Đầu tư công giải ngân 'rùa bò', các bộ đề xuất thúc tiến độ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, vừa tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Thể chế chính sách; Tổ chức triển khai thực hiện và nhóm khó khăn đặc thù của năm nay.
Bộ KH&ĐT cho biết, với lĩnh vực đầu tư công, vướng mắc chủ yếu liên quan đến pháp luật là việc tách giai đoạn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
Trong quá trình thực hiện, một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cũng kiến nghị sửa đổi quy định của Luật Đầu tư công theo hướng quy định bổ sung một số loại công trình, dự án đã xác định rõ được diện tích thu hồi thì cho tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Với dự án còn lại cho phép bổ sung một |số công việc được hành động trước như kiểm đếm, đo đạc, thực hiện các dự án tái định cư...
Đồng thời, các địa phương đề nghị bổ sung cơ quan chuẩn bị đầu tư là các ban quản lý dự án.
Ngoài ra, một số địa phương đề nghị phân cấp hơn nữa trong việc giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân được phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương (quy định tại Điều 67 Luật Đầu tư công), cho phép Hội đồng nhân dân từng cấp được quyết định việc kéo dài kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương (quy định tại Điều 68 Luật Đầu tư công).
Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương có liên quan nghiên cứu sửa tổng thể các Luật có liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công (một Luật sửa nhiều Luật). Trong đó, sớm sửa đổi và ban hành các quy định tại các luật liên quan đến đầu tư công như Luật Đất đai (thống kê, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, giá đất, giá đền bù, thu hồi...); Luật Ngân sách Nhà nước (nhiệm vụ chi cấp nào do cấp đó đảm nhiệm); Luật Xây dựng (cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở...); Luật Khoáng sản (làm rõ khái niệm “khoáng sản” tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp không phải là khoáng sản)...
Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Với việc giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng làm ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư công, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, sẽ đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu san lấp. Đồng thời, kiểm tra việc xây dựng, công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định, kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.
Bộ KH&ĐT cũng sẽ báo Thủ tướng về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương liên quan đến việc thực hiện hợp đồng gói, hợp đồng theo đơn giá cố định trong bối cảnh giá nhiên, nguyên vật liệu xây dựng biến động mạnh.
Việt Linh
Tiền phong
|