trong đợt lạm phát vào cuối những năm 1980, đã đổ lỗi cho đồng USD mạnh là nguyên nhân khiến dòng tiền bị siết chặt.
Đối với bất kỳ ai đang tìm cách thách thức sức mạnh đồng bạc xanh ngay lúc này, Phố Wall có một thông điệp: Đừng bận tâm. Một cuộc thăm dò các nhà quản lý quỹ từ Bank of America cho thấy vị thế tăng giá của đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm.
Jane Foley, Giám đốc chiến lược FX tại Rabobank, chia sẻ: “Chỉ khi nhà đầu tư chuẩn bị đón nhận các tài sản rủi ro cao một lần nữa, chúng tôi mới kỳ vọng đồng USD sẽ quay đầu và điều này có thể sẽ không xảy ra cho đến khi thị trường tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thay đổi hướng đi”.
Trước đó, đã có những đợt tăng mạnh của đồng USD, như vào năm 2016 hay năm 2018 khi Fed tìm cách thắt chặt chính sách, tuy nhiên, với dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát tại Mỹ ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ, Fed khó có thể linh hoạt trong chính sách. Thật vậy, Chủ tịch Fed Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hầu như không nhận xét gì về đà tăng gần đây của đồng bạc xanh.
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, một Fed “diều hâu” hơn và rủi ro suy thoái trên toàn cầu, đồng USD là kẻ hưởng lợi. Đó là một ý tưởng được áp dụng rộng rãi do cựu chuyên gia tiền tệ của Morgan Stanley, Stephen Jen, đưa ra. Lý thuyết cho rằng đồng USD tăng vọt ở 2 thái cực – khi nền kinh tế Mỹ chìm sâu hoặc tăng trưởng mạnh – và suy yếu ở giữa chu kỳ, trong giai đoạn tăng trưởng vừa phải.
Garrett Melson của Natixis Investment Managers nhận định: “Những yếu tố vĩ mô trong năm nay đã gợi nhớ lại thời điểm những năm 2010. Tăng trưởng kinh tế Mỹ tương đối mạnh hơn, dẫn đến nhu cầu đồng USD tăng, song điều này lại gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu, qua đó tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đồng USD và các tài sản Mỹ như một kênh trú ẩn an toàn, cứ luẩn quẩn như vậy”.
Điều gì có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn này? Các nhà đầu tư từ Singapore đến New York đang đưa ra giả thuyết về các yếu tố xúc tác như suy thoái, làm rõ khi nào Fed sẽ ngừng nâng lãi suất, hoặc sự hồi sinh quan trọng trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, không rõ khi nào những điều này sẽ xảy ra. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 của Mỹ tăng 9.1%, và Fed đã không nâng lãi suất nhanh như vậy kể từ giữa những năm 1990.
An Trần (Theo Bloomberg)
FILI
|